Chủ tịch Hồ Chí Minh với những bài báo trên Cứu quốc

22/12/2021 10:00

“Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được” – Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên báo Cứu quốc số 51, ngày 26/9/1945 dưới bút danh Chiến Thắng.

Chưa có căn cứ chính xác để khẳng định chuyên mục này (chuyên mục "Tự chỉ trích") có phải do nhà báo cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh chủ trương hay không, nhưng với bài viết đăng trên báo Cứu quốc số 51, ngày 26/9/1945 với tiêu đề "Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích" thì cụm từ "tự chỉ trích" của Người đã được dùng làm tiêu đề của chuyên mục.

Trong bài này, Người khẳng định: "Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được".

Bài báo được ký dưới bút danh Chiến Thắng, bút danh chứa đựng nhiều ý nghĩa đối với người đọc. Đối với cán bộ, đây là ý kiến khách quan của một nhà báo nào đó có bút danh là Chiến Thắng sẽ được tiếp thu một cách tự nguyện và khách quan.

Đối với toàn dân thì bút danh Chiến Thắng góp phần củng cố niềm tin chiến thắng của cuộc kháng chiến. Đối với cách mạng giai đoạn này, đó cũng là mẫu mực chống "bệnh thích công khai" của một số cán bộ,

Báo Cứu quốc giai đoạn này đăng tải nhiều tài liệu, thư từ, lời kêu gọi, bài nói chuyện, trả lời phỏng vấn... của Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam hoặc được ký đích danh Hồ Chí Minh với số lượng trang in chiếm phần lớn số trang in trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945 - 1946) do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản.

Đặc biệt vinh dự cho báo Cứu quốc là được Người gửi đăng nhiều bài báo ký dưới các bút danh khác nhau với tư cách là một nhà báo cách mạng, cộng tác viên của báo Cứu quốc. Tổng số các bài viết này cũng lên tới 45 bài. Với khoảng thời gian hơn một năm, báo Cứu quốc đã đăng tải tới 161 sản phẩm báo chí với các hình thức khác nhau, cương vị, tên và bút danh khác nhau của Người.

Báo Cứu quốc có vinh dự đó vì nó là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, cái nôi của đoàn kết dân tộc, một tổ chức mà Đảng thông qua đó để lãnh đạo cách mạng, để "hóa thân" trong điều kiện "tự giải tán" mà thực chất là rút vào hoạt động bí mật.

Đọc những tác phẩm báo chí mà Người đăng trên Cứu quốc giai đoạn này càng tự hào về thiên tài của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh.

Có thể nói, những tác phẩm báo chí ấy là mẫu mực của báo chí cách mạng với chức năng tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể. Với cán bộ và chính quyền cách mạng, các bài báo của Người vừa hướng dẫn, vừa động viên, khích lệ, vừa tuyên truyền, tổ chức để mỗi cán bộ tự rèn luyện, chính quyền được củng cố, lớn mạnh và biết làm việc có hiệu quả.

Bài "Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân" đăng trên báo Cứu quốc Số 58, ngày 4/10/1945 với bút danh Chiến Thắng được viết một cách bình dị, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề: "Ta có thể nói: một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các ủy ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức. Về cán bộ hành chính, ta phải thú nhận là thiếu rất nhiều. Người đi tuyên truyền, người chiến đấu thì có. Người ngồi bàn giấy làm việc cai trị rất hiếm".

Nhận định thẳng thắn của một nhà báo Chiến Thắng nào đó có tính khách quan và dễ tiếp thu đối với cán bộ làm việc trong các ủy ban. Và nhà báo Chiến Thắng có thể nói thẳng những điều tai nghe, mắt thấy: "Vào trụ sở một ủy ban nhân dân, người ta nhận ngay thấy sự lộn xộn trong việc xếp đặt bàn giấy: đố ai biết chỗ ông chủ tịch, ông thư ký, ông tài chính ngồi đâu. Nhiều ông chủ tịch ủy ban thường không nhận định những công việc chính của mình phải đem hết tâm lực vào đó, mà thường chỉ dùng thì giờ để xử những vụ kiện vớ vẩn, tiếp những ông khách vu vơ, hay cặm cụi viết thư, viết báo cáo - việc có thể giao cho người khác”.

Cách viết như kể lại sự thật làm cho nội dung sát thực, tác dụng hướng dẫn tổ chức cũng rõ ràng, thiết thực: "Chia công việc không khéo thành ra bao biện... sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng". Việc dùng nhân tài là việc khó, vậy mà người viết hướng dẫn rất cụ thể và hết sức dung dị, dễ thuyết phục: "Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc đó. Biết dùng người như vậy ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ".

Những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, cán bộ rất thiếu, nhất là những người có học hành, biết đọc, biết viết để giải quyết công việc hành chính.

Nhà báo Chiến Thắng không chỉ nêu thực trạng mà còn hướng dẫn vừa cụ thể, vừa khái quát: "Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa". Chỉ cần mà không cẩn có thể dẫn tới những ảnh hưởng xấu cho cách mạng!

Sau khi dẫn chứng "tại thôn quê thường xảy ra những cuộc bắt bớ lung tung, những cuộc tịch thu bừa bãi không phải vì quyền lợi dân chúng mà chỉ vì thù riêng, vì tư lợi”, nhà báo Chiến Thắng cảnh báo "những hành vi trái phép của một số ủy ban nhân dân đó có thể đem lại tiếng không hay lây cho Chính phủ” (bài "Khoan hồng mà không nhu nhược", Cứu quốc số 61, ngày 8/10/1945).

Cũng trong bài báo này, nhà báo Chiến Thắng còn hướng dẫn, giải thích rõ ràng: "Các ủy ban nhân dân không được bắt người cô tang chứng, không được tịch thu của cải trái phép. Nhưng nói như vậy không phải là các ủy ban nhất thiết không bắt bớ ai, không tịch thu tài sản của ai... Phải khoan hồng nhưng không nhu nhược, như vậy mới thực là biết phụng sự quyền lợi quốc gia".

Trong bài "Sao cho được lòng dân?" (Cứu quốc số 65, ngày 12/10/1945), nhà báo Chiến Thắng lại chỉ cho cán bộ biết vì sao có ủy ban không được dân yêu, thậm chí "còn bị dân khinh, dân ghét là khác nữa" để rồi hướng dẫn làm sao để dân yêu: "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".

Thật dễ hiểu và cũng thật dễ làm đối với những cán bộ đặt quyền lợi của dân lên trên hết. Tiếc rằng, đối với những cán bộ có óc tự tư tự lợi, lại thêm "tật ngông nghênh cậy thế, cậy quyền" thì việc thực hiện những điều đơn giản như thế để dân tin tưởng, yêu mến cũng không phải dễ.

Chính vì thế mà cho đến nay vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên" không yêu dân và cũng không được dân yêu, đang cản trở sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Xem vậy mới thấy những điều nhà báo Chiến Thắng đăng trên báo Cứu quốc vẫn còn có giá trị thời sự.

Nhà báo Chiến Thắng khẳng định: "Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư". Có thể nói, xây dựng chính quyền cách mạng, nhất là ở cơ sở thôn, làng trong những ngày đầu thành lập thật vô cùng khó khăn. Có những việc tưởng như không thể đối với một cán bộ ủy ban nhân dân, nhưng vẫn có thể xảy ra vì sự kém hiểu biết. Một ông chủ tịch xã khoe "trong tháng qua đã bán thứ vị như chánh phó lý, khán thủ... và đã thu được một món tiền khá lớn".

Nhà báo Chiến Thắng dùng lối so sánh để phê phán có trọng lượng và dễ thuyết phục: "Nói một hội đồng kỳ mục cũ làm tiền bằng cách bán thứ vị, còn nghe được. Một ủy ban nhân dân tổ chức theo một tinh thần dân chủ mới, rất cấp tiến lại đi làm tiền theo một phương pháp cũ rích, chả có ý nghĩa gì, có ảnh hưởng xấu vô cùng là khác".

Nhà báo Chiến Thắng kết luận: "Bán thứ vị làm cho óc người ta đen tối thêm! Tiền lấy như vậy cũng là một thứ tiền phi nghĩa".

Chỉ thẳng, khẳng định dứt khoát cái đúng, cái sai, những lời lẽ phê bình có chút hài hước, sâu sắc mà khoan dung, độ lượng: "Lòng sốt sắng làm tiền cho dân của ông chủ tịch nọ đáng hoan nghênh thật, nhưng cách làm tiền của ông có hại cho sự tiến hóa của dân, cần phải bỏ ngay đi, cũng như cần phải đi hết những hủ tục khác: Làm rượu ăn mừng được vào ủy ban, dùng chữ Nho trong những tờ thông đạt, v.v.".

Nhà báo Chiến Thắng còn chỉ ra tác hại của việc "Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng. Những ca bắt bớ, tịch thu tài sản bừa bãi thường xảy ra ở nhà quê. Hành động như vậy, các ủy ban đó đã vô tình gây nên nhiều chuyện có hại đến uy tín của Chính phủ, làm cho dân chúng oán thán kêu ca" (bài "Tinh thần tự động trong các ủy ban nhân dân", Cứu quốc số 59, ngày 5/10/1945).

Phong cách báo chí qua một vài bài viết với bút danh Chiến Thắng và chỉ tập trung một chủ đề xây dựng chính quyền cách mạng đã hiện rõ một mẫu mực đối với người làm báo viết cho ai? viết để làm gì? và viết như thế nào?

Điều đó cũng nói lên rằng, Hồ Chí Minh không chỉ là người dạy lý thuyết viết báo qua những bài học nổi tiếng mà còn thực hành viết báo như một bài học sinh động cho những người làm báo cách mạng. Báo Cứu quốccó vinh dự đăng tải những bài báo như thế của Người.

Về chủ đề xây dựng chính quyền cách mạng đăng trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết dưới nhiều thể loại khác nhau, có cả những bài ký tên Hồ Chí Minh với tư cách người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong những bài đăng như vậy người ta có thể tìm thấy gương sáng của người lãnh đạo, đồng thời cũng tìm thấy khuôn mẫu của một nhân cách, "một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân” (bài "Tự phê bình", Cứu quốc số 153, ngày 28/1/1946).

Theo Theo cuốn "Lịch sử xây dựng và phát triển Báo Đại Đoàn Kết", NXB Sự thật, 2012
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch Hồ Chí Minh với những bài báo trên Cứu quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO