Chủ tịch nước: Quyết tâm cao nhất đưa TP HCM trở lại trạng thái bình thường mới

Hồng Phúc - Mỹ Hòa 30/07/2021 12:34

Sáng nay 30/7, tại TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM về công tác phòng chống, dịch Covid-19 trên địa bàn.

Cùng dự buổi làm việc của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Tô Thị Bích Châu và đại diện các Sở ban ngành thành phố.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn nên chủ trì buổi làm việc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Tập trung mọi nguồn lực chống dịch

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo với Chủ tịch nước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, cùng các giải pháp quyết liệt của thành phố trong 61 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 vừa qua.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, tính trung bình mỗi ngày thành phố phát hiện hơn 3.300 ca mắc, nhưng phần lớn là từ các khu cách ly, phong tỏa. Thành phố đã nỗ lực để điều trị khỏi, xuất viện cho gần 25.200 bệnh nhân, và hiện tại còn hơn 36.700 bệnh nhân đang còn điều trị.

Về số ca chuyển nặng, hiện tại thành phố đang điều trị cho hơn 875 bệnh nhân đang thở máy và 8 bệnh nhân đang can thiệp ECMO. Trong đó, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã điều trị khỏi cho 381 bệnh nhân từ nặng, rất nặng sang nhẹ. Đó là thành quả rất đáng ghi nhận của thành phố trong nâng cao năng lực điều trị cho các bệnh nhân nặng.

Về công tác xét nghiệm, thành phố đã thành lập Trung tâm điều phối xét nghiệm, qua đó tổ chức hơn 2.200 tổ lấy mẫu. Ở thời điểm hiện tại, thành phố đang cách ly tập trung 12.380 người và cách ly tại nhà cho 37.800 người.

Hạ tầng y tế điều trị được bố trí tại 38 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, với 46.000 giường, với tầng 5 là điều trị các ca nặng và rất nặng.

Cũng theo chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, để đảm bảo công tác điều trị cho các ca nặng, thành phố đã huy động được 4 bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19, do đó tăng thêm được quy mô 375 giường.

Về tiêm chủng vaccine (đợt 5) cũng đang được TP HCM gấp rút triển khai, đã bắt đầu kể từ ngày 22/7 với hơn 390.000 liều được tiêm. Tính tổng lũy kế đến nay đã tiêm được 1,3 triệu lượt. Cũng liên quan đến công tác tiêm chủng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tới đây thành phố sẽ nhận, mua và tiêm vaccine nhanh nhất theo kế hoạch, đơn giản hóa quy trình, mở rộng khung giờ tiêm để đảm bảo tiến độ.

Khối lao động, sản xuất, TP HCM áp dụng mô hình sản xuất an toàn theo mô hình 3 tại chỗ, với 2.038 doanh nghiệp đang hoạt động, với khoảng 100.000 lao động để đảm bảo kế hoạch về kinh tế - xã hội.

Công tác hỗ trợ người dân trong điều kiện phải giãn cách xã hội cũng là một chiến lược quan trọng, lâu dài được TP HCM tập trung trong thời gian tới. Đến nay, toàn địa bàn thành phố phân bố được hơn 2.800 điểm bán hàng hóa; 1.000 điểm bán lưu động và chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp bán lẻ thành phố trong điều kiện tuân thủ chặt chẽ quy định về phòng chống dịch.

Thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa bằng nhiều hình thức, trong đó từng bước mở lại chợ truyền thống (đã đảm bảo an toàn) và tiếp tục tăng cường lực lượng vận chuyển và bán hàng lưu động.

Để hỗ trợ kịp thời cho người dân khó khăn, thành phố mở đường dây nóng 1022 để nhận tin báo của người dân. Đồng thời, chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức hỗ trợ 6 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua đó, đến nay toàn thành phố đã hỗ trợ được 496.000 đối tượng, với số tiền 572 tỷ đồng.

Trước diễn biến lây nhiễm còn phức tạp, TP HCM đang áp dụng việc hạn chế người ra đường từ sau 18 giờ. Tuy nhiên, hiện nay từ 6 giờ sáng đến trước 18 giờ, nhiều người vẫn ra đường mà không có lý do cần thiết. Dự kiến thời gian tới, thành phố sẽ siết chặt hơn nữa công tác này và đẩy mạnh năng lực xét nghiệm sàng lọc, đưa người có nguy cơ cao đi cách ly.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã đưa ra nhận định chung: Kể từ khi áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 đến nay, tốc độ tăng ca nhiễm bình quân/ngày của thành phố đang có dấu hiệu chậm lại. Thành phố đang dự kiến tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm khoảng 1-2 tuần nữa, sau ngày 1/8 để kiểm soát triệt để dịch bệnh.

Ngoài ra, các giải pháp trọng tâm sắp tới của thành phố sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm. Đồng thời, hướng của thành phố là tập trung điều trị các ca F0 nặng có bệnh nền, đưa hệ thống oxy dòng cao vào sử dụng sớm, tránh chuyển biến nặng, tăng điều trị tầng 3, 4, 5 và rút ngắn thời gian điều trị các ca F0.

Để mọi người dân đều được giúp đỗ kịp thời liên quan đến dịch bệnh, TP HCM trung tâm cấp cứu 115; đồng thời thành lập 4 trung tâm cấp cứu vệ tinh ở các Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 12 để điều phối đưa bệnh nhân nặng đến bệnh viện kịp thời.

Hỗ trợ người dân trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ về công tác tiêm chủng sắp tới, trong đó góp ý với TP HCM nên tập trung vào năng lực điều trị để giảm bệnh nhân nặng và tử vong. Đây là chiến lược TP HCM đang tập trung và cần nỗ lực hơn nữa. Song song đó là đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine, dù khó khăn trong triển khai do diễn biến dịch phức tạp.

Bộ Y tế đang phối hợp với thành phố để huy động lực lượng y tế từ các địa phương, bệnh viện, trường học đến hỗ trợ cho TP HCM. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay đã có hơn 10.000 lượt cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên đến hỗ trợ thành phố để phòng chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chia sẻ về công tác quyên góp, ủng hộ của cả nước, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, toàn bộ số tiền quyên góp của TP HCM cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM vận động sẽ được để lại cho thành phố phân bổ vào công tác hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn hiện nay, với tổng số tiền khoảng hơn 4.500 tỷ đồng.

Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho biết, các nguồn tiền này bao gồm từ nguồn ủng hộ chăm lo khoảng 761 tỷ đồng; nguồn ủng hộ mua trang thiết bị vật tư y tế khoảng 1.500 tỷ và nguồn ủng hộ mua vaccine là 2.288 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi, do ảnh hưởng của dịch đã có giảm khoảng 50% số việc làm tại TP HCM, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, cơ quan này đã phối hợp cùng thành phố để triển khai nhanh các gói hỗ trợ, trong đó gói hỗ trợ gần 900 tỷ đồng đã được chi trả cho các đối tượng thuộc diện chi trả.

Riêng TP HCM đã vận động được 250 tỷ đồng của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để chăm lo, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của dịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận các nỗ lực, quyết tâm rất lớn của hệ thống chính trị thành phố vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua.

Qua đó, Chủ tịch nước đã chuyển lời thăm hỏi, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có đồng chí Tổng Bí thư chia sẻ với những khó khăn, vất vả của thành phố.

Chủ tịch nước cũng đánh giá và góp ý đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với lãnh đạo TP HCM, đồng thời đề nghị hệ thống chính trị thành phố tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao nhất để kiểm soát dịch trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch nước: Quyết tâm cao nhất đưa TP HCM trở lại trạng thái bình thường mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO