Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách

Việt Thắng 22/11/2021 10:34

Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách và đột xuất, cấp thiết cho quốc kế dân sinh. Do đó, nhiều nhất chỉ có 5 nội dung.

Ngày 22/11, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 2 dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2022 gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự án Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là các dự án luật nằm trong các nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp theo Kết luận 19-KL/TW 2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đề án của Đảng đoàn Quốc hội phê duyệt.

Cho biết tại Nghị quyết chung tại kỳ họp thứ hai, Nghị quyết về kinh tế, xã hội cũng như Nghị quyết về chất vấn và trả lời chấn vấn dự án Luật Khám, chữa bệnh là một trong các dự án luật mà Quốc hội yêu cầu phải sớm xem xét để sửa đổi, bổ sung cùng với một số luật khác liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết bổ sung 2 dự án luật này, nhất là các dự kiến về những nội dung, chính sách lớn để xem xét, quyết định trong 2 dự án luật này.

“Cần khắc phục tình trạng khi xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì đưa vào xếp chỗ cho có, chưa coi trọng lắm đến những vấn đề các chính sách bổ sung. Mặc dù các cơ quan khi trình đều có chuẩn bị theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng không kỹ lưỡng, cho đủ thủ tục là chính”. “Với tinh thần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp thì đã đưa vào danh mục thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng, khắc phục tình trạng đưa vào rồi lại đưa ra”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là hiệp định toàn diện về bảo hiểm xã hội song phương đầu tiên của Việt Nam và đã được Chính phủ 2 nước bắt đầu đàm phán cũng từ năm 2015 và đã thống nhất được nhiều nội dung lớn. Việc ký hiệp định này nhằm tránh tình trạng đóng bảo hiểm xã hội 2 lần và bảo đảm tối ưu hóa quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động làm việc tại Việt Nam và Hàn Quốc.

Do Hiệp định có một số nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ, cho ý kiến để thúc đẩy Hiệp định sớm được ký kết, phục vụ cho hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, nhà nước trong thời gian tới.

Về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là cơ sở để các cơ quan thực hiện đúng, đầy đủ cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương TPP về việc xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến bí mật kinh doanh, phù hợp với điều kiện cụ thể và lộ trình cam kết của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; nêu rõ, việc làm này cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trên cơ sở đó, nghiên cứu giải pháp để xử lý những văn bản có nội dung sai hoặc chưa rõ ràng, cách hiểu và áp dụng không thống nhất đã được phát hiện.

Có phương án giải quyết những khó khăn đã chỉ ra trong quá trình thực hiện giám sát và xem xét các kiến nghị đưa ra để thực hiện công tác này ngày càng hiệu quả và chất lượng nhằm mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên tinh thần đổi mới công tác giám sát, đã làm thì làm cho đến nơi đến chốn thì cần chỉ rõ trách nhiệm là ở đâu, trách nhiệm của ai, tổ chức nào, tập thể, cá nhân nào?

Trên báo cáo tình hình thực hiện chi phí quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019 - 2021 và quyết định mức chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội giai đoạn 2022-2024, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét kỹ lưỡng để quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 3 năm tới (2022-2024) và các vấn đề trước mắt và lâu dài có liên quan đến việc quản lý và sử dụng quỹ.

Về tiến hành tổng kết kỳ họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở kinh nghiệm rút ra, những bài học quý, những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, của cử tri thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để có sự chuẩn bị sơ bộ cho kỳ họp thường kỳ vào tháng 5/2022. Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến ngay từ bây giờ. Đồng thời, rà soát để cho ý kiến việc tổ chức một kỳ họp bất thường, nếu có thì có đánh số thứ tự của kỳ họp này không?

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề gì cấp bách và đột xuất, cấp thiết cho quốc kế dân sinh và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, nhiều nhất chỉ có 5 nội dung đã thống nhất với Chính phủ và cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự tích cực, cố gắng của các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, sự vào cuộc từ sớm, từ xa và trách nhiệm đối với đất nước.

Về xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 10 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc này đã có nền nếp và nằm trong lộ trình để tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO