Ngày 26/3, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC, bị cơ quan điều tra tạm hoãn xuất cảnh 1 tháng. 3 ngày sau, chiều ngày 29/3, Chủ tịch FLC bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
“Lùa gà”, “thổi giá” và “úp sọt”
Vụ án khiến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị điều tra bắt nguồn từ việc chiều 10/1/2022 ông này đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước. Ngày 11/1, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày 18/1, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.
Đây không phải là lần đầu tiên Chủ tịch FLC bị phạt vì những sai phạm trong hoạt động chứng khoán. Vào tháng 11/2017, ông Quyết từng bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu mà không báo với cơ quan quản lý thị trường.
Tập đoàn FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết do Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT nắm giữ hơn 215 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 30% cổ phần. Hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết bị xác định được thực hiện từ đầu tháng 12/2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/1/2022 - phiên mà Chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.
Theo đó, ông Quyết đã vẽ ra một kịch bản khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia “thổi giá” cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để “lùa gà” - các nhà đầu tư, rồi “úp sọt” bán chui số cổ phiếu với mục đích hưởng lợi bất chính.
Bị can Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc “làm giá”. Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.
Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 liên tục tăng, thậm chí tăng “trần” nhiều phiên và phiên tăng “trần” cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá cổ phiếu FLC đã được nhóm của bị can Quyết làm “ảo thuật” tăng hơn 64%.
Sau khi giá cổ phiếu FLC được “thổi” lên cao ngất ngưởng thì chủ tịch tập đoàn này đã dùng chiêu “úp sọt”, chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu FLC nhóm của ông Quyết bán ra đã khớp lệnh là 74,8 triệu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán “chui”, không công bố trước khi thực hiện giao dịch. Tổng số tiền thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỉ đồng.
Điều đáng nói, sau khi hành vi bán chui 74,8 triệu cổ phiếu của chủ tịch FLC gây chấn động dư luận, làm chao đảo thị trường chứng khoán, đã bị hủy bỏ thì Chủ tịch FLC vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi sai phạm khác đẩy giá cổ phiếu lên cao. Vào ngày 22/3, giá cổ phiếu FLC đã được “thổi” từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên 14.500 đồng/cổ phiếu.
Mức án nào phía trước?
Sau sự việc Chủ tịch Tập đoàn FLC bán chui cổ phiếu, thị trường chứng khoán chao đảo; nhà đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết, hàng chục mã cổ phiếu khác cũng bị vạ lây.
Pháp luật đã có những quy định nhằm quản lý thị trường chứng khoán, tạo sự minh bạch, công bằng, bình đẳng. Cụ thể, trường hợp cơ quan chức năng xác định có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự và số tiền thu lợi bất chính từ 1,5 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 3 tỉ đồng trở lên, người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là án tù 2 - 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC nổi tiếng là một doanh nhân thành đạt, một đại gia bất động sản, thị trường chứng khoán, hàng không. Con đường từ “tay trắng” tới tỉ phú của ông Quyết cũng chưa tới 20 năm (sinh năm 1975), đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ thuộc nhóm các đại gia hàng đầu Việt Nam. Vụ án thao túng thị trường chứng khoán do bị can Trịnh Văn Quyết gây ra sẽ được cơ quan điều tra mở rộng. Trước mắt, việc khởi tố, bắt giữ bị can Trịnh Văn Quyết cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, sự kiên quyết của các cơ quan thực thi pháp luật. Không ai có thể ngoài vòng pháp luật, càng không thể dùng tiền để che thân.
Liên quan đến xử lý sai phạm trên thị trường chứng khoán, chiều ngày 31/3, tại Kỳ họp 13, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc UBCKNN có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK), để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính. Những vi phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và UBCKNN, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của các ông: Vũ Bằng- nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBCKNN; Trần Văn Dũng- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBCKNN; Nguyễn Thành Long- Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBCKNN, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Lê Hải Trà- Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, nguyên Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị; Nguyễn Sơn- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.