Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Bóng còn lăn đừng nói trước điều gì

Khánh Vy 23/04/2016 13:10

Những ngày qua, cái tên Lê Hùng Dũng lại gây ồn ào dư luận khi hàng loạt những thông tin được phát ra cho rằng VFF đang tìm người thay ông nắm giữ vị trí đứng đầu nền bóng đá nước nhà. Sức khỏe của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không tốt trong cả năm qua do ông bị bệnh, đã có những lúc ông còn bị đột quỵ. Vì lý do đó mà nhiều người cho rằng ông không thể sâu sát được công việc ở VFF và phải cậy nhờ vào các Phó chủ tịch.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Bóng còn lăn đừng nói trước điều gì

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Trước những luồng thông tin đó, VFF đã tổ chức cuộc họp với thông báo “Không có chuyện VFF thay thế Chủ tịch”.

Trái bóng tròn luôn là một phần quan trọng làm cuộc sống của ông nhiều thi vị kể từ khi gắn bó hơn nửa thế kỷ qua. Sinh năm 1954 tại nhà thờ Cù Lao Giềng (xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Nhằm che giấu nhân thân là con của một cán bộ tập kết (ông Nguyễn Quyền Sinh, tên thật là Nguyễn Ngọc Lượm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam), trong giấy khai sinh ông được mang họ mẹ. Ông Nguyễn Quyền Sinh có hai con trai, nhưng mang hai họ khác nhau. Người con đầu lấy họ của ông - họ Nguyễn, đứa con thứ hai vừa ra đời thì ông xuống tàu đi tập kết, vợ con đều ở lại. Để tránh con mắt soi mói, nhòm ngó của địch nên ông Dũng được đổi sang họ Lê theo mẹ khi chưa đầy một tuổi. Điều này đã được ông chia sẻ “Lúc mới 7-8 tháng tuổi, tháng 8/1954, má bồng tôi và anh xuống thị xã Cao Lãnh để tiễn ba tôi đi tập kết ra Bắc theo Hiệp định đình chiến Geneve 1954. Má tôi, anh tôi và tôi bắt đầu một cuộc trường chinh 21 năm mưu sinh để tồn tại, đấu tranh để sinh tồn vì gia đình tôi bị mật vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa xếp vào loại gia đình cộng sản, cần theo dõi, quản lý chặt chẽ. Vì vậy, khi làm lại giấy tờ khai sinh, má tôi phải khai lại tôi họ Lê”. Sau 21 năm, phải đến ngày 7-5-1975, tức là một tuần sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Lê Hùng Dũng mới gặp lại cha. Các con của ông Dũng sau này mang họ Nguyễn như ông nội. Nói về sự gắn kết với trái bóng tròn, ông Dũng chia sẻ “Bóng đá, với tôi là trò tiêu khiển hồn nhiên. 6-7 tuổi, tôi đá bóng “phủi” với chúng bạn khi bằng banh nhựa, khi là ruột xe cuộn với lá chuối. Thuở ấy, vì đam mê, chiều Chủ nhật nào cũng áp tai vào radio nghe một bình luận viên nổi tiếng tường thuật bóng đá, cảm giác như đang ngồi trên sân”.

Từ nhiều kỳ vọng…

Gắn bó với trái bóng tròn hơn nửa thế kỷ, từng giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy quản lý bóng đá và là một doanh nhân thành đạt nhưng việc ông Dũng ứng cử và trúng chức chủ tịch VFF khiến nhiều người thân của ông không khỏi lo lắng bởi thời điểm đó “bóng đá Việt Nam đang ở dưới đáy” với biết bao lùm xùm, thất bại… “Khi ngồi vị trí này (tức chủ tịch VFF) với tôi, nó không chỉ là cái duyên mà còn là “nghiệp”, là dịp để mình cống hiến cho bóng đá nước nhà…” ông Dũng chia sẻ lúc mới trúng cử chức chủ tịch VFF.

Luôn trăn trở với bóng đá nước nhà nên khi nắm giữ vị trí lãnh đạo, việc đầu tiên ông làm là chỉ ra những yếu kém của bóng đá nước nhà trong suốt thời gian dài qua, đồng thời vạch chiến lược để thay đổi toàn diện nền bóng đá Việt Nam trong thời gian tới. Những tuyên bố sẽ thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam, đem lại nhiều tiền hơn cho VFF, xây dựng bóng đá Việt từ móng bằng việc chú trọng đầu tư trong đào tạo và ưu tiên sử dụng những cầu thủ trẻ, giảm bạo lực trong bóng đá, siết chặt công tác trọng tài… cùng mục tiêu “trong nhiệm kỳ 4 năm của chủ tịch VFF có 2 kỳ SEA Games và một giải vô địch Đông Nam Á thì phải giúp bóng đá Việt Nam được đứng trên bục cao nhất 1 lần” đã khiến rất nhiều người kỳ vọng vào ông kể từ ngày nhậm chức.

Tới những lời chê

Lúc mới nhậm chức, ông Dũng đưa ra 3 mục tiêu lớn trong năm 2014, đó là tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup nữ 2015, lứa cầu thủ U19 góp mặt ở giải U20 thế giới, cùng với việc tuyển nam thi đấu thành công ở AFF Cup 2014. Nhưng rồi tất cả đều thất bại, những thất bại đắng chát. Và phía sau những thất bại ấy là rất nhiều vấn đề cần phải soi xét. Trong khoảng 2 năm ngồi ở ghế chủ tịch VFF, nhiều người cho rằng ông không chỉ yếu tầm nhìn, thiếu sáng kiến và thường xuyên có những lời hứa suông, điều tối kỵ đối với những người ở vị trí như ông.

Một trong những lý do để ông Dũng thắng thế so với các ứng cử viên khác trong cuộc đua đến chiếc ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7 cách nay 2 năm chính là ở điểm ông Dũng là doanh nhân. Trong bối cảnh mà giới bóng đá nội khi đó quá chán ngán với cách điều hành xáo mòn của cựu chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ lúc bấy giờ, người ta cần một làn gió mới, từ một nhân vật được xem là có tư tưởng hiện đại hơn, phương thức hành động thoáng hơn. Ông Dũng là doanh nhân ngàn tỷ, nên người ta đồng thời cũng hy vọng khả năng tài chính của VFF nhiệm kỳ 7 sẽ tốt hơn hẳn thời của những người tiền nhiệm.

Thực tế là không lâu sau khi nhậm chức, ông Lê Hùng Dũng hùng hồn tuyên bố sẽ kiếm về hơn 380 tỷ đồng cho bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình (báo chí khu vực Đông Nam Á khi đó sốc với thông tin này). Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại lời hứa ấy không đủ cơ sở để trở thành hiện thực.

Cùng với đó, dù rất được ủng hộ trong nỗ lực chống tiêu cực trong bóng đá của ông nhưng việc ông Dũng có lời hứa nổi đình nổi đám khi đứng trước Hội nghị Tổng kết mùa giải cách nay 2 năm, tuyên bố sẽ giành suất đá V-League cho CLB V.Ninh Bình, nếu họ có ý định quay lại, sau khi bỏ bóng đá khiến nhiều người nhìn nhận vấn đề đó với sự thất vọng lớn.

Lời hứa “bảo lưu” suất đá V-League của đội bóng cố đô Hoa Lư bị phản ứng gay gắt, bởi người hiểu chuyện đã lập luận ngay từ đầu rằng không thể chống tiêu cực bằng phương pháp còn tiêu cực hơn. Cùng với đó, việc ông có lúc cao hứng chia sẻ mong muốn về một đội U19 sẽ giúp BĐVN có mặt ở World Cup...2018. Và bây giờ, ĐTVN đang ở tình thế nào thì ai cũng đã biết rồi.

Ngay khi nhậm chức chủ tịch VFF, ông Dũng đã từng tuyên bố “Có thể nhiệm kỳ này tôi sẽ chịu "ăn đòn" bởi đổi mới là cần phải mạnh tay, sẽ có những người ra đường, sẽ có những kiến nghị, khiếu nại. Nhưng tôi không làm điều gì sai trái cả…” và điều đó đã thành sự thật khi tên ông bị kéo vào vụ lùm xùm tố nhận tiền của ông Nguyễn Văn Chương, nguyên quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF giai đoạn 2013- 2014.

Ông này đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố ông Lê Hùng Dũng, ông Trần Quốc Tuấn nhận hối lộ từ ông với số tiền 100 triệu đồng mỗi người, để ông không bị đuổi việc. Tuy nhiên, mọi việc trở nên sáng tỏ khi Bộ Công an chính thức kết luận không có hành vi nhận hối lộ như tố cáo của ông Nguyễn Văn Chương.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Bóng còn lăn đừng nói trước điều gì - 1

(Ảnh: Đức Đồng).

Hy vọng cái kết đẹp

Cả những người yêu hoặc không thích ông đến lúc này đều phải thừa nhận rằng, ông Dũng làm bóng đá không phải theo kiểu “vơ bèo, vạt tép”, lấy bóng đá làm kế sinh nhai hằng ngày. Ông Dũng không ít chuyện đã phải nhận những chỉ trích, nhưng phần nào những người chỉ trích vẫn phải nể ông ở góc độ này. Đối với chiếc ghế chủ tịch VFF, ông Dũng từng ví đây là vị trí “quyền rơm, vạ đá”, rằng khi đội tuyển thua thì người đầu tiên dư luận, CĐV lôi ra “chửi” là ông chủ tịch.

Ông Dũng cho biết sẽ không nhận lương nếu làm chủ tịch VFF. Khi quán xuyến công việc ở liên đoàn, ông Dũng thể hiện đúng chất của một doanh nhân, với các quyết định luôn được đưa ra dứt khoát, thẳng tưng. Dĩ nhiên, không phải quyết định nào của ông cũng nhận được sự ủng hộ của số đông.

Khi ông bị bệnh, nhiều người cho rằng ông sẽ khó có thể hoàn thành những dự định đầy tâm huyết của mình với bóng đá nước nhà. Thế nhưng, không thể phủ nhận những nỗ lực làm thay đổi bộ mặt bóng đá Việt của ông cũng đã tạo được nhiều bước căn bản. Một nền bóng đá đã bớt bạo lực hơn, các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội được thi đấu trong màu áo các đội tuyển hơn; công tác trọng tài dù vẫn còn những điều tiếng nhưng cơ bản đã cho thấy sự thay đổi đầy tiến bộ.

Ở đất nước có niềm đam mê bóng đá cháy bỏng như Việt Nam thì Chủ tịch VFF là chiếc ghế hấp dẫn tuy nhiên, thực tế thì khác. Chủ tịch VFF tức là chấp nhận vào ghế nóng, sẵn sàng đón nhất cả những tiếng vỗ tay và cả “gạch đá”, búa rìu dư luận.

Nhìn vào thực tiễn có thể thấy, bóng đá Việt Nam hiện nay còn khá nhiều điểm yếu kém, thực chất bóng đá nước ta đang trong giai đoạn quá độ từ bóng đá bao cấp sang bóng đá thị trường, mang danh chuyên nghiệp nhiều năm nhưng bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và đầy nghiệp dư.

Chính bởi vậy, lúc này chỉ có thể hy vọng với tình yêu trái bóng mãnh liệt, với tín hiệu đáng mừng, khởi sắc vừa qua bóng đá Việt Nam sẽ nâng tầm cao mới, xứng đáng với kỳ vọng của người hâm mộ cả nước trong những ngày còn lại dưới sự điều hành của ông Lê Hùng Dũng ở nhiệm kỳ VII.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Bóng còn lăn đừng nói trước điều gì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO