Chữa bệnh hình thức

Nam Việt 12/12/2020 08:21

Bệnh hình thức không dễ chữa nếu như xã hội vẫn ưa hình thức. Cho nên, mới nói rằng, để tiến tới một xã hội thực học, thực việc, thực tài tránh xa bệnh hình thức là cả một sự nỗ lực, nỗ lực không mệt mỏi, kiên trì chắt chiu từng li từng tí.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước. Ảnh: Quang Vinh.

Ngày 10/12, phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác thi đua, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Sự thành công trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong hơn 70 năm qua đã khẳng định giá trị đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. “Có thể nói, mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng, qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền của Tổ quốc, mà các đại biểu điển hình tiên tiến về dự Đại hội chính những bông hoa tươi thắm nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề cập tới một số hạn chế trong công tác thi đua. Phải nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương. Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới. Tránh hình thức.

Thực tế cho thấy, “bệnh” hình thức cùng với “bệnh” thành tích nhiều lúc, nhiều nơi đã là lực cản sự phát triển xã hội, hay là dẫn đến phát triển một cách lệch lạc. Với “bệnh” hình thức là chỉ chú trọng bên ngoài mà không đi vào thực chất, vào cái cơ bản, sâu xa. Nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nói đừng thấy đỏ mà tưởng chín, cái mẽ bề ngoài nhưng lại che đậy cái sơ sài bên trong. Đó là sự nhắc nhở hết sức chí lý nhưng không phải lúc nào người ta cũng nhận ra, hoặc giả biết nhưng vẫn không làm theo.

Từ chuyện cần tránh hình thức trong công tác thi đua, có thể nhìn rộng ra “bệnh” hình thức ở nhiều mặt. Nhận diện để dần loại bỏ những gì phù phiếm, để tiến tới thực chất, đánh giá phải thực chất chứ không đánh giá dựa trên những “tiêu chuẩn” cứng nhắc. Nếu thế, nó chỉ là nhung tuyết bên ngoài chứ không phải là gân cốt bên trong.

Một trong những bệnh hình thức chính là nạn văn bằng chứng chỉ trong xét tuyển dụng người, và cao hơn, hệ trọng hơn là bổ nhiệm cán bộ. Một mặt là quy trình, cộng với mặt khác nữa là yêu cầu về “một bộ hồ sơ đẹp” với rất nhiều chứng chỉ, bằng cấp mà đa số không cần thiết cho vị trí công việc ấy. Dư luận xã hội bất bình trước những quy định rất hình thức, vì nó sẽ tạo ra những “con người hình thức”, không thực việc, không có tài cán gì để có thể làm tốt công việc mà mình có được chỉ nhờ vào bộ hồ sơ rất đầy đủ theo quy định. Những quy định lỗi thời.

Chính vì thế, chỉ riêng việc Bộ Nội vụ (thống nhất với Bộ Giáo dục - Đào tạo) bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giáo viên đã đào tạo chuẩn, ngay lập tức được xã hội hoan nghênh. Trước đó, bao nhiêu năm rồi, chỉ với hai chứng chỉ đó thôi mà đã làm khổ không biết bao nhiêu giáo viên, trong khi công việc thực tế hàng ngày của họ không cần thiết và tất nhiên là cũng không sử dụng đến chúng. Không có một thống kê nào, một cuộc điều tra cụ thể nào đưa ra con số nhưng chắc hẳn trong số hàng vạn bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã được cấp và lưu vào hồ sơ của ngần ấy con người lại không có những chứng chỉ giả. Giả ở đây có nghĩa là không học cũng có chứng chỉ, học qua loa cũng có chứng chỉ, hay là tệ hơn: Đi mua chứng chỉ.

Nói điều này không võ đoán, vì rằng mới đây đã có trường hợp Trường Đại học Đông Đô bị cơ quan chức năng phát hiện cả ngàn bằng giả, bằng cấp không đúng quy định. Trong đó, kinh sợ hơn là có tới vài chục cái bằng để hợp thức hóa cho người làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ. Nếu không phát hiện, hẳn chỉ riêng trường này thôi cũng đã “cung cấp” cho đất nước vài chục “tiến sĩ giấy”, để rồi khi đã có tấm bằng cực quan trọng ấy họ sẽ dễ dàng chiếm lấy những vị trí công việc tốt, những vị trí như người đời vẫn chua chát nói rằng “hái ra tiền”.

Lui lại thời gian trước, giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (vào thời điểm năm 2002 ông là Phó ban thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương) đã cùng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Hiển, phát động phong trào chống bằng giả. GS Hạc cho biết, riêng trong năm đầu, đã phát hiện tới 10.000 bằng giả. Sau này, GS Hạc nói trong một lần trả lời báo chí là “đã phát hiện rất nhiều nhưng tôi nghĩ vẫn chưa hết. Con số đó vẫn còn tiếp tục tăng lên”.

…Hình thức đối với con người rất cần, vì nó làm đẹp cho chính người đó và cho xã hội. Làm đẹp cho mình cũng là làm đẹp cho đời, là sự tôn trọng người khác. Nó khác hẳn với “bệnh” hình thức, khi cái mẽ bên ngoài chỉ là sự khoe khoang bằng cấp, cố tìm cách có cho được bằng cấp, chứng chỉ để tiến thân trong lúc bản thân không có gì đáng tự hào.

Bệnh hình thức không dễ chữa nếu như xã hội vẫn ưa hình thức. Cho nên, mới nói rằng, để tiến tới một xã hội thực học, thực việc, thực tài tránh xa bệnh hình thức là cả một sự nỗ lực, nỗ lực không mệt mỏi, kiên trì chắt chiu từng li từng tí. Nhưng nếu không bắt đầu, không quyết tâm thì không bao giờ đến đích. Cũng giống như một người không dám nhảy xuống nước thì sẽ không bao giờ biết bơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chữa bệnh hình thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO