Chưa có tiếng nói chung về môn Lịch sử

Linh Lan 20/11/2015 09:04

Môn học Lịch sử nên để nguyên hay tích hợp với tên gọi mới Công dân với Tổ quốc, vẫn là vấn đề tranh cãi trong thời gian gần đây. Tiếp tục nêu ý kiến, nhiều thầy cô giáo cho rằng: Tích hợp là xu thế của nhiều nước trên thế giới, bởi lẽ nhiều vấn đề tự nhiên và xã hội khi tìm hiểu cần huy động tổng hợp kiến thức liên ngành. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tích hợp là gộp các môn học lại với nhau một cách cơ học. Bởi lẽ mỗi môn học có đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu riêng, mang tính đặc thù.

Ảnh minh họa.

Tích hợp chưa phù hợp

Nói về việc tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác liệu có phù hợp, TS Nguyễn Văn Dũng (ĐHSP Hà Nội 2) chia sẻ: Trong Dự thảo Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể (CT GDPTTT), ở bậc Tiểu học, một phần kiến thức lịch sử đơn giản có thể tích hợp với các kiến thức KHXH khác thành môn “Tìm hiểu xã hội” là phù hợp đối với lứa tuổi này. Tuy nhiên, sang đến cấp THCS, được gọi là môn Khoa học xã hội, tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về Lịch sử, Địa lý, đồng thời lồng ghép tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học…

Tôi đề nghị cần suy nghĩ sâu về các chủ đề chung của Sử - Địa, còn lại hai phân môn Lịch sử và Địa lý là riêng biệt. Hai môn này khác nhau. Lịch sử theo thời gian, Địa lý theo không gian. Nên xem có gọi là môn Khoa học xã hội hay là môn Sử - Địa thì sát hơn với nội dung kiến thức sẽ được xây dựng? Đến THPT nếu tiếp tục xây dựng môn Khoa học xã hội theo hướng tích hợp chỉ có Sử, Địa, theo TS Dũng cũng nên suy nghĩ thêm. Nếu tích hợp hoàn toàn sẽ không tránh khỏi sự gò ép, khiên cưỡng, không thể làm được.

Cũng như vậy, môn học Công dân với tổ quốc, dự kiến tích hợp 3 phân môn giáo dục công dân, Lịch sử, Quốc phòng – An ninh là không thể thực hiện được. Bởi vì 3 môn học này có đối tượng nghiên cứu khác nhau, cách tiếp cận khác nhau. Và nếu tích hợp 3 môn học này thành một môn học mới thì rõ ràng môn Lịch sử với tư cách là một môn học độc lập, có tính hệ thống hoàn toàn không còn, chỉ còn một phần kiến thức lịch sử được sử dụng…

TS Dũng nhấn mạnh: Việc tích hợp chỉ nên thực hiện ở mức độ phù hợp, cụ thể: Cấp Tiểu học thực hiện tích hợp hoàn toàn, ở cấp THCS ở mức độ cao hơn. Môn Lịch sử ở cấp THPT cần thiết phải xây dựng thành một môn học bắt buộc, độc lập.

Tiếp tục nêu ý kiến, TS Dũng cho rằng: Trong CT GDPTTT, thời lượng dành cho giáo dục kiến thức về lịch sử còn nhiều hơn CT hiện hành, nhưng nếu như thiết kế CT các môn học tích hợp có kiến thức lịch sử như vậy thì trên thực tế môn học Lịch sử gần như bị xé vụn, hòa tan vào các môn học khác để thành những môn học mới. Việc giáo dục lịch sử sẽ không thành hệ thống, không được tiếp cận với tư cách là môn độc lập. Còn môn Lịch sử ở bậc THPT được xếp là môn tự chọn, thì trên thực tế sẽ rất ít HS lựa chọn, vì đa số HS lựa chọn định hướng nghề nghiệp theo ngành KHTN. Thực trạng này nhiều năm nay đã thể hiện khá rõ.

Nguyên nhân sâu xa, học sinh không chọn Sử?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, vấn đề nan giải nhất trong tình hình hiện nay, mà cũng là ngọn nguồn gây nên tranh cãi thực ra là chuyện HS không chọn Sử. Nói như TS Tưởng Phi Ngọ (ĐHSP TP HCM): Mấu chốt của sự tranh luận trong thời gian gần đây do chưa có sự thống nhất giữa lãnh đạo Bộ với các nhà lịch sử. Lịch sử quan trọng ở khía cạnh nào và quan trọng đến đâu, sau đó xếp vào vị trí xứng với nó. Cụ thể hơn nữa, chi tiết hơn nữa là đóng góp phẩm chất năng lực gì? Đồng thời cần giải quyết các nguyên nhân căn bản khiến HS trong những năm gần đây không thích học môn Sử.

Theo TS Tưởng Phi Ngọ, những nguyên nhân căn bản khiến HS không thích Sử có rất nhiều. Nguyên nhân đã được nêu ra chủ yếu là CT, SGK với kiến thức nặng nề, nhiều số liệu khó khan, khó nhớ, thiếu hấp dẫn, phương pháp dạy học của GV còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới… Những nguyên nhân đó có phần đúng nhưng chưa đủ tất cả, và cũng không phải là nguyên nhân quan trọng nhất.

TS Ngọ cho rằng: Nguyên nhân quan trọng nhất, theo tôi là mục đích mang tính thực dụng của HS. Không ít người đã chỉ ra rằng, ngay từ khi bước vào THPT, HS đã đồng thời chuẩn bị cho cuộc đua, cạnh tranh vào ĐH. Trong cuộc đua này nhiều em không muốn học Sử.

“Thực tế cho thấy, muốn vào những ngành có chỉ tiêu tuyển sinh, ra trường xin được việc làm, lương cao các em phải thi khối A, B, D. Như vậy so với các khối thi trên, khối C thiếu hấp dẫn nhất… Điều đó lí giải lí do vì sao có nhiều môn ở phổ thông có độ khó ngang bằng Sử nhưng các em vẫn học. Bởi vì đó chính là những môn được chọn để thi ĐH”…

Trước những tranh cãi, Ban xây dựng CT GDPTTT khẳng định: Môn học này ở cấp THPT được tổ chức theo 3 dạng: Lịch sử như một môn học độc lập; Lịch sử được dạy theo hướng kết hợp, tích hợp; Lịch sử được dạy theo tự chọn ở một số ban.

Và trong môn học mới, Công dân với tổ quốc, các nội dung về lịch sử, đạo đức công dân, Quốc phòng – An ninh ở cấp THPT có liên quan và khá gần gũi nhau; đều tập trung trang bị các tri thức quan trọng, cần thiết nhất đối với HS cấp THPT, khi ra trường tròn 18 tuổi, trở thành công dân VN với những giá trị truyền thống dân tộc, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ CNH – HĐH và hội nhập quốc tế.

Ban xây dựng CT GDPT cũng cho rằng: Tích hợp nội dung giáo dục Quốc phòng – An ninh, Đạo đức công dân và Lịch sử thành môn Công dân với tổ quốc chính là thực hiện yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả của CT GDPT nói chung, giáo dục Quốc phòng an ninh, giáo dục lịch sử và đạo đức công dân nói riêng. Việc tích hợp này không phải là coi nhẹ các nội dung giáo dục truyền thống mà là cấu trúc lại cho phù hợp cấu trúc mới, để tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn… Đồng thời với việc thiết kế lại nội dung giáo dục, cũng cần phải đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục, cách thức kiểm tra và đánh giá chất lượng môn học.

Về việc giải quyết những nguyên nhân HS không chọn Sử, đảm bảo việc dạy tích hợp, Ban xây CT cho biết: Trước mắt cùng với cấu trúc trên, sẽ chú ý hơn tới việc tập huấn đội ngũ giáo viên để đảm bảo tính khả thi và chất lượng môn học. Ngay từ bây giờ CT đào tạo của các trường sư phạm cần thay đổi, cập nhật yêu cầu dạy học tích hợp của môn học Công dân với Tổ quốc…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa có tiếng nói chung về môn Lịch sử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO