Khu “đất vàng” hơn 10.000m2 ở trung tâm quận 10, TP HCM dù chưa được Nhà nước giao đất nhưng Công ty Cổ phần Văn Phú - Bắc Ái ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác với giá 370 tỷ đồng.
Liên doanh Công ty Cổ phần Văn Phú - Bắc Ái (Văn Phú - Bắc Ái) được UBND TP HCM lựa chọn làm nhà đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao thông Gò Dưa (TP Thủ Đức) dài 2,75km với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.
Theo Hợp đồng BT ký ngày 25/11/2016, UBND TP HCM dự kiến sẽ dùng 5 khu đất để thanh toán chi phí cho nhà đầu tư gồm: 234 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, diện tích 643 m2; khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, diện tích 7.200 m2; khu đất 582 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, diện tích 12.240 m2; khu đất 132 Đào Duy Từ, quận 10, diện tích 10.618,5 m2; khu đất 12 Kỳ Đồng, Quận 3, diện tích 940 m2; khu đất 42 Trương Định, quận 3, diện tích 807 m2.
Dự kiến tuyến đường sẽ đưa vào sử dụng sau 24 tháng thi công. Tuy nhiên, đến nay, đã 5 năm công trường dự án vẫn chỉ là bãi đất trống cỏ mọc um tùm và hàng trăm khối bê tông, sắt thép rỉ sét theo thời gian. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được hoàn tất.
Theo ghi nhận ngày 23/12, lối vào dự án là con đường đất nhỏ, xung quanh cây cối, cỏ dại mọc um tùm, hoang vắng, không có chút biểu hiện nào của một đại dự án giữa lòng TP Thủ Đức. Hai cây cầu nhỏ đang thi công dở dang, nhiều khối bê tông gỉ sét… là tất cả những gì mà dự án nhiều nghìn tỷ đồng này để lại. Toàn bộ vùng dự án thành bãi cỏ mênh mông để người dân chăn thả bò, còn gầm cầu là khu cho đàn bò trú mưa, trú nắng.
Đến nay dự án đường vẫn đang dang dở và hiện chưa có bất cứ quyết định giao đất nào nhưng công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái đã ký ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng cho Công ty TNHH Joming lô đất 132 Đào Duy Từ, phường 6, Quận 10 với giá trị ghi trên hợp đồng là 370 tỷ đồng. Số tiền thanh toán chia làm 4 đợt cụ thể gồm: Các đợt 1,2,3 đặt cọc với số tiền mỗi đợt 74 tỷ đồng và đợt thanh toán cuối cùng là 148 tỷ đồng.
Theo giá trị chuyển nhượng 370 tỷ đồng thì mỗi m2 của khu đất chỉ có giá chưa đến 35 triệu đồng/ m2. Đó là chưa kể giá trị gia tăng của khu đất theo quy hoạch xây dựng căn hộ cao cấp kết hợp thương mại lên đến 25 tầng. Trong khi đó, các giao dịch chuyển nhượng bất động sản tại khu vực này cho thấy giá trung bình mỗi m2 đất thời điểm hiện tại có giá trị dao động vào khoảng hơn 250 triệu đồng/ m2.
Theo địa chỉ Công ty TNHH Joming theo Giấy phép kinh doanh tại số 253 Điện Biên Phủ, Quận 3, tại đây, nhân viên toà nhà cho biết, hiện tại không có bất kỳ công ty nào đang thuê hoặc làm việc tại phòng 01, lầu 02. Còn theo địa chỉ ghi là trụ sở chính của Joming trong Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng khu đất 132 Đào Duy Từ, Quận 10 tại tầng 15, Toà nhà Lim II Tower, Quận 3 thì bộ phận quản lý khẳng định chưa từng nghe nhắc đến tên công ty này.
Trong khi đó, tại khu đất 132 Đào Duy Từ hiện là trụ sở hoạt động của Công ty cổ phần công trình Cầu phà TP HCM.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, đại diện Công ty Văn Phú Bắc Ái cho rằng, về việc ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất hơn 10 nghìn mét vuông tại 132 Đào Duy Từ là thỏa thuận nguyên tắc theo đúng quy định pháp luật. Giá chuyển nhượng khu đất 370 tỷ được ghi trong hợp đồng là giá được bên dự kiến tại hợp đồng ký kết. Giá chuyển nhượng chính thức chỉ được các bên thống nhất sau khi đủ đièu kiện chuyển nhượng theo quy định pháp luật hiện hành.
Tuy vậy, theo Luật sư Hoàng Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải qua nhiều thủ tục được cơ quan chức năng cho phép, từ thu hồi, giao đất theo tiến độ thực hiện hợp đồng BT, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Tính vào thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng nói trên, khu đất 132 Đào Duy Từ chưa được cơ quan chức năng chấp thuận cho phép chuyển đổi. Vậy nên, việc chuyển nhượng này không đúng quy định. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ việc có hay không trục lợi đất công từ dự án BT này?”, Luật sư Cường nói.