Từ 17 lao động ở Thủy điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp, mất tích, nay lại tiếp tục thêm 13 người của đoàn cứu hộ. Tỉnh Thừa Thiên- Huế lập tức thành lập đoàn công tác gồm lực lượng cán bộ chính quyền, quân đội, ngay lập tức lên đường tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Tuy nhiên, với tình hình khắc nghiệt của thiên tai, với phương tiện kiểu bám đá, bò đường, dò bước, trong địa hình núi rừng mưa lũ quả thật khó khăn.
Nơi các công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 núi cao, hiểm trở. Người báo tin từng phải trèo lên đỉnh núi mới có sóng điện thoại để báo tin. Đoàn công tác do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu đã phải bỏ xe đi bộ đến nơi xảy ra tai nạn.
Hiện đường vào khu vực vẫn có hơn 10 điểm sạt lở lớn, 4 con suối nước chảy xiết, thời tiết xấu…Người dân còn lo những nguy hiểm tiềm ẩn đe dọa đoàn cứu hộ tiếp theo.
Cho dù khó khăn, nguy hiểm nhường nào thì việc cứu hộ, cứu nạn cán bộ, chiến sĩ, người vẫn phải tiếp tục. Các biện pháp, phương án cũng tiếp tục được đưa ra.
Sự quan tâm, vào cuộc kịp thời của lãnh đạo Đảng, chính quyền, quân đội và cả nước được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Nhưng còn đó là nỗi băn khoăn, trăn trở.
Rõ ràng, đã đến lúc cần thiết chúng ta phải thành lập lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, hiện đại như nhiều nước phát triển trên thế giới.
Nơi núi cao, rừng rậm, nguy hiểm không thể dùng phương tiện di chuyển như ô tô mà cần phải có trực thăng. Bài học từ vụ cháy rừng Hoàng Liên Sơn, chỉ đi bộ đã mất hàng ngày trời, làm sao nói đến cứu hộ?
Lại nữa, cùng với phương tiện hiện đại, phải có đội cứu hộ chuyên nghiệp với kỹ năng chuyên nghiệp. Bởi chỉ có sự nhiệt tình không thì chưa đủ.