Chủng mới SARS-CoV-2 tại Việt Nam 'lây nhanh nhưng độc lực không tăng'

Toàn Nghĩa 06/08/2020 16:14

TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết virus SARS-CoV-2 vừa lan truyền vừa tiếp tục biến đổi gene tạo ra nhiều chủng mới (genotype).

Riêng tại Việt Nam đã phát hiện 6 chủng, khác hẳn với chủng tại TP Vũ Hán (Trung Quốc). Chủng mới vừa phân lập phát hiện tại Đà Nẵng nằm trong nhóm D614G, xâm nhập từ nguồn nước ngoài vào Việt Nam.

Đây là biến thể của chủng D614 lây lan khắp Trung Quốc vào năm ngoái, xảy ra do sai sót khi sao chép mã di truyền trong quá trình virus nhân bản bên trong tế bào vật chủ. Thông qua đột biến amino acid 614 dẫn đến biến đổi protein gai bên ngoài, chúng sẽ trở nên vững chắc hơn, tăng cường khả năng xâm nhập vào tế bào. Vừa xuất hiện không lâu, biến thể này hầu như đã hoàn toàn thay thế chủng virus ban đầu lan truyền từ Trung Quốc sang Mỹ và châu Âu.

Trong số hơn 50.000 bộ gene virus được thống kê trên cơ sở dữ liệu chung, có đến 70% là chủng đột biến D614G, hay còn gọi tắt là G. Đáng sợ hơn, biến thể mới này hiện đã lan rộng toàn thế giới.

Bà Bette Korber, nhà sinh học thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (New Mexico, Mỹ), tác giả công trình đăng trên tạp chí Cell cho biết, chủng G gây sự chú ý của giới khoa học vì chiếm lĩnh một số khu vực địa lý từng do chủng D thống trị.

Kể từ 1/3, chủng G bắt đầu nổi lên, chiếm đến 67% trong tháng 3/2020, rồi tăng lên 78% từ ngày 1/4 -18/5. Đây là giai đoạn tâm dịch covid-19 chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, trước ngày 1/3, hơn 90% mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Covid-19 đều là chủng D.

Bà Korber và các đồng nghiệp thuộc ĐH Duke và Viện Miễn dịch học La Jolla (Mỹ) so sánh khả năng nhân bản của chủng G và D trong phòng thí nghiệm, kết quả là chủng G xâm nhập tế bào gấp 2,6 - 9,3 lần so với chủng D.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, độc lực của chủng virus biến thể này không gia tăng so với những biến thể khác.

Tại Việt Nam, một số ý kiến cho rằng độc lực của virus SARS-CoV-2 mới tại Đà Nẵng cao hơn nhiều so với chủng trước đây do những ca tử vong liên tiếp trong thời gian qua.

Trả lời vấn đề này, TS Nguyễn Văn Kính cho biết, chủng mới này lây lan nhanh nhưng độc lực chưa có gì thay đổi so với chủng ban đầu. Những trường hợp nguy cơ tử vong cao là người già, suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền.

Đồng quan điểm, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết đợt dịch lần này ở Đà Nẵng rơi vào ba nhóm bệnh nhân rất nguy hiểm, gồm bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhiều năm; bệnh nhân ở khoa ung bướu và bệnh nhân khoa hồi sức.

Theo ông Nguyễn Trung Cấp, nhóm bệnh nhân này dù không mắc Covid-19 cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Việc bị nhiễm SARS-CoV-2 chỉ như "giọt nước tràn ly", dẫn đến tử vong cao bất thường, chứ không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus.

Để phá vỡ chuỗi lây truyền của SARS-CoV-2 chủng mới nói trên, ngày 6/8, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tới người dân với thông điệp: “Dù bạn ở đâu hay bạn là ai, mỗi chúng ta đều có thể phá vỡ chuỗi lây truyền của Covid-19”. Cụ thể:

Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi;

Rửa tay sạch thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi đeo khẩu trang, khi đi ra ngoài hoặc khi về nhà;

Tránh những nơi đông người và tránh tụ tập đông người;

Tránh chạm vào các bề mặt ở nơi công cộng vì chúng có thể bị bám dính vi rút từ người mắc;

Giữ khoảng cách khi giao tiếp xã hội, đeo khẩu trang khi giao tiếp với người khác;

Nếu cảm thấy không khỏe, hãy ở nhà. Gọi đường dây nóng Bộ Y tế 19009095 hoặc cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, hãy tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly và điều trị. Hãy cung cấp cho cán bộ y tế danh sách những người Bạn đã tiếp xúc gần đây.

Tuân thủ cách ly 14 ngày nếu trở về từ vùng dịch hoặc từng tiếp xúc với người mắc Covid-19. Nếu phải tự cách ly tại nhà, hãy tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủng mới SARS-CoV-2 tại Việt Nam 'lây nhanh nhưng độc lực không tăng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO