Chung tay lo Tết cho công nhân

Thanh Giang 01/12/2022 07:00

Trong bối cảnh còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng và khó duy trì sản xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp đang “cân đo đong đếm” cố gắng xoay xở tiền thưởng Tết cho công nhân.

Doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn về đơn hàng sản xuất.

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp (DN) các ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ... bị ảnh hưởng nặng khi sức mua trên thị trường xuất khẩu giảm đáng kể. Vì vậy, dự kiến thưởng Tết năm nay chỉ dừng lại ở mức một tháng lương hoặc nửa tháng lương thứ 13.

Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, DN cố gắng thưởng một tháng lương cho người lao động trong dịp cuối năm. Tính trung bình mỗi công nhân nhận được dưới 10 triệu đồng, thay vì thưởng khoảng 20 triệu như trước. “Các năm trước thưởng Tết còn có khoản thưởng lao động xuất sắc nhưng năm nay chúng tôi đành phải cắt giảm nhưng vẫn chi thêm tiền thưởng từ công đoàn hoặc đối với cán bộ quản lý thì thêm mỗi người 1 triệu đồng”.

Tuy vậy, công ty cũng cố gắng xoay xở tổ chức thêm chuyến xe Mùa Xuân để đưa công nhân về quê ăn Tết. Năm nay chỉ có khoảng 10% công nhân đăng ký, những năm trước đó có đến 30 - 35% người đăng ký về quê. “Thưởng ít, cộng với khó khăn chung nên người lao động đa phần ở lại đón Tết phương Nam” - ông Việt chia sẻ.

Cố gắng có thưởng Tết cho công nhân là mục tiêu mà Công ty TNHH May mặc Dony (quận Tân Bình, TPHCM) đặt ra. Mặc dù, thời gian qua, DN hoạt động gần như không có lợi nhuận, chỉ cố gắng đảm bảo thu nhập cho công nhân. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty cho biết: “Công nhân nào cũng mong được thưởng nhiều nhưng khả năng tài chính của DN có hạn vì còn phải đảm bảo tài chính để năm sau hoạt động tiếp. Hơn nữa, vấn đề công nợ cũng quyết định một phần vào khoản thưởng Tết. Vì vậy đơn vị có phương án thưởng Tết một tháng hoặc nửa tháng lương, tùy thuộc vào tài chính trong thời điểm trả thưởng”.

Còn bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (quê Trà Vinh), công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) bày tỏ: “Tết năm ngoái do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thưởng Tết có bị giảm so với trước. Năm nay, DN lại khó khăn về đơn hàng nhưng tôi mong thưởng bằng năm ngoái cũng được để thêm vào cho các khoản chi tiêu cuối năm. May là đến thời điểm này vẫn có việc làm, dù không tăng ca”.

Cũng khó khăn chung, song ngành chế biến thực phẩm có phần “dễ thở” hơn dệt may, da giày. Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ người lao động trong năm, Công ty Sài Gòn Food dự kiến dành ngân sách gần 40 tỷ đồng để thực hiện các chính sách chăm lo cho người lao động dịp Tết Quý Mão 2023. Theo Sài Gòn Food, quý 4/2022, hàng loạt các DN đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt đơn hàng, giảm lao động, khó khăn trong việc tiếp cận vốn… Sài Gòn Food vẫn đảm bảo công việc cũng như các chính sách, hoạt động chăm lo cho người lao động.

Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, hiện TPHCM có 155 DN giảm đơn hàng, 50.157 người lao động ảnh hưởng, thu nhập của người lao động bị giảm sâu. “DN khó khăn, dự báo tết năm nay có những DN sẽ không có tiền thưởng Tết, lương tháng 13” - đại diện Liên đoàn Lao động cho hay.

Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cũng cho rằng cộng đồng DN đang gặp khó khăn dẫn đến sụt giảm đột ngột về việc làm và thu nhập của người lao động. Chính vì vậy, cách thức chăm lo Tết năm nay sẽ không đơn thuần là hỗ trợ có tính chất thời điểm mà cần một số giải pháp mang tính đồng bộ, có sự phối hợp liên ngành. Đơn cử như việc áp dụng chính sách khẩn cấp. Theo đó, có thể hỗ trợ tín dụng ngắn hạn cho đến tăng cường thêm hoạt động kết nối việc làm hay tiến hành đào tạo lại cho người lao động trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cũng phải tính toán, cân nhắc về một chính sách dự phòng bên cạnh chế độ phúc lợi đang có.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng mới công bố, hiện cả nước có 1.235 DN gặp khó khăn trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó có 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 8,8%). Đáng chú ý, trong 472.000 lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp, ngoài số bị mất việc, số bị giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động là 91,2%; 30.300 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.400 người đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi.

Mong muốn người lao động có cái Tết vui tươi, ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, cấp cơ sở nắm tình hình, chủ động đề nghị doanh nghiệp sớm có phương án nghỉ Tết, trả lương thưởng Tết cho người lao động dịp cuối năm. Công đoàn thương lượng với người sử dụng lao động sắp xếp thời gian để hạn chế tối đa mất việc, nhất là công nhân mang thai, đang nuôi con nhỏ. Dịp Tết, công đoàn ưu tiên hỗ trợ đoàn viên khó khăn từ nguồn kinh phí với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung tay lo Tết cho công nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO