Giao thông ở Việt Nam hiện nay vẫn đang là một trong những vấn đề nan giải. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc tuân thủ luật giao thông, hạ tầng quá tải và đặc biệt là những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của nhiều người khi tham gia giao thông. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông từ lâu đã được coi là chìa khóa hữu hiệu để giải quyết những bất cập này.
Nhiều bất cập
Hiện nay, hầu như trên các tuyến đường đều xuất hiện các khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, “Đã uống rượu bia, không lái xe”, “Nhanh một phút, chậm cả đời”,… Những hình ảnh, dòng chữ này như một lời nhắc nhở đối với người tham gia giao thông.
Song thực tế hàng ngày vẫn xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Nguyên nhân có nhiều nhưng đa số bắt nguồn từ việc thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông. Ý thức chấp hành của người tham gia giao thông chưa tốt được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ va chạm, tai nạn giao thông.
Trên đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh, thiếu niên phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, vừa điểu khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại... Bên cạnh đó, có những thanh, thiếu niên còn đi dàn hàng ngang hay đèo ba, đèo bốn, lạng lách, đánh võng. Nhiều trường hợp sau khi va quệt thì cãi vã, thậm chí gây gổ đánh nhau...Thực tế đã có nhiều vụ án xảy ra chỉ bắt nguồn từ những vụ va chạm nhỏ khi tham gia giao thông.
Mặc dù các cơ quan chức năng có rất nhiều hình thức tuyên truyền, nhưng những gì đang diễn ra hàng ngày lại hết sức báo động.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản. Đó là nguyên nhân khách quan do hạ tầng giao thông yếu kém, chưa đồng bộ khiến các loại phương tiện phải đi chung một làn đường gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên ở các đô thị lớn.
“Còn về mặt chủ quan do nhận thức của người tham gia giao thông phần đông chưa cao, dẫn tới những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, vi phạm luật giao thông trở nên phổ biến”- ông Sơn nói.
Còn theo PGS.TS Phạm Hùng Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, bên cạnh những người có ý thức tham gia giao thông thì vẫn còn rất nhiều hành vi chống đối, qua mặt lực lượng chức năng hoặc thậm chí lách luật của người tham gia giao thông, gây mất an toàn giao thông và phản cảm cho cộng đồng. Luật pháp đã có nhưng lực lượng mỏng và dàn trải trên diện rộng nên đâu đó trong quá trình xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Trong quá trình xử lý vi phạm an toàn giao thông chưa tranh thủ được sự đồng thuận và vào cuộc của người dân.
Cần sớm thay đổi
Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông là một trong những vấn đề từ lâu đã được rất nhiều người quan tâm và trăn trở. Vì vậy việc tìm ra các giải pháp để cải thiện văn hóa giao thông trong đời sống là điều hết sức cần thiết, là trách nhiệm của toàn xã hội, không của riêng ai hay một tổ chức nào.
PGS.TS Phạm Hùng Việt đề xuất: Cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của văn hóa giao thông trong đời sống hiện nay. Đây vừa là trình độ dân trí, biểu hiện cụ thể của sự văn minh trong ứng xử, cũng như thể hiện thái độ sống, lòng tự trọng mà mỗi cá nhân trong xã hội phải phấn đấu rèn luyện.
Ông Hùng cũng cho rằng, những thay đổi văn hóa giao thông trong đời sống hiện nay là cả một quá trình và cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành. Văn hóa giao thông cần được đẩy mạnh không chỉ trong giáo dục nhà trường mà còn phải được đưa vào các “thiết chế”, nội quy của các cơ quan, đơn vị, gia đình và cộng đồng.
Văn hóa giao thông là những hành động có văn hóa khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông có quan hệ khăng khít với pháp luật về giao thông, trước hết là hành động tuân thủ pháp luật giao thông, song nó là những hành vi ứng xử có văn hóa hơn những điều được quy định trong luật. Xây dựng văn hóa giao thông là xây dựng thói quen tham gia giao thông một cách có văn hóa. Muốn hình thành thói quen này, cần đề cao vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời phải có những biện pháp mạnh tay xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Còn PGS.TS. Lê Huy Trí - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân khi nói về vấn đề văn hóa giao thông lại cho rằng, người tham gia không chỉ tuân thủ luật giao thông, mà còn phải biết chia sẻ với người tham gia giao thông gặp nạn, hay gặp sự cố khi tham gia giao thông. Việc kịp thời hỗ trợ giúp đỡ người cùng tham gia bị tai nạn hoặc bị hư hỏng phương tiện là một biểu hiện của văn hóa. Tuy nhiên, người giúp đỡ người khác khi tham gia giao thông cũng cần phải có nhận thức đầy đủ về pháp luật trong việc làm của mình.
“5 tháng đầu năm 2022, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, toàn quốc đã xảy ra hơn 4.700 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 2.700 người, làm bị thương hơn 3.000 người. Văn hóa ý thức tham gia giao thông của người dân, người điều khiển phương tiện còn hạn chế, được xác định là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên. Để giải quyết được vấn đề tai nạn giao thông, ngoài các giải pháp về cơ sở hạ tầng, giảm mật độ phương tiện giao thông cá nhân, nhất thiết phải xây dựng văn hóa giao thông để hình thành thói quen giao thông văn minh” – (Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà).