10 năm chờ tái định cư

Nguyễn Chung 11/03/2019 10:00

Hơn 10 năm qua, gần 200 hộ dân vùng ngoại đê sông Mã, thuộc khu phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) luôn phải sống trong tâm trạng chờ đợi được tái định cư (TĐC). Họ mong muốn thoát khỏi cuộc sống bên trong những căn nhà chật hẹp, dột nát, hàng năm luôn phải đối mặt với lũ lụt mà không được cơi nới, hay xây mới.

10 năm chờ tái định cư

Nhiều nhà dân tại khu phố Tiền Phong đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Khổ như chờ tái định cư

Khu phố Tiền Phong - phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, hàng chục năm nay sống sát bờ đê, thuộc hữu ngạn sông Mã. Họ đa phần là người dân làng vạn chài thuộc các hợp tác xã vận tải đường sông chuyên vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến. Từ năm 1959, họ về đây dựng lều tạm để thuận tiện cho công tác vận tải. Dần dà, nhiều người xây dựng nhà cửa, định cư lâu dài và hình thành nên khu phố Tiền Phong. Hầu hết những ngôi nhà ở đây xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng do nằm trong khu vực mái đê sông Mã, buộc phải di dời nên không được phép nâng cấp, sửa chữa, xây mới.

Đi một vòng quanh khu phố mới thấy, ở đây, những ngôi nhà trông chẳng khác nào những phòng trọ tạm bợ, dột nát. Phía trong sâu những con hẻm nhỏ dẫn vào phía sát đê sông Mã, chúng tôi mới thấy hết được sự chênh vênh, mong manh của những phận người sống trong những ngôi nhà nằm ngay sát mép sông. Có những gia đình, hàng chục nhân khẩu chen chúc nhau trong một căn nhà cấp 4, rộng vài chục m2. Mỗi đợt sóng dềnh lên, vỗ ì ọp vào chân đê khiến người ta có cảm giác, các hộ dân ở đây có thể bị con sông Mã hung dữ nuốt bất cứ lúc nào mỗi khi mùa mưa lũ về!

Ông Bùi Xuân Lai – một người dân ở khu phố Tiền Phong cho biết: Cả khu phố có gần 200 hộ dân nhưng đa số các hộ đều sống trong những ngôi nhà tạm bợ, ẩm thấp được xây dựng từ hàng chục năm nay. Đa phần những ngôi nhà đó có từ 3 đến 5 gia đình sống chung. Cuộc sống vô cùng khốn khổ vì chật chội, mưa lũ và thiếu điện, thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt và ăn uống. “Mỗi mùa mưa bão về, hàng trăm nhân khẩu lại tất tả, í ới gọi nhau khuân vác đồ đạc, tài sản lên đê tránh lũ!”– ông Lai cảm thán.

Cùng có chung cảnh ngộ như ông Lai, anh Phạm Văn Tươi, nhà ngay sát mép đê cũng cho biết: “Ngôi nhà của chúng tôi chỉ cách mép nước sông Mã chừng 5 mét, mỗi khi mùa mưa lũ về thì mọi thứ quanh đây đều biến thành sông. Có năm nước lên nhanh, lũ dâng đến ngang nóc nhà, vợ chồng con cái lại phải dắt díu nhau chạy lên bờ đê dựng bạt ở tạm đến khi nước rút mới về. Mọi thứ tài sản đành phó mặc cho dòng lũ!”.

Sau nhiều lần đê sông Mã được nâng cấp, mái đê đã cao ngang với mái nhà của người dân. Những con đường vốn đã dốc, sâu hun hút dẫn xuống khu dân cư, giờ càng thêm khó đi vì bà con phải xây thêm hàng chục bậc thang lớn nhỏ để nối với mặt đê.

Tính đến nay, toàn khu phố Tiền Phong có gần 200 hộ sống trong những ngôi nhà tạm bợ, lụp xụp, nhiều ngôi nhà đã hư hỏng nặng, con cái lấy vợ, gả chồng muốn tách hộ để xây dựng nhà mới cũng không được vì nằm trong vùng dự án cần phải di dời, TĐC. Nhiều hộ dân muốn bán nhà hoặc mua đất ở nơi khác để chuyển đi nhưng cũng không thể vì nếu có rao bán cũng chẳng ai mua. Trong khi điều kiện kinh tế eo hẹp cũng không thể mua đất về nơi khác để sinh sống.

Không chỉ thiếu thốn, khổ sở về nhà ở mà hàng trăm hộ dân tại khu phố Tiền Phong còn chưa có nước sạch để dùng. Nguồn nước mà bà con sử dụng lâu nay cho sinh hoạt chủ yếu được lấy từ giếng khoan và nước sông Mã. Cùng với đó, hệ thống điện lưới cũ kỹ, xuống cấp do được xây dựng từ lâu đã không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.

Lại chờ vốn

Được biết, từ năm 2008 đến nay, cấp có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đến 3 dự án liên quan đến khu phố Tiền Phong. Bao gồm: Dự án di dân để phòng tránh thiên tai; dự án tiêu úng Đông Sơn và dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Mã đoạn qua TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, các hộ dân thuộc diện di dời vẫn chưa được bố trí tái định cư để ổn định đời sống và sản xuất.

Trước thực trạng nói ở trên, mới đây UBND TP Thanh Hóa đã tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ dân phố Tiền Phong. Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố đã ghi nhận ý kiến của người dân và cam kết sẽ sớm hoàn chỉnh phương án di dời người dân đến mặt bằng tái định cư mới. Tuy nhiên, vẫn chưa có một phương án cụ thể, rõ ràng nào được đưa ra.

Bà Phạm Thị Thanh, khu phố Tiền Phong bức xúc: “Bao nhiêu năm nay chính quyền đã xây dựng, phê duyệt hàng loạt dự án liên quan đến khu phố của chúng tôi, nhưng rồi cũng chẳng thấy đâu. Cứ kiểu “đánh trống bỏ dùi” như thế này mãi thì dân chúng tôi biết sinh sống ra sao?! Nếu không được tái định cư, di dời đến nơi ở mới thì cho chúng tôi xây dựng, cơi nới nhà ở để cuộc sống bớt vất vả, yên tâm làm ăn!”.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch UBND phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa cho biết: Khu phố Tiền Phong nằm ở ngoại đê cấp I, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề tự do và sông nước. Nhà cửa của nhân dân chủ yếu là nhà cấp 4, không kiên cố, không có nước sạch để sinh hoạt, đường giao thông, cơ sở hạ tầng kém, mỗi khi mưa gió, lũ lụt gặp rất nhiều khó khăn.

“Do nằm trong vùng quy hoạch, nên địa phương và UBND TP Thanh Hóa đã nhiều lần báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hóa xin được di chuyển hơn 200 hộ dân này đến nơi ở mới, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Hiện nay, quỹ đất TĐC ở địa phương đã có, nhưng nguồn vốn để thực hiện dự án thì phải chờ vào Nhà nước…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 năm chờ tái định cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO