Ngọc Tảo-Phúc Thọ (Hà Nội): Dựng lồng thờ ở hành lang an toàn giao thông

Từ Khôi 27/05/2019 07:34

Nằm bên phải đường Quốc lộ 32 theo hướng từ trung tâm nội thành Hà Nội đi thị xã Sơn Tây, đến địa phận cụm dân cư số 9, thôn Ngọc Tảo, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, người đi đường nếu để ý sẽ rất ngạc nhiên thấy một lồng sắt trong để bát hương thờ trước cửa một ngôi nhà.

Ngọc Tảo-Phúc Thọ (Hà Nội): Dựng lồng thờ ở hành lang an toàn giao thông

Ông Vũ Hữu Kỳ bên lồng sắt thờ vi phạm hành lang ATGT.

Chủ nhân của ngôi nhà bên Quốc lộ 32 ở cụm dân cư số 9 Ngọc Tảo kể trên là ông Vũ Hữu Kỳ và bà Nguyễn Thị Hiền. Về lồng sắt khoảng 6 m2 (mỗi chiều hơn 2 m2) bên trong kê bàn để bát hương thờ, ông Kỳ nói: Đó không phải do gia đình tôi làm. Ngày 20/4/2019, ông Nguyễn Trung Hưng, Cụm trưởng Cụm dân cư số 9 và bà Phùng Thị Cơ dẫn mấy người nữa mang lồng sắt này đến để trước cửa nhà tôi, trên phần đất hành lang an toàn đường bộ. Họ bảo đây là miếu thờ của cụm dân cư. Tôi không đồng ý nhưng họ cứ làm. Chúng tôi đã làm đơn gửi tới UBND xã Ngọc Tảo, nhưng chưa thấy chính quyền đến giải quyết.

Ông Kỳ kể: “Trước đây, phần đất hành lang an toàn giao thông trước cửa nhà ông là đất của cha ông để lại. Năm 1972, ông Ngô Văn Túy, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục - Đào tạo có về liên hệ với bố tôi là cụ Vũ Hữu Nhĩ xin làm nhà để ô tô và kho phục vụ cho Bộ. Họ làm nhà tre lợp giấy dầu. Rồi mở đường đi thẳng ra Quốc lộ 32. Hết chiến tranh họ về Hà Nội và để lại nhà cho gia đình tôi sử dụng. Năm 1979, ông Nguyễn Trung Đồng (bố ông Nguyễn Trung Hưng) thấy nhà tôi rộng, tôi thì đi bộ đội, ở nhà chỉ có mình bố tôi nên tới mượn đất liền cạnh nhà tre đó để đưa vật liệu ba gian nhà mà cơ quan Công an Phòng cháy chữa cháy chuyển đi tặng lại làm hội trường xóm. Đến năm 1986, nhà tôi mới bỏ nhà tre để làm nhà mái bằng. Năm 1991, bà Phạm Thị Lý, một người hành nghề xem bói cách nhà tôi khoảng 300 m đến xây bục để bát hương trong hội trường xóm. Đây là cớ để sau này ông Nguyễn Trung Hưng và mấy người nữa nói là có miếu thờ”.

Phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Trung Tình – Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo. Ông Tình cho biết: Việc dựng lồng sắt thờ là việc tự ý của mấy người dân. Họ có nguyện vọng dựng lại miếu thờ. Về việc chỗ đất đó trước đây có thực là miếu thờ hay hội trường xóm không thì ông Tình nói là hội trường, nhưng cũng là miếu thờ.

Theo lời đề nghị của ông Nguyễn Trung Tình- Chủ tịch xã Ngọc Tảo, phóng viên đã đến trụ sở UBND xã gặp ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch xã để tìm hiểu thêm. Ông Thắng cho biết: Hội trường cũ của xóm trước đây cũng là điếm thờ. Nguyên liệu xây dựng được lấy từ ba gian nhà của đơn vị công an ở gần đó chuyển đi cho. Phóng viên hỏi: Điếm thờ đó có phải được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa không? Ông Thắng nói không. Phóng viên lại hỏi: Điếm thờ đó có trong danh mục kiểm kê di tích không? Ông Thắng nói không. Chỗ điếm thờ đó chỉ là thờ bản thổ của xóm.

Về việc dựng lồng sắt thờ trong hành lang an toàn giao thông có được UBND xã đồng ý không thì ông Nguyễn Đình Thắng nói: Đây là việc của mấy người dân tự ý làm vào ngày nghỉ nên xã không biết. Còn nếu muốn làm miếu thờ cần phải có sự đồng ý của UBND huyện Phúc Thọ và chấp thuận của cơ quan chức năng quản lý hành lang an toàn giao thông.

Về vấn đề này, chúng tôi lại thêm ngạc nhiên khi biết ông Nguyễn Trung Hưng, người dựng lồng sắt thờ là em con chú, gọi ông Nguyễn Trung Tình, Chủ tịch xã Ngọc Tảo là anh con ông bác ruột. Mong rằng, ông Chủ tịch xã sẽ không vì tình riêng mà để tồn tại lồng sắt thờ phản cảm và vi phạm Luật Giao thông đường bộ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngọc Tảo-Phúc Thọ (Hà Nội): Dựng lồng thờ ở hành lang an toàn giao thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO