Chương trình giáo dục phổ thông mới: Nhiều nút thắt cần gỡ

Thu Hương 10/01/2023 07:20

Ở năm thứ 2 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, câu chuyện sách giáo khoa vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Cần làm gì để tháo gỡ, hạn chế những bất cập trong quá trình triển khai dạy và học?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11.

Vẫn lúng túng môn tích hợp

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa chính thức phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 4, lớp 8 và lớp 11 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) theo Chương trình GDPT mới áp dụng từ năm học 2023- 2024. Hàng loạt đầu sách mới sẽ được triển khai dạy và học đặt ra những thách thức mới cho cả thầy và trò, đặc biệt là ở những môn học tích hợp.

Bà Lê Thanh Thảo - giáo viên tại một trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, dù trước nay chỉ được đào tạo và dạy môn Vật lý, giờ phải nhìn tổng thể, phải có kiến thức Hóa học, Sinh học cũng rất khó khăn. Mặc dù trước mỗi tiết học tích hợp, cả tổ khoa học tự nhiên của nhà trường phải ngồi với nhau để cùng thảo luận, hỗ trợ nhau song để giáo viên thực sự hiểu cặn kẽ phần kiến thức của đồng nghiệp là điều không đơn giản, đòi hỏi sự chuẩn bị rất nhiều của mỗi giáo viên.

Dù chưa phù hợp với tinh thần đổi mới, tuy nhiên, do điều kiện nguồn nhân lực hạn chế nên hiện nay hầu hết các trường vẫn tổ chức giảng dạy theo hình thức 2-3 giáo viên một môn tích hợp. Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng là vấn đề với nhiều nhà trường khi phải thay đổi thường xuyên để phù hợp với nội dung bài học và đội ngũ nhân lực hiện có. Không hiếm trường hợp giáo viên nhớ nhầm giờ lên lớp, học sinh quên chuẩn bị bài vở vì lịch học liên tục thay đổi theo tuần. Một khó khăn nữa là khi kiểm tra, đánh giá môn học tích hợp, đề kiểm tra bao gồm nhiều phân môn, 2-3 giáo viên phải cùng họp lại để ra đề, vào điểm...

Với những môn học khác, việc đổi mới cũng đặt ra những thách thức. Thầy Trịnh Hào Quang - giáo viên Toán, Trường THPT Lý Thái Tổ cho biết, thầy và đồng nghiệp trong trường phải tìm hiểu thêm tài liệu Toán-Tiếng Anh để giới thiệu cho học sinh do tài liệu tham khảo chưa nhiều.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, cô giáo Phùng Thị Loan (Trường THCS Duyên Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay cô được phân công dạy môn Sinh học khối 8 vừa kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm. Mặc dù chưa đứng lớp dạy chương trình mới nhưng cô đã cùng các đồng nghiệp tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng của chương trình cũng như tự bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến.

“Việc Bộ GDĐT phê duyệt và công bố sớm danh mục SGK lớp 8 đối với giáo viên chúng tôi vẫn rất cần thiết. Dù chưa biết sẽ dạy theo cuốn SGK nào nhưng tôi sẽ tham khảo tất cả các cuốn sách đã được phê duyệt để chắt lọc kiến thức, bài học cho việc giảng dạy được phong phú, sinh động hơn” - cô Loan nói.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế triển khai hiện nay, một số sách lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 của chương trình mới vẫn bị phát hiện có “sạn” dù đã được thẩm định, sửa chữa qua nhiều vòng, được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt. Đơn cử, trong quá trình dạy học, một số giáo viên chỉ ra trong bộ sách SGK Lịch sử và Địa lý của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, kiến thức lớp 6 và lớp 7 lại hoàn toàn trái ngược nhau. Điều này gây băn khoăn cho giáo viên giảng dạy và cả người học khi cùng một nhóm tác giả viết SGK của cùng một bộ sách lại có những nội dung khác nhau như vậy. Đó là chưa kể, nếu là các bộ SGK do các nhóm khác nhau viết, năm nay học bộ này, năm sau học bộ khác chắc chắn sẽ có sự không đồng nhất sẽ càng làm khó thầy cô.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận tính chuẩn mực trong SGK là một trong những yếu tố phải đặt lên trên hết. Cần rút kinh nghiệm trong tất cả các khâu từ biên soạn, thẩm định để nội dung đưa vào SGK vừa đảm bảo mục tiêu của chương trình nhưng cũng giảm thiểu thấp nhất “sạn” trong sách.

Lắng nghe để hỗ trợ giáo viên, gỡ điểm nghẽn

Tại Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2022-2023 diễn ra cuối năm 2022, ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau cho biết, hiện địa phương còn thiếu nhiều giáo viên Ngoại ngữ, Tin học để đáp ứng việc dạy 3 môn này từ lớp 3 theo chương trình mới. Dù công tác tuyển dụng đã được thực hiện khẩn trương nhưng nguồn tuyển rất khó khăn.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, địa phương này cũng gặp khó trong việc tuyển dụng giáo viên đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ giáo viên đứng lớp. Hiện tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học của TPHCM đạt 74% nhưng không đồng đều giữa các địa phương, trong đó có những quận, huyện chỉ đạt trên 20%.

Thiếu giáo viên là một trong số những khó khăn lớn nhất của nhiều địa phương khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, chưa có tài liệu giáo dục địa phương... cũng là vấn đề của nhiều địa phương hiện nay.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT Nguyễn Xuân Thành cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Trong đó, có việc biên soạn, thẩm định, phát hành SGK còn chậm so với yêu cầu triển khai. Một vài SGK môn học còn gây băn khoăn trong dư luận. Việc lựa chọn, cung ứng SGK ở một số địa phương còn chậm hoặc có thiết sót, hạn chế. Việc biên soạn, thẩm định, đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương của một số địa phương còn chậm muộn, chất lượng một số tài liệu giáo dục địa phương còn hạn chế.

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số cơ sở giáo dục còn chưa khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn dẫn tới hiệu quả thực hiện chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục mới còn hạn chế, chưa bảo đảm thực hiện đúng theo yêu cầu của chương trình mới.

Nhìn nhận rõ những khó khăn, bất cập trong triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong việc đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo Nghị quyết 29 thì triển khai Chương trình GDPT 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục.

Bên cạnh việc phối hợp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết Bộ GDĐT đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo và dự kiến trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo. “Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, cải cách nên hàng ngày, hàng giờ phải lắng nghe việc triển khai thực tế như thế nào, giáo viên lên lớp có khó khăn gì. Trong thời gian còn lại triển khai Chương trình GDPT 2018 có thể tính đến việc thành lập nhóm hỗ trợ nhanh cho giáo viên” - Bộ trưởng Bộ GDĐT nêu rõ.

“Năm 2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới, đây là năm nhịp ở giữa của quá trình triển khai. Hiện đã có 6 lớp được dạy theo chương trình mới và thay SGK, các lớp còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2023 và những năm kế tiếp theo lộ trình đã đề ra. Chúng tôi phải tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức mà trong quá trình triển khai đã và có thể sẽ xảy ra như: Triển khai những môn học mới trong chương trình; tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất; thiếu các điều kiện để triển khai. Đây là những việc lớn và khó, là những thách thức lớn với ngành Giáo dục” - Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Tăng cường dạy thử nghiệm

Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian đầu triển khai chương trình mới có thể còn vội vã nhưng đến thời điểm này sau hơn 2 năm rồi, ngành giáo dục phải có kế hoạch, thực nghiệm, xem xét kỹ lưỡng về vấn đề SGK. Nếu bộ sách nào sai ở mức độ nhẹ thì phải tiếp thu, sửa chữa, còn ở mức độ không thể chấp nhận được thì phải hủy bỏ. Cần tiếp tục tăng cường quá trình dạy thử nghiệm để phát hiện sai sót cũng như sự phù hợp của kiến thức đối với học sinh, giáo viên. Rất nhiều những bất cập sẽ được phát hiện trong quá trình dạy thực nghiệm. Đồng thời, cần bổ sung đội ngũ biên soạn SGK có năng lực để có được những bộ sách chất lượng, đồng bộ với Chương trình GDPT 2018. Để triển khai chương trình GDPT 2018 thành công, cần sự đồng bộ cả về chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất… Trong đó, có những việc không thể chỉ một mình ngành giáo dục giải quyết được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình giáo dục phổ thông mới: Nhiều nút thắt cần gỡ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO