Chương trình lớp 10 giáo dục phổ thông mới: Lo thiếu giáo viên dạy nghệ thuật

Dung Hòa 09/03/2022 16:14

Năm học 2022-2023 tới đây, lần đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông  2018 (GDPT) được triển khai ở lớp 10 với nhiều điểm mới. Trong đó nổi bật là các trường phải xây dựng được tổ hợp môn học và tổ hợp chuyên đề học tập.

Trong tháng 2 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 10 sử dụng trong cơ sở GDPT. Theo danh mục này, có 44 SGK lớp 10 của 14 môn học và hoạt động giáo dục; bao gồm: 2 đầu sách Ngữ văn; trong đó có đầu sách thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh Diều, mỗi đầu sách gồm: Sách Ngữ văn 10 tập 1, tập 2 và Chuyên đề học tập Ngữ văn 10…

Có tổng cộng 8 đầu sách Giáo dục thể chất. Các môn Lịch sử, Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Âm nhạc; SGK được phê duyệt gồm sách thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh Diều; mỗi bộ gồm 2 cuốn sách giáo khoa và chuyên đề học tập…

Trước đó, cuối năm 2021, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành đã có văn bản yêu cầu các sở GDĐT chỉ đạo trường THPT trên địa bàn phân công giáo viên dạy môn học/hoạt động giáo dục lớp 10 từ năm học 2022-2023; lập danh sách giáo viên được phân công theo về Bộ GDĐT trước ngày 25/12/2021.

Cùng với đó, ưu tiên bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho giáo viên được phân công dạy lớp 10 về xây dựng kế hoạch giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá HS theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.

Theo chương trình mới, từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 phải học 5 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn; 3 chuyên đề học tập và một số hoạt động.

Cụ thể, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật gồm Âm nhạc, Mĩ thuật). Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.

Giáo viên của Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên) chia sẻ, căn cứ vào thực tế đội ngũ hiện có, việc triển khai chương trình GDPT mới với lớp 10 sẽ khó đáp ứng được nguyện vọng của học sinh khi học các môn tự chọn. Đơn cử như việc thiếu giáo viên dạy các môn nghệ thuật. …

Hay tại Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang), gần 50 thầy cô đã được phân công để giảng dạy lớp 10 năm học 2022-2023, năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới bậc THPT. Song khó khăn nhất là chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.

Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều trường học ở các địa phương hiện nay. Về giải pháp lâu dài, các trường đã xin sở GDĐT bố trí giáo viên; trước mắt khi xây dựng tổ hợp các môn phù hợp với đội ngũ, sẽ không có tổ hợp có môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết, về giải pháp, nhà trường sẽ tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ nội dung chương trình, SGK mới và việc bố trí giáo viên giảng dạy để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế. Có phương án hợp đồng giáo viên dạy Nghệ thuật để học sinh được tham gia theo nguyện vọng. Tiết kiệm, huy động các nguồn lực hợp pháp để bổ sung các thiết bị tối thiểu dạy học theo chương trình mới.

Theo ông Đỗ Duy Hưng - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Dương, để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, các trường có thể xây dựng tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học lựa chọn ở trên; mỗi tổ hợp gồm 5 môn. Học sinh chọn tổ hợp môn học phù hợp trong số các tổ hợp môn học nhà trường đã thông báo. Các trường phải thông báo tổ hợp môn học trên cho học sinh trước khi tuyển sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình lớp 10 giáo dục phổ thông mới: Lo thiếu giáo viên dạy nghệ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO