Chương trình nghệ thuật ‘Tổ ấm yêu thương – Nơi mong đợi trở về’

Hoàng Minh 12/11/2017 08:00

Tối qua (11/11), tại Nhà hát Nghệ thuật Âu Cơ  – Hà Nội đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tổ ấm yêu thương – Nơi mong đợi trở về”. Chương trình hướng đến Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Báo Văn Hóa và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng.

Biểu diễn nghệ thuật “Tổ ấm yêu thương – Nơi mong đợi trở về”.

Chọn chủ đề gia đình cho hoạt động ý nghĩa hướng đến ngày kỷ niệm, bên cạnh mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, còn một thông điệp khác mà những người làm Báo Văn Hóa muốn gửi gắm đến độc giả của mình đó là tình yêu dành cho ngôi nhà chung -Báo Văn Hóa trong hành trình 60 năm trưởng thành và phát triển

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Gia đình- niềm cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa. Gia đình- luôn hiện hữu qua những giai điệu nồng nàn, lắng đọng mang nhiều cung bậc cảm xúc.

Với mỗi người Việt Nam, nhất là với những bà mẹ, ít ai không biết tới những câu hát trong bài “Đất nước lời ru” của nhạc sĩ Văn Thành Nho: “Ru con mẹ ru con tiếng ru cả cuộc đời/ Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời/…”. Và trong cuộc đời mỗi con người, có không ít lần được mẹ hát ru, và lời ru của mẹ sưởi ấm lòng ta, giúp ta lớn dần theo năm tháng. Và trong chương trình “Tổ ấm yêu thương” này lời ru ấy đã được cất lên bởi giọng ca còn rất trẻ - ca sĩ Bích Hồng.

Ca khúc Mẹ yêu - sáng tác Phương Uyên trở thành một trong những bài hát về mẹ được khán giả trẻ vô cùng yêu thích. Chính những giai điệu hiện đại nhưng không kém phần trữ tình cùng với ca từ giản dị, chất chứa tình cảm đã tạo nên thành công rực rỡ cho ca khúc Mẹ yêu. Và hôm nay, trong chương trình này, khi nghe nhóm Mây thể hiện, người nghe vẫn bồi hồi khi những câu hát "Sinh con ra trong bao nhiều khó nhọc, mẹ ru con yêu thương con tha thiết, mong cho con luôn luôn ngoan hiền, giấc no say...".

Ở thời đại nào cũng vậy, vai trò của người phụ nữ cũng luôn được khẳng định. Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, những chuẩn mực của người phụ nữ có thay đổi nhưng họ mãi luôn là người “thắp lửa” trong gia đình, là người quan trọng với mọi thành viên trong từng tổ ấm. Đặc biệt là đối với những đứa con yêu quý nhất của mình. Và Nhật kí của mẹ, sáng tác Nguyễn Văn Chung, biểu diễn ca sỹ Thu Hằng thật nhẹ nhàng và chân thực. Giai điệu nhẹ nhàng đánh vào tâm lý người nghe với cảm xúc của một người mẹ với con của mình, ca khúc đã nhận được nhiều sự đồng cảm.

Các đại biểu tham dự buổi biểu diễn nghệ thuật.

Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là thứ tình cảm thiêng liêng và thuần khiết nhất, chẳng bút mực, ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn. Với không gian nghệ thuật “Tổ ấm yêu thương”, người nghe như được đắm chìm trong cảm giác thân thương, trìu mến qua các ca khúc: Ba kể con nghe, sáng tác Nguyễn Hải Phong, do ca sỹ Nguyễn Trần Trung Quân thể hiện; Mẹ tôi, sáng tác Trần Tiến – thể hiện NSƯT Quốc Hưng; Mẹ yêu con, sáng tác Nguyễn Văn Tý, thể hiện ca sỹ Anh Thơ.

Những âm hưởng mênh mang, sâu lắng và nồng nàn, những ca từ và giai điệu ngọt ngào, hoà quyện và tràn đầy tình yêu, từ những điều bình dị, gần gũi đến những điều lớn lao.

Người phụ nữ hiện đại không chỉ đảm đương việc nhà, mà còn cống hiến tài năng của mình cho xã hội, họ không chỉ là người mẹ hiền đảm đang, giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn là những nhà khoa học, những vị lãnh đạo tài năng, những cán bộ có năng lực. Song người phụ nữ vẫn tỏa sáng nhất với thiên chức thiêng liêng là người vợ, người mẹ, người giữ lửa trong nhà. Không gì có thể thay thế vai trò của người phụ nữ trong mỗi gia đình. Các nhạc sĩ trong các sáng tác của mình, luôn giành cho người con gái trong tình yêu; người phụ nữ của gia đình những ca từ đẹp nhất; những giai điệu tinh tế và lắng đọng nhất.

Và với ca khúc Ở hai đầu nỗi nhớ, sáng tác Phan Huỳnh Điểu, ca sỹ Anh Thơ cùng vũ đoàn Camelia thể hiện, không ồn ào, không nỉ non, những ca từ trong sáng, mượt mà đẹp như những áng thơ, bản thân nó đã toát lên vẻ thanh khiết của một mối tình mãnh liệt được chất chứa bên trong cái nôn nao của đợi chờ, cái cồn cào của nỗi nhớ, cái sâu xa của cội nguồn, cái dạt dào tình thương và vượt lên trên tất cả vẫn là niềm tin, niềm hy vọng ở một tình yêu được hội tụ bởi tinh hoa của trời và đất, của con người với con người mà nhạc sĩ đã chắt lọc trong tác phẩm của mình.

Có lẽ mỗi người có một định nghĩa riêng cho mình về "gia đình" đó là mái ấm hạnh phúc lớn nhất mà ta từng có, nơi đó ta được bố mẹ yêu thương chăm sóc, lo lắng. Hạnh phúc gia đình là thứ quí giá nhất trong cuộc sống , không có nó ta không thể nào sống và lớn lên. Gia đình là nơi chở che, bảo vệ ta; là điểm tựa giúp ta vượt lên những khó khăn; nơi chia sẻ cùng ta niềm vui, nỗi buồn- nơi mà mỗi người chúng ta luôn mong được trở về.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình nghệ thuật ‘Tổ ấm yêu thương – Nơi mong đợi trở về’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO