Chuyện buồn của những người làm nail

Lam Phương 13/09/2020 14:00

Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nên các ngành dịch vụ ở Mỹ hầu như đóng băng trong suốt thời gian qua. Và trong tảng băng đó không thể không nói đến nghề làm nail.

Thống kê cho thấy, 90% lao động trong nghề làm móng đã đệ đơn bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có nhiều người Việt. Tuy nhiên, việc họ cần nhất trong lúc này không phải là những khoản trợ cấp, mà là một môi trường làm việc an toàn.

Làm nail vốn được coi là nghề “ăn nên làm ra” tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Những năm gần đây, nghề làm móng được vẫn được ví như là ngành kinh doanh tỷ đô tại Mỹ, bởi sự ăn nên làm ra, trở thành “cứu cánh” cho những lao động nhập cư, trong đó có người Việt. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết mức lương trung bình của thợ nail năm 2018 vào khoảng 25.000 USD/năm. Bang California là nơi tập trung rất đông người gốc Việt, cũng là nơi tiệm và thợ nail đông nhất nước Mỹ.

Báo cáo của Trung tâm Lao động thuộc Đại học California tại Los Angeles phối hợp cùng Liên hiệp ngành móng lành mạnh California công bố cuối tháng 11/2018 cho biết doanh thu ngành nail đạt khoảng 4,5 tỷ USD vào năm 2015 và dự kiến đạt gần 6 tỷ USD trong năm 2020.

Thế nhưng, đó là con số dự báo khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Ngày 7/5/2020, trong buổi họp hàng ngày về Covid-19 tại thủ phủ Sacramento, thống đốc bang California - Gavin Newsom cho biết trường hợp lây nhiễm virus trong cộng đồng đầu tiên tại đây xuất phát từ một tiệm làm móng, nhưng ông này cũng không nói rõ địa chỉ cụ thể.

Ngay sau lời phát biểu đó, sự chao đảo của ngành nail đã được nhiều người nghĩ tới. Và thực tế là tất cả tiệm nail của người Việt ở California đã đóng cửa trong 6 tháng qua, tuân thủ theo đúng hướng dẫn chống dịch của Thống đốc.

Viện Chính sách Nhập cư cho biết ngành làm móng đóng vai trò đặc biệt quan trọng với cộng đồng người gốc Việt ở California. Có tới 39% người Việt Nam nhập cư đến Mỹ sinh sống tại bang này. Vì vậy, cơn địa chấn Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của họ. Các chủ tiệm nail thì đứng ngồi không yên vì ngoài việc không có nguồn thu họ vẫn phải đóng tiền thuê cửa hàng với cái giá không hề rẻ (khoảng 3000USD/tháng).

Ở Mỹ không có chuyện giảm giá hay chia sẻ… cứ theo hợp đồng mà tính. Mặc dù các chủ tiệm nail cũng là đối tượng nằm trong các khoản cho vay ưu đãi của chính phủ liên bang để ứng phó với đại dịch, thế nhưng theo khảo sát của một số tổ chức ở Mỹ cho biết hơn 60 chủ tiệm đã nộp đơn cho các chương trình này, nhưng một số người không đạt tiêu chuẩn để xem xét.

Thường ở Mỹ các tiệm nail của người Việt chủ yếu trả lương cho thợ bằng tiền mặt và chủ tiệm cấp mẫu 1099-MISC để người thợ tự khai thuế hàng năm. Bằng vào cách này, người thợ được chủ tiệm nail xem như là một người làm việc độc lập chứ không phải là nhân viên của tiệm theo luật Thuế vụ và luật lao động. Cái lợi là họ sẽ được lĩnh trọn tiền lương mà không bị trừ thuế trên mỗi kỳ. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy ra, những nhân viên được khai theo mẫu 1099 sẽ không được hưởng bảo trợ thất nghiệp.

Theo lời Hai Nguyễn, một thợ làm móng ở Canifornia, cô đã ở nhà 5 tháng nay và phải nhận trợ cấp từ (CARES - Đạo Luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh kinh tế). Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, CARES hết hiệu lực nên trợ cấp thất nghiệp còn 100USD/tuần. Số tiền này không thể đủ mua các thực phẩm thiết yếu. Trước đó, mỗi tuần, 1 người thợ nail được nhận 150 USD của tiểu bang và 600 USD từ liên bang. 750USD đủ trang trải chi phí, thậm chí nếu tiết kiệm, thì còn dư được một chút.

Hải Nguyễn cho biết, 5 tháng ở nhà với cô thời gian dài đằng đẵng. “Hiện tôi đã tự trang bị cho mình những thiết bị phòng dịch rất cẩn thận để cho ngày trở lại làm việc. Khẩu trang, kính che giọt bắn (face shield), dung dịch sát khuẩn, đủ cả. Chưa bao giờ chúng tôi lâm vào cảnh khủng hoảng như thế này. Ở nhà thì sốt ruột, ra đường thì không an toàn. Nhiều lúc nhắm mắt lại nghĩ, hay cứ liều đi tìm việc còn hơn phải ngồi trong nhà chết đói. Áp lực cơm áo gạo tiền trên nước Mỹ quá nặng nề, đủ các loại chi phí điện nước, thuê nhà, dịch vụ… Ngoài ra, khách hàng cũng gọi điện cho tôi bảo, chân tay họ nhức nhối lắm rồi”, Hải Nguyễn chia sẻ.

Từ ngày 28/8, theo quy định tại California, các cửa hàng làm móng chỉ được phép mở cửa nếu nằm tại hạt có tỷ lệ lây nhiễm thấp. Nếu trường hợp số ca nhiễm mới/100.000 dân tăng thì các cửa hàng làm móng phải hoạt động ngoài trời. Tại California hiện có tới 80% tiệm móng vẫn phải mở ngoài trời và chỉ có phần nhỏ được cho hoạt động trong không gian khép kín ở các quận hạt ít lây nhiễm.

Nhưng nhiều chủ tiệm nail nói rằng, làm việc ngoài trời vô cùng khó khăn vì họ không đủ nguồn lực. Thời tiết ở California lúc này rất nóng, nên khó làm việc bên ngoài cho cả thợ và khách hàng.

“Ngoài ra, có những chỗ phố- nơi đặt tiệm nail, không cho lấn chiếm không gian bên ngoài để hoạt động. Rồi phải dẫn đường điện, nước ra ngoài rất bất tiện. Khách hàng họ cũng cảm thấy bức bối khi phải ngồi ngoài làm móng thay vì trong phòng mát lạnh”, chủ một tiệm nail người Việt cho biết.

Được trở lại làm việc bình thường có lẽ là mong muốn lớn nhất của người làm nail trong thời điểm này. Một số chủ tiệm nail cho biết, họ sẵn sàng cam kết đảm bảo an toàn cho cả khách và thợ như đo thân nhiệt, theo dõi triệu chứng, sử dụng dụng cụ một lần, giãn cách khách ở phòng đợi và không tập trung quá đông người… Thế nhưng, tất cả vẫn đang phải chờ vì dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện buồn của những người làm nail

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO