Chuyện buồn ở một xã nghèo

Điền Bắc 16/09/2017 08:35

Nhiều người dân bị khuyết tật nặng, không ít trường hợp là vợ liệt sĩ tái giá ở xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) phải chạy vạy, đưa tiền cho cán bộ chính sách xã mới được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Nhà nước. Trong khi đó, có khoảng 4-5 người khác là ruột rà của cán bộ, lãnh đạo địa phương không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thì lại được cán bộ chức trách xã hợp thức hoá hồ sơ cho hưởng.


Ông Trần Văn Khanh (83 tuổi) nằm liệt giường nhưng chưa được xét hưởng chế độ trợ cấp.

Đúng sai lẫn lộn

Tại xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), việc xác định mức độ khuyết tật cho các đối tượng bị khuyết tật để hưởng chế độ theo tinh thần Nghị định 28/2012/NĐ-CP, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tất và Thông tư 37 dường như còn cảm tính, nặng nhẹ lẫn lộn. Thậm chí, qua điều tra chúng tôi nhận thấy, tại địa phương này có biểu hiện cán bộ lợi dụng chức quyền, đưa người thân vào diện được hưởng chế độ trợ cấp.

Anh Trần Văn Long, trú tại xóm 2, xã Quỳnh Lộc phản ánh: Tại địa phương, có nhiều đối tượng bị khuyết tật nặng nhưng không được hưởng chế độ, trong khi đó nhiều đối tượng khuyết tật nhẹ, có thể làm ăn, sinh hoạt bình thường, nhưng vẫn được hưởng chế độ trợ cấp xã hội.

Đơn cử là trường hợp bà Phạm Thị Hoa (thôn 9A) được hưởng chế độ khuyết tật nặng, nhưng bản thân bà Hoa đang làm ăn xa, đi lại bình thường. Tương tự, bà Trần Thị Minh (81 tuổi, trú thôn 9A) là người già bình thường nhưng cũng được hưởng chế độ khuyết tật nặng. Thậm chí, theo tìm hiểu, có khá nhiều đối tượng người thân, thông gia của cán bộ xã Quỳnh Lộc đang được hưởng chế độ này.

Cụ thể, bà Hồ Thị Phán (thôn 2) mặc dù được hưởng chế độ nhưng không bị tật, bà Phán là chị dâu của Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Bà Lê Thị Ngân (thôn 4) không bị khuyết tật nhưng cũng hưởng chế độ, bà Ngân là cô ruột của ông Lê Duy Trung - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc. Theo phản ánh của người dân địa phương thì ông Lê Duy Thi (thôn 5) là chú ruột của ông Chủ tịch UBND xã mặc dù vẫn đi làm ăn (làm thợ mộc) nhưng vẫn có tên trong danh sách hưởng chế độ người khuyết tật.

Đặc biệt, trường hợp ông Hồ Sỹ Năm (50 tuổi, trú thôn 3B), bà Phạm Thị Hoa (55 tuổi, trú thôn 9A), chị Hồ Thị Trinh (20 tuổi, trú thôn 9A)… vắng mặt ở địa phương nhưng vẫn được hưởng chế độ khuyết tật nặng. Trong khi đó, những đối tượng thực sự bị khuyết tật lại trầy trật khi đi đòi quyền lợi chính đáng của mình. Hoàn cảnh của ông Trần Văn Khanh (83 tuổi) bị mù 2 mắt, nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải có người khác làm thay, nhưng 2 năm nay người thân làm đơn xin hưởng chế độ song đến nay vẫn chưa có hồi đáp. Trường hợp khác, chị Hồ Thị Định (21 tuổi) bị tật bẩm sinh nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải nhờ vào bố mẹ nhưng không hiểu lý do gì, hơn 1 năm nay chị Định bị cắt chế độ từ khuyết tật đặc biệt nặng xuống còn khuyết tật nặng, đồng nghĩa với việc bị cắt luôn chế độ người nuôi dưỡng.


Mọi sinh hoạt của chị Hồ Thị Định phải nhờ vào người khác nhưng lại bị cắt giảm chế độ.

Thu tiền để làm chế độ?

Trong quá trình tìm hiểu sự việc tại xã Quỳnh Lộc, chúng tôi nhận được phản ánh của nhiều đối tượng khi họ làm hồ sơ hưởng chế độ tiền tuất cho vợ liệt sĩ tái giá được thực hiện theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP phải bỏ tiền “bôi trơn” thì hồ sơ mới đẹp và mới được nhận chế độ. Bà Nguyễn Thị Cẩm (SN 1953, trú thôn 9A) nói: “Tôi là vợ liệt sĩ tái giá mới được nhận quyết định hưởng chế độ gần 1 năm nay. Quá trình làm hồ sơ, tôi phải đưa 5 triệu đồng cho cô cán bộ chính sách xã. Tôi nhớ như in đã 3 lần đưa tiền cho cô này (cán bộ chính sách), lần đầu 1 triệu đồng, lần 2 là 3,5 triệu đồng; lần 3 là khi nhận lương tháng đầu tiên, tôi rút 500 nghìn đồng trong số tiền hơn 1,3 triệu đồng được nhận đưa cho cô ấy”.

Trường hợp ông Trương Văn Phú, trú thôn 9A bị thần kinh, trong quá trình làm hồ sơ hưởng chế độ khuyết tật, gia đình ông đã phải bỏ ra 6 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Do (vợ ông Phú) phản ánh: “Để chồng được hưởng chế độ trợ cấp với mức 405 nghìn đồng/tháng, tôi phải vay 6 triệu đồng nhờ con trai đi nộp cho ông trưởng thôn. Sau đó, chồng tôi đã được hưởng chế độ người khuyết tật hơn 1 năm nay”. Bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1960), trú xóm 3A cũng thuộc diện vợ liệt sĩ tái giá khẳng định: “Năm 2013, tôi có làm hồ sơ, nhưng xã bảo là hồ sơ chưa hợp lệ vì thiếu một số giấy tờ chứng minh tôi là vợ liệt sĩ. Đầu năm 2016, sau khi có sự xác nhận của họ tộc, bố mẹ nhà chồng, tôi đưa toàn bộ hồ sơ và khoản phí 10 triệu đồng cho một người tên Lơn, đến tháng 10-2016 thì tôi được hưởng chế độ”.

Trước sự việc nêu trên, ông Lê Duy Trung - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc nói: “Chúng tôi cho rà soát lại và đến thời điểm này phát hiện có khoảng 26 đối tượng nằm trong diện bị cắt chế độ do không phù hợp. Đối với những trường hợp làm chế độ vợ liệt sĩ tái giá phải “bôi trơn” cho trưởng thôn và cán bộ chính sách, hiện chúng tôi đã kiểm điểm các đối tượng này, bắt trả lại tiền. Riêng đối với chị Hồ Thị Biển – cán bộ chính sách xã cũng phải viết bản tự kiểm điểm, tiến tới chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên xử lý theo mức độ vi phạm”. Ông Tô Huy Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: Hiện UBND thị xã Hoàng Mai đã nắm được sự việc ở Quỳnh Lộc và đang yêu cầu xã báo cáo. “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm nếu cán bộ lấy tiền của dân để làm chế độ”- ông Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện buồn ở một xã nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO