Chuyện cái lạt

Đỗ Phấn 01/08/2021 17:46

Một vật dụng hàng ngày chẳng phân biệt nông thôn thành thị hồi thế kỉ trước không ai nghĩ nó lại biến mất chỉ trong vài chục năm gần đây. Rất lạ. Nó biến mất nhưng nhu cầu về nó thì hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Ảnh: ITN.

Cái lạt là vật dụng không người Việt nào không dùng đến. Thậm chí còn có suy nghĩ rằng chẳng thể có cái gì tốt hơn nó trong đời sống hàng ngày. Tất nhiên nó chỉ là vật dụng ở vài nước châu Á mà thôi. Sang đến châu Âu, châu Mỹ, châu Úc rất khó lòng nhìn thấy nó.

Người Việt dùng cái lạt từ bao giờ chẳng ai biết cả. Những bằng chứng khảo cổ học từ thời kì đồ đá của người Việt cũng thấy dùng dây rừng để buộc chiếc rìu đá như nhân loại cùng thời kì ở khắp nơi trên thế giới. Có lẽ sợi lạt buộc chỉ có ở những nơi tre, nứa, dang, vầu… mọc phổ biến. Nó là sản phẩm đầu tiên đơn giản nhất của việc chế biến cho họ nhà tre. Giữa thế kỉ trước ở nông thôn, sợi lạt là vật dụng thay cho chiếc túi đựng. Thịt cá rau cỏ mua ở chợ phải có sợi lạt để buộc, xâu xách mang về. Thậm chí nhiều món hàng còn được bán tính bằng lượng hàng hóa do chiếc lạt đảm nhiệm. Xâu cá vét ao, xóc cua đồng, mớ rau. Bán rau mà đặt lên bàn cân mới chỉ thấy xuất hiện ở phố vào khoảng cuối những năm 60 thế kỉ trước. Cũng chỉ những cửa hàng mậu dịch dùng cách bán hàng này mà thôi. Chợ trong phố vẫn “Cá kể đầu, rau kể mớ” như chợ nông thôn.

Sợi lạt làm từ những việc to lớn như buộc rui, mè, buộc dứng trát vách, buộc giàn giáo khi xây dựng ngôi nhà truyền thống. Những sợi lạt kĩ được chẻ ra từ cây mây buộc nút rất nghệ thuật. Sợi lạt tre thông thường cho những ngôi nhà nghèo đơn sơ hơn nhưng vẫn buộc phải có. Khá ngờ rằng thuật ngữ “buộc phải có” cũng từ sợi lạt mà ra. Những việc cỏn con như bó rau, xâu cá, buộc gói hoa cúng chỉ bằng bàn tay đều dùng đến lạt. Mọi thứ bánh trái trên đời hầu như đều có chiếc lạt làm nhiệm vụ gói bọc cùng với từng loại lá cây chuyên biệt. Bánh chưng, bánh dày, bánh nếp, bánh tẻ, bánh khoai, bánh gio, bánh gai… thứ phải dùng lạt buộc khi chế biến, thứ phải dùng lạt để bó từng đơn vị bán hàng chục, hàng tá. Người đi chợ về thấy treo toòng teeng đầu gánh xâu bánh đa nướng làm quà cho trẻ con bằng một sợi lạt mỏng. Đó là hình thức vận chuyển thứ dễ vỡ giập chẳng có gì tốt hơn lúc ấy.

Sợi lạt không chỉ được chẻ bằng cây tre mà còn vài thứ cây khác có thể làm lạt tùy theo chức năng buộc gói. Lạt mây dùng để nức cạp rổ rá, lạt dang dùng gói bánh chưng, lạt rơm nếp gói cốm bọc lá sen. Tất nhiên khi không có những chiếc lạt chuyên biệt đều có thể thay thế bằng lạt tre. Người Việt dùng lạt ngày ấy hầu hết đều tự mình chế ra sợi lạt buộc cho mình. Nông thôn đẵn một ống tre tươi hí húi đầu thềm ngồi chẻ lạt mỗi khi nhà có việc. Ngay ở thành phố thì những năm tháng nghèo khổ mọi nhà vẫn được mua một ống dang để chẻ lạt gói bánh chưng ngày tết. Trẻ con sáu, bảy tuổi đã được người lớn dạy chẻ những sợi lạt dang đều tăm tắp. Đó là thứ phải tự làm lấy, không có chợ nào bán bó lạt.

Chiếc lạt không ngờ lại là một trong những thành phần khó thay thế nhất của thế giới ẩm thực cả nông thôn và thành thị. Nhìn cây giò lợn gói lá dong mà buộc bằng sợi nilon hay chiếc bánh chưng gói bằng lạt nhựa cứ như chọc tức con mắt. Nhìn cô hàng cốm buộc gói cốm bằng dây chun đã mất đi nửa phần ngon. Chục bánh gai mua về nhiều khi trẻ con túm tụm vào xem xét không phải vì thèm mà chỉ vì cái sợi lạt nhuộm điều buộc hằn lên chục bánh. Giờ thì ta biết rằng xâu thịt lợn, thịt bò bằng chiếc lạt treo lên xe đạp là kém vệ sinh nhưng ngày trước không những nó tiện dụng an toàn mà đôi khi còn ngầm ý khoa trương sự no đủ. Tất nhiên sợi lạt cũng chỉ tỏ ra có vị trí quan trọng với ẩm thực ở trong nước mà thôi. Khi sang châu Âu, châu Mỹ thì cũng đành xơi bánh chưng và giò lụa gói bằng lạt nilon. Thậm chí đôi chỗ không có lá gói bánh người ta còn tìm cách nhuộm xanh gạo và gói bằng màng mỏng PE.

Hóa ra người Việt lại là sắc dân có nhiều thành tích về bảo vệ môi trường nhất địa cầu. Sợi lạt là vật phẩm hữu cơ mà cả thế giới ngày nay khuyến khích dùng nó nếu có điều kiện. Nó sẽ nhanh chóng phân hủy trong lòng đất một cách tự nhiên chẳng tốn kém gì. Thế nhưng bây giờ muốn quay lại dùng sợi lạt như ngày xưa e rằng rất khó. Trẻ con Hà Nội hoàn toàn chỉ biết cây tre trong sách tập đọc nếu như không được gia đình cho đi du lịch miền xa. Những đứa trẻ tầm 30 tuổi trở xuống bây giờ đưa cho sợi lạt bảo buộc vật gì đó thì trong mười đứa có đến chín là lấy sợi lạt buộc thắt nút như dây thường. Chúng không thể biết cách vặn một mối lạt cho ra hồn. Cái mối buộc này là một sáng tạo phải mất khá nhiều tháng năm lịch sử mới đúc kết tạo ra được. Nó chỉ cần dùng đến một tay để buộc vào hoặc gỡ ra mà không bao giờ cần đến hai tay như mối buộc các loại dây khác. Đã thế, thao tác nó lại chỉ mất khoảng một phần tư thời gian so với buộc thắt nút. Buổi sáng đi trên đường mua một bó hoa, người bán hoa thoăn thoắt buộc vào sau xe máy chắc chắn cho về đến tận nhà xa mà thời gian chưa bằng lúc rút ví ra đếm tiền để trả.

Thế nhưng sử dụng sợi lạt để gói ghém hàng hóa bán mua bây giờ ở phố cũng chỉ còn những hàng hoa bán rong. Cơn lốc túi nilon nhiều năm nay đã khiến nhiều gia đình không còn cả cái làn đi chợ nữa. Những thứ quá cần đến dây buộc như gói xôi, gói cốm… người ta cũng chuyển sang dùng sợi chun từ khá lâu rồi. Sợi lạt buộc mất đi vị trí tiện dụng của mình ở khắp cả nông thôn lẫn thành thị. Từ nhà cửa, doanh trại, lều lán dù tạm bợ đến mức nào thì người ta vẫn dùng dây buộc là những vật liệu khác không phải cái lạt. Rau cỏ bán cân hầu hết buộc sợi nilon bởi không cần định lượng bằng mớ nữa. Và những bà nội trợ bây giờ ở phố đều có tác phong đi chợ một hôm mua đủ rau cỏ cho cả nhà dùng vài ba ngày. Những thứ cần bảo quản lạnh thì đã có túi nhựa hàn kín hút chân không chợ nào cũng có. Tác phong sinh hoạt quyết định toàn bộ dụng cụ sinh hoạt. Nhiều gia đình ở phố bây giờ bói không ra cái chậu thau thần thánh ngày xưa phải xếp hàng mua phân phối mất cả buổi.

Giờ thì ta buộc phải làm quen và đã quen với nắm nem thính, cái nem chua được buộc bằng dây chun. Nhiều khi nem chua cũng gói bằng nilon cho lớp trong cùng, lá chuối chỉ còn là vật trang trí bên ngoài đánh lừa thị giác ẩm thực của dân sành ăn. Rất ít người ăn biết rằng thực ra chiếc nem chua muốn chín được cần phải có lớp phấn trắng trên mặt trái tàu lá chuối gói thịt. Không có nó, nem chua ắt hẳn phải dùng đến hóa chất khác thay vào. Nhiều hàng giò chả giờ đây cũng dùng dây nilon thay cho chiếc lạt buộc. Lại còn có người sáng chế ra những chiếc khuôn nhôm để gói giò thủ vặn vít nén chặt bỏ tủ lạnh. Kiếm được cây giò thủ gói lá, ép đòn tre buộc lạt giờ chỉ còn vài tay chơi kĩ lưỡng Hà Nội thực hiện được mà thôi. Đám ấy giờ cũng ngót nghét 70 cả rồi. Gần suốt đời kham khổ với vô số bệnh nền chẳng khác nhau là mấy. Tương lai ăn giò thủ ống nhôm hoàn toàn chỉ còn được tính theo tuổi đám ấy nếu như có vaccine tiêm phòng Covid-19 đầy đủ.

7/2021

Giữa thế kỉ trước ở nông thôn, sợi lạt là vật dụng thay cho chiếc túi đựng. Thịt cá rau cỏ mua ở chợ phải có sợi lạt để buộc, xâu xách mang về. Thậm chí nhiều món hàng còn được bán tính bằng lượng hàng hóa do chiếc lạt đảm nhiệm. Xâu cá vét ao, xóc cua đồng, mớ rau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện cái lạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO