Chuyện chưa kể về nữ quán quân Olympia 2020

Đình Minh 24/09/2020 07:22

Ngay sau chiến thắng của Nguyễn Thị Thu Hằng tại trận chung kết Olympia 2020, chúng tôi tìm về xóm 6, xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) để tìm hiểu thêm về cuộc sống, sinh hoạt đời thường của cô gái có nụ cười duyên với đôi kính cận dày.

Quán quân Olympia Thu Hằng bên góc học tập của mình.

Nói không với việc học thêm

Chia sẻ về niềm đam mê với Olympia, Hằng cho biết: “Em thích chương trình Olympia từ nhỏ, nhưng phải đến khi xem xong trận chung kết có anh Nguyễn Cao Ngọc Vũ của Trường THPT Kim Sơn A thì giấc mơ vô địch trong em mới thật sự bùng cháy.

Để nuôi dưỡng sự quyết tâm, em đã viết lên giấy 3 chữ “Vô địch Olympia” rồi dán lên tường từ năm lớp 7. Kể từ đó cho đến trước trận chung kết năm nay, em tự nhủ phải trau dồi kiến thức để đạt được giấc mơ của mình”.

Trong hành trình trui rèn kiến thức, Hằng cho rằng việc tự học là quan trọng nhất, vì vậy nên ngoài thời gian lên lớp, em thường nghiên cứu sách báo, xem thời sự, thu thập thông tin trên mạng, youtube chứ không dành thời gian để đi học thêm. “Nếu có ý thức học tốt thì không học thêm vẫn có thể giỏi, nhưng nếu ý thức học kém thì học thêm nhiều cũng chưa chắc đã vào”, Hằng chia sẻ.

Nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng trên bục nhận giải thưởng. (Nguồn: Fanpage Đường lên đỉnh Olympia)
Nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng trên bục nhận giải thưởng. (Nguồn: Fanpage Đường lên đỉnh Olympia)

Thăm quan góc học tập của quán quân Olympia, chúng tôi thực sự bất ngờ khi sách được chất cao từ đầu giường cho tới kín mít chiếc giá sách, không thiếu thể loại nào. Từ các cuốn sách luật dân sự, bách khoa tri thức, tiếng Anh, văn học, triết học… đến những mẩu giấy ghi chép các sự kiện lịch sử, khoa học tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. Cầm trên tay, có thể dễ dàng nhận thấy các cuốn sách đều đã mòn gáy, điều này chứng tỏ người đọc đã sử dụng quá nhiều lần.

Một số thành tích “khủng” mà Hằng đã đạt được trong suốt thời gian đi học có thể kể đến như: Huy chương Bạc môn Toán, huy chương Đồng môn Tiếng Anh cấp Quốc gia, Á khoa thi tuyển đầu vào của THPT Kim Sơn A, giải 3 cấp tỉnh về môn Nghiên cứu khoa học, giải 3 cấp huyện môn Tin học trẻ, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học của trường,..

Song song với việc học, cô nữ sinh Ninh Bình cũng dành thời gian cho các hoạt động thể thao và nghệ thuật như chơi cầu lồng, cờ vua, đánh đàn, hát và nhảy. Ngoài ra, để bắt kịp thời đại, Hằng cũng có cho mình một kênh Youtube với các video parody mang đậm tính hài hước, vui nhộn, nắm bắt trend cộng đồng. “Kênh Youtube của em có tên Nguyễn GR, hiện đang có vài nghìn sub, nếu mọi người rảnh thì nhớ vào ủng hộ em nha”, Hằng hóm hỉnh.

Gia đình là điểm tựa

Sinh ra trong gia đình bố là cán bộ, mẹ là giáo viên, với Thu Hằng, người có ảnh hưởng rõ nhất trong việc hình thành tính cách, tư duy, lối sống trong suốt quãng thời gian từ cấp tiểu học tới THPT là mẹ. Được biết, trong quá trình học tại Trường THCS Thượng Kiệm, cô Phạm Thị Đỗ Ngọc (mẹ của Hằng) vừa giảng dạy Hằng trên lớp với cương vị là giáo viên, vừa là người mẹ chở em về lúc tan trường.

Trong quá trình nuôi dạy con, cô Ngọc cho biết phải luôn chú trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, phát huy trí tuệ để con mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống. Đó yếu tố quan trọng giúp con trưởng thành nhanh hơn. “Mình luôn định hướng, có những quy tắc cụ thể, thưởng phạt công bằng để từ đó con nhìn vào đó mà thêm nỗ lực, có gắng”, cô Ngọc chia sẻ.

Ở tuổi 45 với nước da đen sạm, ngoài đảm nhận công việc chính là trưởng thôn, chú Nguyễn Văn Hiều (bố của Hằng) còn làm thêm việc sửa máy móc. Theo chia sẻ của Hằng, bố em là người quan tâm gia đình, yêu vợ, chiều con.

“Bố là người ủng hộ em nhiệt tình nhất trong việc đi thi Olympia. Trong 3 lần ra Hà Nội, bố đều luôn song hành, lo cho em từ bữa ăn, giấc ngủ. Tất cả mọi việc bố lo hết, em chỉ việc thi, không phải bận tâm gì cả”, Hằng tâm sự.

Được mọi người tin yêu, quý mến

Nhờ truyền thống gia đình và sự giáo dục tốt từ cha mẹ, Hằng được người thân, hàng xóm, thầy cô đánh giá là người sống lễ phép, biết kính trên nhường dưới, quan tâm tới mọi người.

Ông Nguyễn Hữu Lượng, bác nội của Hằng nói: “Không phải vì tôi là bác nên khen cháu mình nhưng đúng thật nó là đứa lễ phép với học giỏi nhất trong anh em đằng nội”.

Người dân Ninh Bình hân hoan trước chiến thắng của học sinh tỉnh nhà.

Là hàng xóm nằm sát bên cạnh, bà Đào Thị Uyển cho biết trong xóm Hằng được đánh giá là chăm ngoan, ham học, không chơi bời hay có điều tiếng xấu: “Con bé Hằng hết giờ học trên trường thì nó về, lên tầng 2 tự học chứ rất ít khi thấy nó đi đâu vào buổi tối cả”, bà Uyển cho biết.

Ít nói khi tiếp xúc với người lớn nhưng khi lên trường cùng các bạn, Thu Hằng lại trở thành một cô gái tinh nghịch, hiếu động: “Trong 2 năm đảm nhận chức bí thư của lớp 12B1, Hằng sống rất gần gũi với các bạn trong lớp. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi đánh giá cao về thái độ học tập và cách ứng xử của em ấy với thầy cô, bạn bè”, cô Vũ Thị Lan, GVCN lớp 12B1 nói.

Là người đã dõi theo, giúp đỡ Hằng từ những vòng thi đầu tiên khi còn đang giữ chức vụ Hiệu phó, thầy Vũ Đắc Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn A chia sẻ: “Khi Hằng vào sâu tới các vòng trong, nhà trường đã bố trí thầy cô các bộ môn luân phiên ôn luyện để em có kiến thức vững vàng nhất, đến nay có được kết quả tuyệt vời như vậy quả thực rất tự hào. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những tài năng để nối tiếp em Hằng chinh phục đỉnh Olympia thêm nhiều lần nữa”, thầy Toàn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện chưa kể về nữ quán quân Olympia 2020

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO