Chuyện cô giáo mua thuốc, lấy sữa của con cứu học trò qua cơn đói, bệnh tật

16/11/2020 20:35

Hay tin một cậu học trò chưa ăn gì, lại bị bệnh nhưng trong người không một đồng dính túi, cô Dung đã mua thuốc, rồi lấy sữa của con mang qua ký túc xá tự tay khuấy sữa cho em uống.

“Người mẹ thứ hai” là tiếng gọi thân thương của nhiều học sinh nội trú dành cho cô giáo Trần Thị Kim Dung, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bạc Liêu.

Về trường nội trú vì thương học sinh dân tộc

Ngoài 50 tuổi, ở cô giáo Trần Thị Kim Dung toát lên vẻ phúc hậu, hiền lành. Vốn quê Ninh Bình, những năm 1980, cô theo gia đình vào miệt đất Minh Hải (nay là hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) sinh sống, lập nghiệp.

Hồi đó, vùng đất Minh Hải còn lắm khó khăn. Vậy mà, cô Dung tự nguyện đăng ký về đất Năm Căn (tỉnh Cà Mau) dạy học. Chứng kiến những đứa học trò nghèo, đi lại khó khăn nhưng biết vươn lên, chính ngày tháng vất vả ấy như thấm sâu thêm vào trong máu, trong tim của cô giáo Dung hai chữ nhân ái.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bạc Liêu, nơi cô Trần Thị Kim Dung gắn bó, giảng dạy từ nhiều năm qua.
Cô giáo Trần Thị Kim Dung nay đã 52 tuổi.

Sau một thời gian gieo chữ ở đất Cà Mau, năm 1995, cô Dung về gắn bó với trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bạc Liêu cho đến bây giờ. Đến nay cô đã đóng góp 25 năm với chuyên môn dạy Sử.

“Thời điểm đó, trường thiếu giáo viên dạy Sử cấp ba. Rồi đặc thù là trường dạy dỗ học sinh người dân tộc. Hầu hết các em là có hoàn cảnh khó khăn, do đó cô muốn góp công sức đối với đồng bào dân tộc nói riêng, ngành Giáo dục của tỉnh nói chung”, cô Kim Dung chia sẻ lý do về trường nội trú.

Cô Kim Dung cùng trò chuyện, thăm hỏi các em học sinh nội trú bữa ăn ở nhà ăn sau giờ học.

Hàng chục năm trước, cơ sở vật chất của trường còn rất thiếu thốn. Mà khó khăn nhất chính là các em học sinh ở nội trú, nên cô Dung vừa dạy vừa làm quản sinh để có thể trực tiếp gần gũi, giúp đỡ các em trong học tập và cả trong cuộc sống.

Với những em mới đầu tiên vào trường nội trú, phải sống xa nhà, cô Dung rất quan tâm tìm hiểu từ chỗ ở trong ký túc xá, từ cái ăn, điều kiện sinh hoạt... có phù hợp hay không, để từ đó có hướng giúp đỡ các em an tâm học tập khi không có cha mẹ kề bên.

Với những học sinh có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cô Dung vận động những học sinh cũ đã ra trường có việc làm ổn định quay lại giúp các em phần nào vượt qua, cố gắng vươn lên học tốt.

Thầy Trần Văn Chúng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Có những em học sinh ở ký túc xá bị bệnh, chính cô Dung nhiều lần trực tiếp mua thuốc cho uống, hay đưa những em bệnh nặng đi bệnh viện. Cô còn bỏ tiền túi để hỗ trợ các em nhập viện… mà không nghĩ ngợi gì.

Từ những điều quan tâm như thế, nhiều thế hệ học sinh của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bạc Liêu đã xem cô Kim Dung như “người mẹ thứ hai” của mình".

Nhiều học sinh xem cô Dung như "người mẹ thứ hai" hết mực ân cần chăm lo cho các em.

Lấy sữa của con “cứu” học trò nghèo

Trải qua hơn 20 năm theo nghề giáo, gắn bó, tận tâm với trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bạc Liêu, bao thế hệ học trò đến rồi đi đã để lại trong lòng cô Kim Dung rất nhiều kỷ niệm khó quên.

Trò chuyện với PV Dân trí, cô Dung cho biết vẫn nhớ như in nhiều em học trò nghèo, ngoan có, không ngoan cũng có, mà cô chủ nhiệm từ nhiều năm trước nay đã thành công trong cuộc sống.

Cô kể, có một cậu học trò tên D.N.H., lúc đó học lớp 11, gia đình rất khó khăn. Một bữa nọ, H. chưa ăn gì, lại bị bệnh nhưng trong người không một đồng dính túi. Hay tin, cô Dung đã mua thuốc, rồi lấy sữa của con mang qua ký túc xá tự tay khuấy sữa cho H. uống. Nhờ ly sữa ngọt ngào như "dòng sữa mẹ hiền" này mà H. đã khỏe lại rồi lên lớp học tập.

“Đến tận bây giờ, đã rất nhiều năm qua, em ấy vẫn luôn nhớ, luôn thương cô như người mẹ. Thấy em ấy thành công trong công việc và cuộc sống, cô vui lắm”, cô Kim Dung tâm sự.

Nhờ có hệ thống lọc nước uống mà cô Dung vận động học trò cũ hỗ trợ, các em học sinh khó khăn ở ký túc xá đã tiết kiệm được một phần chi phí trong học tập. Trong ảnh: Cô Kim Dung đang lau chùi hệ thống lọc nước uống cho các học sinh ở ký túc xá. Hệ thống này do chính cô vận động học trò cũ hỗ trợ.

Theo thầy Trần Văn Chúng, trong công việc hàng năm, nhà trường thường giao cho cô Dung chủ nhiệm những lớp có học sinh học lực còn yếu, ý thức chưa tốt. "Bởi cô Dung có kinh nghiệm trong dạy và quản sinh, từ đó sẽ rèn luyện các em dần thay đổi mà vươn lên tốt hơn", thầy Chúng đánh giá.

Còn cô Kim Dung thì chia sẻ giải pháp, với những lớp này, ngoài việc học văn hóa, trong sinh hoạt lớp, cô tin tưởng giao việc cho chính các em, cô chỉ giám sát để có chấn chỉnh cần thiết, còn lại để các em tự ý thức, đoàn kết, cùng giúp nhau tiến bộ.

Những học trò mà cô Kim Dung chủ nhiệm có những em ngoan, có những em cũng rất cá biệt. Nhưng với cô, tất cả cô đều xem như người con trong gia đình.

Mỗi em có mỗi hoàn cảnh khác nhau, cô luôn tìm hiểu sâu sát với từng em một để nắm bắt tâm lý, tâm tư, nguyện vọng, từ đó có hướng tháo gỡ, giúp đỡ một cách hợp lý, giúp các em vượt qua mặc cảm, hoàn cảnh, các em mới thật sự cảm phục.

“Người giáo viên theo cô quan trọng nhất là có tầm để truyền dạy kiến thức cho học sinh và có tâm như người làm cha làm mẹ để kịp thời bên cạnh giải quyết những khó khăn mà các em gặp phải.

Ở nhà các em có cha mẹ chăm lo, dạy dỗ, còn vào trường thì chỉ có thầy, cô giáo là chính. Mà thầy, cô giáo không giúp các em nữa thì ai sẽ giúp đây…”, cô Dung chia sẻ đơn giản quan điểm của một người theo nghiệp dạy học.

Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Chúng nhận xét: Cô Kim Dung có chuyên môn và đạo đức tốt. Có tinh thần tập thể, ý kiến đóng góp hay để xây dựng nhà trường vững mạnh.

Thời gian qua, cô Dung đã vận động nhiều học trò cũ, mỗi năm tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh vượt khó vươn lên trong học tập của trường.

Ngoài ra, cô còn vận động học trò cũ hỗ trợ hệ thống lọc nước uống cho học sinh ở ký túc xá để tiết kiệm chi phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện cô giáo mua thuốc, lấy sữa của con cứu học trò qua cơn đói, bệnh tật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO