Chuyển đổi để thích ứng

Quốc Định 12/11/2020 08:00

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may bị suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy vậy, các chuyên gia dự báo, ngành dệt may sẽ sớm vượt qua được khủng hoảng nhờ sự linh động của doanh nghiệp.

Để vượt qua được khủng hoảng, doanh nghiệp ngành dệt may cần linh động tìm kiếm thị trường mới và đa dạng hóa sản phẩm..

Bộ Công thương cho biết, bước sang quý III/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều. Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững.

Theo đánh giá từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu nửa đầu tháng 10/2020 của mặt hàng dệt may chỉ đạt 1,28 tỷ USD, giảm 229 triệu USD (tương ứng giảm 15,2%) so với nửa cuối của tháng 9/2020. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 23,44 tỷ USD.

Tại Đồng Nai, 1 trong 5 tỉnh, thành của cả nước đứng hàng đầu về xuất khẩu dệt may, cập nhật mới nhất cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2020 của tỉnh này ước đạt hơn 1,42 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Điểm sáng trong tháng 10/2020 là các doanh nghiệp ngành dệt may Đồng Nai đã nhận được những đơn hàng lớn, tăng so với 2-3 tháng trước đó, nhưng cũng chưa khôi phục được như đầu quý I/2020.

Dự báo thời gian còn lại của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đồng Nai có khả năng chỉ đạt thêm 360-400 triệu USD. Có thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm của tỉnh này chỉ đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm gần 200 triệu USD so với năm 2019 (tương đương với trên 10%).

Hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Thực tế, các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam là veston, sơmi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho 2 tháng cuối năm. Về phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng xác định ngành dệt may đến năm 2021 vẫn nằm trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của Covid-19. Nếu có vaccine, dự kiến phải đến hết quý 3/2021 mới có thể quay lại trạng thái bình thường như năm 2019.

Chia sẻ mới đây với giới doanh nghiệp tại TP HCM, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS lưu ý, trong số những bài học lớn được rút ra từ thách thức Covid-19, thì doanh nghiệp dệt may cần thích ứng sự thay đổi nhanh của thị trường về các dòng sản phẩm. Từ những đơn hàng truyền thống như sơmi, veston…chuyển sang đồ mặc nhà, khẩu trang. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần rút ra bài học về phương thức đàm phán, thay vì bay qua gặp trực tiếp thì chuyển sang trực tuyến…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi để thích ứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO