Chuyển đổi kinh tế số ứng phó với đại dịch Covid-19

H.Vũ 29/09/2021 06:30

Ngày 28/9, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức tọa đàm Kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi kinh tế số ứng phó với dịch Covid-19.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế nhưng cũng là chất xúc tác thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số. Thực tế cho thấy, dưới tác động của dịch Covid-19, Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đã thực sự chuyển mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tiến trình chuyển đổi số vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: không đồng đều trong thích ứng với sự thay đổi của công nghệ; hành lang pháp lý chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho chuyển đổi số và sự xuất hiện của các mô hình kinh tế số mới, cơ sở hạ tầng kinh tế số còn hạn chế.

Trên cơ sở đó, để thúc đẩy kinh tế số ứng phó với dịch Covid-19, tạo bước tiến trong tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới, các chuyên gia cho rằng, cần đầu tư vào yếu tố mang tính nền móng là con người, thể chế và công nghệ. Đặc biệt, không thể đạt được sự phát triển của kinh tế số nếu không có sự tham gia của các công ty tư nhân. Tuy nhiên điều này đòi hỏi cần cách tiếp cận cân bằng giữa hỗ trợ và quản lý trong các chính sách của nhà nước về kinh tế số.

Nhiều ý kiến phát biểu tại tọa đàm cũng chỉ rõ sự xuất hiện của nền tảng kỹ thuật số đã giúp các doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trực tuyến, tiếp cận thị trường toàn cầu; làm giảm giá thành, mang lại hiệu quả mới, cơ hội tăng trưởng mới nhưng cũng đưa ra những thách thức mới.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến, trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của dịch Covid-19, phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Kinh tế số, trong đó có tài chính số, ngân hàng số sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả hàng đầu phục hồi kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh EuroCham hoan nghênh những tiến bộ ấn tượng của Chính phủ Việt Nam trong Chương trình Chính phủ số năm 2020.

Trong chặng đường xây dựng Chính phủ số, các chính phủ số hàng đầu trên thế giới dựa vào tính linh hoạt, đổi mới và quy mô của điện toán đám mây nhằm giúp các công chức có những thông tin cần thiết để cung cấp các dịch vụ công tốt nhất. Các chính phủ cần tiếp cận nhanh chóng với công nghệ giúp đơn giản hóa quy trình, giảm mạnh chi phí hành chính và cho phép đổi mới để tạo ra các dịch vụ công hiệu quả và nhanh chóng.

Theo đại diện EuroCham, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, bây giờ là lúc cần thực hiện các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế số. Đồng thời, Việt Nam cũng đang thực hiện quá trình chuyển đổi số nhằm đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2025-2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi kinh tế số ứng phó với đại dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO