Sự sống hàng ngày phải duy trì bằng thuốc và hỗ trợ của máy móc, song những bệnh nhân ở xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại đang tiếp tục phải đối diện với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cũng vì thế mà những bệnh nhân ở đây đã tự thực hiện các biện pháp phòng dịch và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Hà Nội trong đợt nắng nóng. Cuộc sống của 130 bệnh nhân ở xóm chạy thận vốn đã nhọc nhằn nay lại càng vất vả hơn. Họ đang hàng ngày phải chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện khác trên địa bàn Thủ đô.
Đa phần người bệnh thuê trọ ở xóm chạy thận đều có bảo hiểm hộ nghèo nên chi phí điều trị gần như được bên bảo hiểm chi trả. Nhưng để có đủ chi phí thuốc thang bên ngoài và sinh hoạt hàng ngày để bám trụ nơi đây thì họ chỉ dám thuê nhà trọ giá rẻ.
Vừa phải chạy thận cũng đồng thời phải chống chọi lại với căn bệnh ung thư hạ họng, ông Phạm Xuân Trường (68 tuổi, Nam Định) hiện đang tạm trú ở xóm chạy thận chia sẻ: “Tôi chỉ nằm ở trong phòng thôi, khi nào chạy thận thì tôi mới ra ngoài. Hơn chục năm chạy thận trên này cũng là chừng ấy năm tôi sống xa nhà, chỉ khi nào có việc cần thiết, quan trọng thì tôi mới về vì người giờ yếu lắm. Ra ngoài lại dịch bệnh mà chúng tôi với bệnh nền sức đề kháng lại kém. Vừa rồi có nhà hảo tâm người ta phát cho chúng tôi mỗi người một lọ sát khuẩn và hộp khẩu trang để phòng tránh dịch bệnh”.
Lên chăm chồng chạy thận, bà Vũ Thị Ngát (vợ ông Trường) hơn một năm về trước còn tranh thủ đi nhặt đồng nát, kiếm thêm chi phí sinh hoạt.
Bà Ngát cho biết: “Lên chăm ông ấy, những lúc rảnh rỗi tranh thủ đi nhặt đồng nát kiếm được đồng nào hay đồng đấy. Nhưng từ năm ngoái, khi mà có dịch Covid-19 tôi cũng chỉ ở nhà cơm nước, giặt giũ phục vụ chồng điều trị bệnh tật”.
Lên Hà Nội chạy thận từ năm 2007, do dịch bệnh Covid nên hơn 1 năm nay cô Lương Thị Huyền (56 tuổi, quê Hải Dương) vẫn chưa thể về thăm nhà.
Cô Huyền tâm sự: “Căn bệnh suy thận này vất vả và khổ lắm. Chưa phải lọc máu còn được ở nhà ăn uống, kiêng khem… Nhưng khi lọc máu rồi lại phải sống xa nhà. Khi mà chưa có dịch Covid-19, những ngày không phải chạy thận cô tranh thủ đi bán chai nước trong bệnh viện, nhặt ve chai nhưng từ khi dịch bùng phát phải nghỉ. Giờ xương khớp yếu cũng không đi được nữa”.
Trước sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, những người đang ở trọ tại xóm chạy thận luôn ý thức, tự giác thực hiện những biện pháp chống dịch: “Không ai bảo ai, kể cả ngồi nói chuyện cũng phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Ai đi ra ngoài về phải sát khuẩn bằng nước rửa tay để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh” - cô Huyền cho biết.
Khoác trên mình chiếc ba lô chuẩn bị đồ đạc để vào viện chạy thận, cô Dương Thị Hoài (66 tuổi, quê Nam Định) không kìm được xúc động, cô chia sẻ: “Năm nay là năm thứ 12 cô lên đây chạy thận. Từ năm ngoái đến nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ít khi về được nhà. Cảnh cháu xa bà, mẹ xa con, mỗi người một nơi nên nhiều lúc ở trên này buồn lắm”.
Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, hơn 100 bệnh nhân đang bám trụ ở đây cũng chỉ loanh quanh trong dãy trọ lụp xụp, nhỏ hẹp.
Bà Nguyễn Thị Sự (70 tuổi, quê Bắc Giang) cũng tỏ ra lo lắng khi mà dịch bệnh lại đang có xu hướng bùng phát phức tạp: “Tôi chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai hơn 11 năm. Từ đợt dịch Covid-19 năm trước thì người ta thực hiện giãn cách, một số người phải đi rải rác các bệnh viện trên Hà Nội để chạy thận. Tôi giờ chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Đống Đa”.
Theo dõi thời sự, báo đài nắm bắt được thông tin về tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, vì thế bà Sự cũng lo lắng.
Bà Sự cho biết: “Chúng tôi chỉ khi nào phải đi chợ hay đi bệnh viện mới ra ngoài còn không thì buổi sáng chỉ ra ngoài cổng ngồi cho thoáng nhưng phải đeo khẩu trang, không tiếp xúc người ngoài”.