Chuyển đổi số nông nghiệp: Yêu cầu bắt buộc để phát triển

Lan Hương 03/12/2021 10:37

Trong cuộc điều tra, khảo sát được thực hiện ở 3 nước trong ASEAN, Việt Nam là nước có tỷ lệ nông dân quan tâm đến chuyển đổi số cao nhất. Đây là cơ hội rất lớn cho các đối tác trong chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm tiếp tục hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới…

Thu tiền tỷ nhờ chuyển đổi số

Thông tin tại diễn đàn Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội, cho biết: Tính đến tháng 11/2021, có hơn 2 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số với gần 50.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện.

Nhìn từ các làn sóng dịch Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển. Năm 2021 lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần đầu tiên “livestream” bán hàng trên không gian mạng.

Không dừng lại ở bài toán tìm đầu ra cho nông sản, trong giai đoạn cao điểm của bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, thương mại điện tử là kênh hiệu quả nhất để người dân tiếp cận với một số hàng hóa và dịch vụ. Thông qua kênh điện tử đã có hàng nghìn nông dân thu tiền tỷ từ những cánh đồng, mảnh vườn nhà mình.

Kết quả đem lại từ chuyển đổi số rất lớn tuy nhiên việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện đang có một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trình độ công nghệ chung của cả nước thấp. Theo Bộ Khoa học công nghệ, chỉ có 23% số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ.

Đánh giá từ Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, hiện nay việc chuyển số trong nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Mô hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ sản xuất cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp...) chưa tương xứng. Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản; khó tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố quyết định then chốt.

Số hóa là tất yếu

Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

“Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp, Việt Nam cần tập trung xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp số, thiết lập mạng lưới quan trắc, giám sát tích hợp trên không và dưới mặt đất phục vụ hoạt động nông nghiệp. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị và triển khai thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025” – TS. Đinh Công Thắng nhấn mạnh.

Còn theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân. Theo ông Đoàn, với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trong các yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, HTX, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.

“Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công sẽ là yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi số quốc gia thành công”- ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Đánh giá vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Việt Nam xuất khẩu tới 42-43 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ; trong đó có 10 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như lúa gạo, tôm, cá tra, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sắn, đồ gỗ…

Theo ông Tiến, đây là một số liệu, dữ liệu khổng lồ nếu không được “số hóa” hay chuyển đổi số từ các dữ liệu đơn lẻ, từ các hình thức ghi chép, thống kê khác nhau thành một kho dữ liệu để phục vụ cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp.

Hỗ trợ 2,5 triệu hộ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

“Trong năm 2021, Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ 2,5 triệu hộ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Qua đó, nông sản, đặc sản của bà con nông dân sản xuất ra có cơ hội tiếp cận được đa dạng và đông đảo khách hàng. Để hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, hiện hệ thống bưu điện Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các sở, ngành lập danh sách, lựa chọn những sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lương cao của từng hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Song song đó, nhân viên Bưu điện sẽ tư vấn, hướng dẫn từng hộ gia đình không chỉ là cách đăng kí tài khoản, thiết lập gian hàng, đăng bán sản phẩm trên sàn, quy trình vận chuyển, thanh toán mà còn chia sẻ những kinh nghiệm để tăng tương tác, thu hút sự chú ý khách hàng” - ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Công ty Bưu điện Việt Nam .

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số nông nghiệp: Yêu cầu bắt buộc để phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO