Chuyển đổi số phát triển ngành xuất bản

Phạm Sỹ 19/02/2022 07:18

Trải qua hai năm ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, những người làm công tác xuất bản đã nỗ lực tìm hướng đi mới. Với việc chuyển đổi số, ngành xuất bản đã có những bước phát triển.

Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy ngành Xuất bản phát triển, chứ không phải là sự thay thế cho sách in.

Thách thức và những kỳ vọng

Hai năm qua (2020 và 2021), là giai đoạn đầy khó khăn, thách thức đối với mọi lĩnh vực do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và ngành xuất bản cũng không nằm ngoài. Bên cạnh đó, ngành Xuất bản còn phải đối mặt với những thách thức đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Khi xuất hiện những ấn phẩm điện tử, nhiều người lo ngại về sự thất thế của sách in. Nhưng thực tế, dù số lượng sách điện tử có tăng thì sách in vẫn giữ được vị thế và vai trò. Đó là đòi hỏi phát triển cấp thiết trong thời kỳ công nghệ số nhằm thúc đẩy tương tác, phát triển không phải sự thay thế.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books: Để chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản thành công, ngành Xuất bản cũng như các đơn vị làm xuất bản cần có chương trình chuyển đổi số tổng thể, lựa chọn các đơn vị xuất bản phù hợp. Hướng dẫn và tạo ra những cơ chế hỗ trợ cho các nhà xuất bản. Bên cạnh đó cần chuẩn bị tâm thế cho việc chuyển đổi, thích ứng với thời đại.

Theo các chuyên gia, tất cả lĩnh vực nói chung và xuất bản nói riêng, chuyển đổi số là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển. Thực tế tại Việt Nam, nhiều năm nay các đơn vị đã sử dụng ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, kinh doanh, số hóa dữ liệu…

Đứng trước những khó khăn thách thức đó, nhiều đơn vị đã tự chuyển mình để đổi mới đáp ứng được những kỳ vọng trong tương lai.

Xác định hoạt động xuất bản gắn liền với công nghệ, với việc chuyển đổi số các sản phẩm, Alpha Books đã xây dựng những giải pháp, hướng đi mới như xây dựng cổng thông tin tin cậy và chất lượng về tri thức quản trị kinh doanh - cung cấp những kiến thức về quản trị kinh doanh, về các chiến lược, các mô hình kinh doanh hiện đại,… Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục sản xuất và kinh doanh ebook, audio book trên các nền tảng chính.

Một ví dụ khác trong việc ứng dụng công nghệ số như Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã tập trung cải tiến và giới thiệu sách trên sàn thương mại điện tử sách giấy và nền tảng xuất bản điện tử. Đồng thời xác định chuyển đổi số cũng nằm trong chiến lược phát triển của nhà xuất bản.

Hay như Công ty cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt, đã đẩy mạnh bán sách trên kênh online, thực hiện một số giải pháp như phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh bán sách vào nhóm khách hàng là doanh nghiệp, tập đoàn, cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, Nhà sách Tân Việt đã đầu tư nâng cấp một kênh chủ động bán sách trực tiếp đến khách hàng trong năm 2022…

Tâm thế thích ứng với thời đại

Theo các chuyên gia nhận định: Với số lượng người sử dụng các thiết bị điện tử, truy cập internet tại nước ta thì việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản có nhiều thuận lợi. Nhưng để làm được điều đó, ngành Xuất bản cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả…

Hiện nay, do nhiều nhà xuất bản vẫn còn rụt rè bên cạnh việc thiếu kinh phí đầu tư, trình độ nhân lực hạn chế, tư duy thụ động, khâu kết nối với các lĩnh vực khác còn yếu kém… đã dẫn tới tình trạng chậm trễ trong chuyển đổi số của ngành. Đặc biệt tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử chưa được ngăn chặn hiệu quả, trở thành mối lo ngại cho nhiều đơn vị muốn phát triển xuất bản điện tử.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: Khó khăn về bản quyền là vấn đề chung của nhiều quốc gia, nhưng không vì thế mà các nước chậm phát triển xuất bản phẩm điện tử. Nhiều quốc gia có tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử phát triển mạnh, sách audio tăng trưởng hơn 20%/năm, sách điện tử trung bình 20 - 22%/năm, nhưng sách in không hề giảm đi. Điều đó cho thấy sự tương tác, cộng hưởng, cùng nhau phát triển.

Thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, tạo dựng hành lang pháp lý lành mạnh thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển trong điều kiện mới, thu hút các nguồn lực và tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất bản, trong đó chủ đạo là xuất bản điện tử trên môi trường số; hoàn thiện hệ thống dữ liệu quản lý xuất bản, in và phát hành phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời triển khai các giải pháp tăng cường năng lực của các đơn vị xuất bản, in và phát hành, thực hiện chuyển đổi số theo hướng: Nâng cao chất lượng xuất bản phẩm thông qua thực hiện Đề án Chương trình sách Quốc gia; đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ đơn vị xây dựng chiến lược nhân lực. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng đội ngũ quản lý chuyên ngành, có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đặc biệt trong vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số phát triển ngành xuất bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO