Chuyển dòng vốn vào nông nghiệp

H.Hương 04/11/2016 09:05

Vốn đầu tư đã chuyển mạnh hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trên thực tế, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chỉ khi nào thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì ngân hàng mới không ngần ngại khi rót vốn. Đây còn được xem là chìa khóa để tái cơ cấu nông nghiệp.

Trồng hoa lan công nghệ cao tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Sẽ thay đổi nhiều chính sách

Tính đến 30/9/2016, tín dụng nông nghiệp đạt trên 925.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế. Nhiều ngân hàng từ việc “ sợ cho vay” lĩnh vực tam nông nay đã mạnh dạn tung ra các gói vay nghìn tỷ để hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, người nông dân, bên cạnh đó, còn có rất nhiều gói ưu đãi đối với nhiều lĩnh vực khác nhau như: xuất khẩu nông sản, sau thu hoạch, cho vay đánh đóng tàu, cho vay xây dựng nông thôn mới…

Thế nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế nhu cầu sử dụng vốn của khu vực nông nghiệp lớn hơn rất nhiều so với con số 925.000 tỷ đồng được đưa ra ở trên. Nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp cũng như nông dân mong muốn được tiếp cận nguồn vốn dễ hơn với thời hạn vay dài hơn và lãi suất thấp.

Để nâng cao hỗ trợ cho khu vực tam nông, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cũng cho biết cơ cấu tín dụng nông nghiệp thời gian tới sẽ chuyển đổi mạnh mẽ để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương. Ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp, chứ không tràn lan. Cụ thể, sẽ tập trung vốn ở các lĩnh vực như xuất khẩu nông sản, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm...

Thống đốc cũng cho biết thêm, NHNN vẫn đẩy mạnh cho vay các chuỗi liên kết, cho vay chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, và các chương trình tín dụng đã có. Tuy nhiên, các chính sách cho vay ưu đãi cũng sẽ được thu gọn lại, trên cơ sở chọn lọc.Trong thời gian tới gom lại và lựa chọn, chỉ giữ lại những chính sách ưu tiên ưu đãi đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ việc chuyển đổi kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Trong bối cảnh nông nghiệp phát triển theo chiều rộng không còn thích hợp, vấn đề là cần đưa tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp. Nếu chỉ đặt vấn đề yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, tiêu chí, điều kiện cho vay thì thực ra không minh bạch, công bằng cho ngân hàng. Việc đưa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là lời giải cho bài toán về phát triển theo chiều sâu, bài toán về thị trường, chất lượng, hội nhập và về biến đổi khí hậu. Và cũng từ đây ngân hàng không còn rụt rè khi đầu tư vào nông nghiệp nữa. Đây còn là chìa khóa để tái cơ cấu nông nghiệp.

Ngành ngân hàng cần thực hiện các chính sách cụ thể để khuyến khích
doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Dẫn vốn vào dự án lớn

Làm sao để nguồn vốn đến với tam nông nhiều hơn, hiệu quả hơn? Làm sao để có thể dẫn vốn vào các dự án nông nghiệp lớn phát huy tác động lan tỏa?
Giới chuyên gia nhận định, cần nhất là rà soát và hoàn chỉnh các chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, chính sách về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn, đặc biệt là chính sách tích tụ ruộng đất. Các bộ ngành và chính quyền địa phương thúc đẩy ký kết hợp đồng liên kết và có chế tài bảo đảm thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân để tránh việc phá vỡ hợp đồng.

Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp được ví như là sếu đầu đàn ( Hòa Phát, VinGroup, Thành Thành Công, TH…) đã đầu tư mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao. Song chỉ từng ấy cái tên chưa đủ và chưa xứng với tiềm năng nông nghiệp Việt Nam. Bởi theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, cả nước có 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 10 khu nông nghiệp công nghệ cao. Song ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao, hiện cả nước mới chỉ có 22 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, trong số hàng ngàn doanh nghiệp nông nghiệp. Nguyên nhân là, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư công nghệ, trong khi đây lại là lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu.

Giới chuyên gia bình luận, ngành ngân hàng cần thực hiện các chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhiều hơn nữa. Với những doanh nghiêp có tổ chức quy hoạch vùng sản xuất, tạo quỹ đất sạch thì cần được tháo gỡ kịp thời vướng mắc về vốn.

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ NN&PTNT) , việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học, mà rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp, nông dân. Doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ trong ngành, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, đưa doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết được vấn đề vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

“Có rất nhiều nguyên nhân khiến ngân hàng e ngại cho vay nông nghiệp. Thứ nhất, tín dụng nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro rất cao, chi phí hoạt động lớn, song khách hàng lại đòi hỏi lãi suất cho vay thấp. Các ngân hàng thương mại cổ phần do áp lực lợi nhuận lớn, mạng lưới chi nhánh mỏng… nên vẫn chuộng cho vay các lĩnh vực tỷ suất lợi nhuận cao hơn, tập trung ở các địa bàn thành phố, đô thị, hơn là cho vay nông nghiệp. Thứ ba, các đối tượng vay vốn ở nông thôn thường thiếu tài sản đảm bảo. Ngoài ra, việc thiếu các sản phẩm đặc thù, thủ tục rườm rà, tín dụng đen phát triển, bảo hiểm nông nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thí điểm… cũng là những nguyên nhân khiến tín dụng nông nghiệp ở thế khó” - Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển dòng vốn vào nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO