Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo chiêu thức lừa đảo bằng Deepfake giả giọng nói, khuôn mặt người thân

Hoàng Chiến 09/03/2023 19:55

Gọi video để giả làm người thân vay tiền, chuyển tiền bằng công cụ giả lập sâu (Deepfake) đang diễn biến ngày càng phức tạp với số lượng nạn nhân sập bẫy liên tục gia tăng.

Thêm nạn nhân “sập bẫy”

Trường hợp chị V.T.M. (26 tuổi, Long Biên - Hà Nội) là một ví dụ điển hình gần đây. Theo đó, chị M. nhận được tin nhắn mượn tiền từ tài khoản Facebook của một người thân bên nước ngoài nhắn đến Facebook với nội dung nhờ chuyển tiền vào một số tài khoản 75 triệu đồng. Lúc này, vì tin tưởng, chị M. nghĩ đây là người thân trong nhà nên không chần chừ chuyển tiền.

Chị M. cho hay, khi nhận được tin nhắn hỏi vay tiền của người thân, bản thân cũng đã cẩn thận gọi video lại để kiểm tra thì thấy hình ảnh đúng là bạn mình. Chị đã chuyển khoản luôn cho bạn vay. Nhưng đến tối, thấy trên trang cá nhân của người thân đăng bài thông báo việc bị kẻ gian hack nick facebook để hỏi vay tiền một số bạn bè và người thân. Chị M. gọi điện lại cho bạn thì bạn xác nhận đấy chính là kẻ xấu lừa đảo.

Ảnh minh hoạ: H.Chiến.

Đáng nói, khi chị M. gọi xác nhận, phía đầu dây bên kia vẫn hiện lên khuôn mặt và giọng nói của người thân. Tuy nhiên, âm thanh rất khó nghe, hình ảnh cũng nhòe giống như sóng chập chờn, thế nhưng cách xưng hô hoàn toàn chính xác, đúng âm điệu và cách xưng hô.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, hành vi giả video call lừa tiền là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ và tính chất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Các đối tượng có thể bị xử phạt về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hoặc bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù, đây không phải là thủ đoạn mới, nhưng có thể thấy các chiêu thức của các đối tượng ngày một tinh vi. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi hỏi vay mượn tiền, tránh việc xác nhận qua video call. Thay vào đó, nên xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại hoặc có thể gặp trực tiếp để trao đổi thông tin chính xác trước khi chuyển tiền.

Bên cạnh đó, nên cẩn trọng với các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không nên để lộ quá nhiều thông tin riêng tư như số nhà, số căn cước công dân... Đây cũng là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi.

Ngoài ra, ngay khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo, rơi vào bẫy của các đối tượng, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để được giải quyết và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Chủ động cảnh giác

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia an ninh mạng, Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam cho biết, tình trạng lừa đảo thông qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện thoại đã không còn mới. Thay vào đó, kẻ gian sử dụng các hình thức mới, đánh trực diện vào lòng tin của nạn nhân để xây dựng kịch bản lừa đảo.

Ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia an ninh mạng, Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam.

Trong đó có việc sử dụng công nghệ Deepfake (giả lập sâu) trong AI để làm giả video call nhằm mục đích lừa đảo đang được các đối tượng này khai thác để làm tăng độ tin cậy của “con mồi”. Cụ thể, các đối tượng sẽ chủ động thực hiện các cuộc gọi video call đến nạn nhân từ những hình ảnh, video đã được “ăn cắp” trước đó và xử lý kĩ thuật, làm méo mó âm thanh hoặc giả sự cố hình ảnh để lấy lòng tin nạn nhân. Thông thường, các cuộc gọi này rất ngắn, chỉ kéo dài vài giây rồi lấy lí do mạng chập chờn, đi ngoài đường… để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền.

Chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng AI để lừa đảo trên không gian mạng sẽ có thể gia tăng đáng kể trong thời gian tới. Do vậy, người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của mình. Đặc biệt là khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi, đường links lạ.

“Chậm lại” và không thực hiện theo yêu cầu ngay lập tức là điều kiện tiên quyết để tránh sập bẫy lừa đảo. Khi nhận bất kỳ tin nhắn vay mượn tiền thông qua mạng xã hội, người dân cần điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh chính xác người đang liên hệ với mình là ai với thời gian tối thiểu trên 30 giây hoặc gặp mặt trực tiếp. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo chiêu thức lừa đảo bằng Deepfake giả giọng nói, khuôn mặt người thân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO