Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tái diễn trò lừa khóa thuê bao di động

Linh Trang 16/03/2023 09:00

Khoảng tháng 9/2022 các cuộc gọi lừa đảo dưới hình thức "khoá thuê bao" và yêu cầu nâng cấp, qua đó lừa chiếm đoạt SIM rồi chiếm tài khoản ngân hàng của người dùng đã bùng phát, chuyên gia cảnh báo rằng, chiêu trò này có thể tái xuất trở lại trong thời gian này.

Vừa qua, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có kế hoạch triển khai chuẩn hoá thông tin thuê bao. Theo đó, những trường hợp sử dụng sim thuê bao di động có thông tin không đúng quy định hoặc chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ nhận được thông báo từ nhà mạng từ ngày 15/3.

Nhà mạng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cập nhật dữ liệu. Nếu thuê bao không thực hiện sau 15 ngày thông báo, thuê bao sẽ bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều và dừng 2 chiều khi không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. Sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hoá thông tin cá nhân theo quy định.

Hành động quyết liệt này của Bộ TT&TT nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng sim điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Tuy nhiên, việc khóa thuê bao di động trong khoảng thời gian này lại dấy lên lo ngại tái xuất trò lừa đảo, đe dọa khóa số điện thoại từng "nở rộ" trong năm 2022. Khi đó, kẻ gian giả danh cơ quan chức năng, nhân viên nhà mạng để yêu cầu người dùng nâng cấp thẻ SIM hoặc khai báo thông tin cá nhân rồi lợi dụng dữ liệu đó để chiếm đoạt SIM, tài khoản ngân hàng.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ tại Công ty công nghệ an ninh mạng Quốc gia Việt Nam NCS, nỗ lực của cơ quan nhà nước trong việc chuẩn hóa thông tin sẽ tiến tới việc quản lý SIM chặt chẽ hơn, giúp loại bỏ tình trạng SIM rác nhưng cũng cần chú ý nguy cơ lừa đảo khóa thuê bao trở lại, do đó "người sử dụng cần hết sức cảnh giác, đề phòng".

Ông Ngọc Sơn nhận định theo thông tin được cơ quan quản lý đưa ra, chi tiết về thuê bao phải trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư sẽ gây bối rối cho đa số người sử dụng. "Các thuê bao đã sử dụng từ rất lâu, thông tin đăng ký như số CMND, hộ khẩu thường trú có thể không còn đúng với thông tin mới nhất được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu dân cư, ví dụ như đã bỏ CMND cũ và thay bằng số CCCD mới, hộ khẩu thường trú cũng có thể thay đổi trong quá trình sinh sống", vị chuyên gia công nghệ lý giải.

Trường hợp người dùng không rõ thông tin có trùng khớp hay không sẽ có tâm lý chờ đợi thông báo từ nhà mạng. Sự "bất an" này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để gửi tin nhắn giả mạo, lừa đảo người tiêu dùng tiến hành các thao tác như kích hoạt lại SIM, đăng ký lại thông tin... dẫn đến rủi ro mất SIM hay dữ liệu cá nhân, thất thoát tài chính.

Chuyên gia NCS đánh giá, việc nhà mạng gửi tin nhắn từ brandname (tin nhắn định danh) để hướng dẫn thuê bao có thông tin chưa chuẩn cũng có thể bị lợi dụng. "Chúng ta đã chứng kiến hình thức gửi tin nhắn brandname giả mạo phổ biến thời gian qua. Nguy cơ này hoàn toàn có thể tái xuất".

"Vì vậy kể cả trong trường hợp nhận được thông báo từ brandname của nhà mạng, người dùng cũng cần hết sức cảnh giác đề phòng, xác minh lại qua kênh thứ 2 như gọi điện trực tiếp tới nhà mạng hoặc cẩn thận hơn thì đến điểm giao dịch để xác minh lại", ông Vũ Ngọc Sơn khuyến cáo.

Cảnh giác trước các số lạ gọi đến.

Trong ngày hôm nay (15/3), Cục Viễn thông cũng đã gửi văn bản đến các nhà mạng đề nghị triển khai giải pháp đảm bảo thuê bao phát triển mới được chuẩn hóa thông tin theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, cơ quan quản lý đề nghị doanh nghiệp viễn thông rà soát, ban hành, cập nhật quy trình, quy định về phát triển, đăng ký thông tin thuê bao nhằm bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các cam kết với Bộ chủ quản cũng như yêu cầu tại văn bản chỉ đạo của Cục.

Nhà mạng có trách nhiệm phổ biến, quán triệt nội dung liên quan tới các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và nhân viên trực tiếp thực hiện đăng ký, phát triển, chuẩn hóa thông tin thuê bao theo đúng quy định.

Cục Viễn thông sẽ báo cáo tới Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý nghiêm vi phạm, trong đó có đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin chưa đầy đủ hoặc không chính xác; bán và lưu thông trên thị trường SIM số đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tái diễn trò lừa khóa thuê bao di động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO