Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng: Doanh nghiệp trong vai trò ‘bà đỡ’ cho nông sản

Hải Nhi (thực hiện) 12/09/2021 13:30

“Cho đến lúc về hưu tôi mới nghiệm ra rằng phải hợp tác với doanh nghiệp mới có đủ tiềm lực hiện thực hóa các ý đồ của các nhà khoa học. Như việc tìm thị trường cho quả mắc ca, nếu không có doanh nghiệp (DN) chúng tôi không thể thành công như ngày hôm nay”, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng chia sẻ.

PV:Thưa ông, có ý kiến cho rằng hiện vẫn chưa có nhiều DN tư nhân đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Và đó cũng là một trong những điểm nghẽn khi tìm đầu ra cho nông sản. Nhưng trường hợp cây mắc ca lại là một ngoại lệ, khi chúng ta trồng không đủ để xuất khẩu?

Ông Nguyễn Lân Hùng: Cây mắc ca được GS Hoàng Hòe và cố Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Công Tạn quan tâm ngay từ năm 1992. Họ đã đưa cây mắc ca từ Australia về và giao cho một số đơn vị của ngành lâm nghiệp nghiên cứu. Nhưng có lẽ do kinh phí hạn hẹp và hiểu biết về cây mắc ca còn ít nên kết quả nghiên cứu không được như mong muốn. Nó gần như bị quên lãng!

Sau đó, ông Nguyễn Công Tạn quyết định cho trồng mắc ca ở Lạng Sơn, rồi đưa cây mắc ca vào Tây Nguyên, đầu tiên ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Chúng tôi vào Tây Nguyên tổ chức hội thảo, ông Nguyễn Công Tạn, lúc đó đã nghỉ hưu cũng vào tham gia. Tôi còn nhớ chính anh giám đốc khuyến nông của tỉnh nói rằng: Các bác đưa cây mắc ca vào trồng, làm không cẩn thận lại thành cây mắc cạn đấy (!).

Thế nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm và hiệu quả ngày càng thấy rõ. Lúc đầu chúng tôi nghĩ chỉ trồng mắc ca ở Tây Nguyên là chính, nhưng sau nghiên cứu Tây Bắc cũng có thể trồng loại cây này.

Giai đoạn đầu cũng khổ, bởi ngay các lãnh đạo Bộ cũng không ủng hộ, nhưng chúng tôi quyết tâm lắm. Nói thật là tôi phải đấu tranh rất nhiều. Và người dân đã trồng thành công, những mô hình dân làm đầu tiên ngày càng rõ lên, ví dụ như nhà bác Lê Đức Ba ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Bác trồng từ ngày đầu, tôi đã đưa rất nhiều đoàn vào thăm mô hình nhà bác Ba. Rồi có gia đình một người Mông ở Tây Bắc đã thu nhập 1 tỷ đồng/ vụ từ trồng mắc ca…

Nhưng đã có thời điểm xuất hiện không ít ý kiến trái chiều về cây mắc ca?

- Vâng, rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chúng tôi thấy nhiều nước trên thế giới trồng cây mắc ca cho hiệu quả rất lớn. Đặc biệt những mô hình thử nghiệm đầu tiên ở Việt Nam là rất thành công. Phải nói bắt đầu làm thì người ta chưa tin lắm, nhưng người dân bắt đầu trồng, chỉ đến năm thứ 3 là ra bói, năm thứ tư là được nhiều và cho thu hoạch. Với quả mắc ca nhu cầu của thế giới hiện nay là rất lớn.

Từ Australia, mắc ca được đưa sang trồng ở Mỹ, Trung Mỹ, Brazil, Kania, Nam Phi, Trung Quốc, Thái Lan và cả Việt Nam, nhưng đến nay loại cây này mới giải quyết được 1/3 nhu cầu thị trường của thế giới.

Việt Nam đã đưa quả mắc ca sang Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc... Hiện vẫn còn nhiều thị trường tiềm năng như châu Âu, cả vùng Tiểu Á, Trung Á, các quốc gia đạo Hồi 2 tỷ dân mình cũng chưa khai thác.

Chính ông Chủ tịch Hội mắc ca Australia sang Việt Nam tham quan mô hình trồng mắc ca ở Việt Nam đã nhận định, Việt Nam khả năng trồng cây mắc ca nhiều hơn Australia.

Với Việt Nam chúng tôi trước đây chúng tôi nghĩ chỉ có thể trồng ở Tây Bắc, Tây Nguyên, không ngờ hiện nay Tây Bắc là số 1 về trồng mắc ca. Với tỉnh Thanh Hóa, một địa phương trồng mắc ca không nhiều nhưng người nông dân ở đây nói rằng, so với các cây trồng ở đây thì không loại cây nào cho hiệu quả vượt cây mắc ca. Hiện nay những mô hình ngày đầu cho thu nhập rất ổn định và ngày càng cao.

Ngoài ra, cây mắc ca còn là cây lâm nghiệp đa tác dụng. Trồng cây phủ rừng, cây lại mang thu nhập cao cho dân hơn các loại cây nông nghiệp. Chu kỳ thu nhập của cây mắc ca trung bình từ 50-60 năm. Nhưng bên Australia minh chứng trên 60 năm cây vẫn nhiều quả và tạo thành rừng. Ta có một rừng cây phủ lên vùng đất trống, đồi núi trọc.

Cái hay của loại cây này là vào được vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người, và nó giúp người dân có thể thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Từ chỗ là một loại cây xa lạ, thậm chí bị nhiều người phản đối nhưng dần dần, mắc ca càng ngày càng được khẳng định đó là một loại cây lâm nghiệp đa tác dụng đầy triển vọng. Nhưng ông vẫn nhấn mạnh thành công đó có sự đóng góp của DN?

- Vâng, một ngoại lệ mà chúng tôi đang được thụ hưởng, đó là việc nghiên cứu về cây mắc ca của một DN đã sớm nhìn thấy hiệu quả của loại cây này. Không có DN cây mắc ca không thể thành công như ngày hôm nay. Trước hết, họ tập hợp các nhà khoa học để làm sáng tỏ giá trị của cây mắc ca và triển vọng phát triển nó ở Việt Nam. Sau đó, họ bỏ tiền để cử nhiều đoàn đi tham quan các cơ sở đã trồng mắc ca trên khắp thế giới.

Tiếp theo, họ quyết định xin Chính phủ cho thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Tất cả các vùng có điều kiện trồng được mắc ca đều được thành lập các chi hội mắc ca. Công việc được tiến hành từng bước vững chắc. Mọi chi phí ban đầu đều do DN gánh chịu. Trong Hội nghị tổng kết mới đây tại Tây Nguyên, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nhận định, trong vòng 10 năm tới, cây mắc ca sẽ đem về cho Việt Nam doanh thu khoảng 1 tỷ USD/năm.

Trong vòng 10 năm tới, cây mắc ca được kỳ vọng sẽ đem về cho Việt Nam doanh thu khoảng 1 tỷ USD/năm.

Như ông chia sẻ, cho đến lúc về hưu mới nghiệm ra rằng phải hợp tác với DN mới có đủ tiềm lực thực hiện các ý đồ của các nhà khoa học. Như vậy là nếu không có DN, các đề tài khoa học rất khó được hiện thực hóa?

- Tôi có đề nghị, các đề tài nghiên cứu thì giao cho cơ quan khoa học, những đề tài sản xuất, ứng dụng thì nên giao cho DN. DN sẽ chọn thuê nhà khoa học có khả năng tham gia để cùng phối hợp lo đầu ra cho sản phẩm. Để khoa học phát triển phải có sự tham gia của DN, thậm chí DN là động lực, quyết định. Ví dụ, như cây mắc ca, không có DN, chúng tôi không thể nào làm được. Vấn đề là DN thấy hiệu quả thì họ sẽ đầu tư chứ không phải họ vung tiền.

Cũng phải nói rằng, trong xét duyệt đề tài, lâu nay mình còn hay “cả nể”, do đó Nhà nước chi rất nhiều kinh phí cho nghiên cứu đề tài, thậm chí có đề tài nghiên cứu nhiều tỷ đồng nhưng hiệu quả lại chưa cao. Như ở vùng biên Cao Bằng, đến nay người dân vẫn khổ, vẫn ăn toàn ngô. Nếu không giải quyết được họ vẫn sống trong cảnh không có điện, không có đường đi. Tôi kiến nghị cần kiểm tra lại việc duyệt đề tài khoa học, chứ tiền đầu tư rất nhiều nhưng đề tài rút đi thì lại đâu vào đó, họ chỉ làm một cách hình thức.

Nếu cũng đề tài đó giao cho DN, tôi chắc họ sẽ gắn bó ở đó, đầu tư vào tổ chức sản xuất. Có thu mua, chế biến, như vậy mới thành công được. Vậy nên, vai trò của DN đến giai đoạn này là rất lớn. Như trường hợp cây mắc ca là một bài học, có rất nhiều vấn đề chúng ta cần mời gọi DN vào cuộc. Đặc biệt là ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa hiện nay.

Còn một việc nữa là làm thế nào để DN hiểu trên mặt trận nông nghiệp có gì. Nhà khoa học và DN phải tìm ra những cái mới để có thể biến thành hàng hóa, phải giúp người dân sản xuất ra thứ hàng hóa thị trường cần. Đồng thời phải thúc đẩy sản xuất để có thể có thu mua cho người dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Tôi cho rằng tiềm năng sinh học của Việt Nam là cực kỳ lớn, vấn đề làm thế nào để phát huy hết tiềm năng sinh học đó thì vai trò của các nhà khoa học quan trọng, nhưng vai trò của DN cũng rất lớn, vì họ vừa phải tổ chức các nhà sản xuất, vừa tổ chức các nhà nghiên cứu, vừa tiêu thụ và chế biến. Cho nên cần đưa DN tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học. Đó phải là cuộc cách mạng”, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng quả quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng: Doanh nghiệp trong vai trò ‘bà đỡ’ cho nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO