Chuyển hàng lậu bằng đường... bưu chính

Minh Phương 06/10/2020 06:05

Thương mại điện tử phát triển đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chuyển phát hàng hóa, nhất là dịch vụ chuyển phát qua bưu chính. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là các đối tượng làm ăn phi pháp đang lợi dụng để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.

Cơ quan chức năng bắt giữ hàng hóa vi phạm.

Trà trộn hàng lậu vào dịch vụ bưu chính

Thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn hàng lậu thông qua dịch vụ bưu chính. Theo nhận định của cơ quan này, dịch vụ chuyển phát qua bưu chính đang bị các đối tượng lợi dụng như một phương thức mới cho việc kinh doanh hàng cấm, hàng lậu.

Trung tuần tháng 9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 phối hợp với Đội 389 tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện một xe ô đang vận chuyển hàng hóa từ Bưu cục Viettel Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng đi huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe đang vận chuyển 10 loại hàng hóa, có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam, mặc dù thời điểm đó, lái xe xuất trình được hóa đơn và khi đối chiếu thực tế hàng hóa đang vận chuyển trong xe ôtô với tờ hóa đơn bán hàng, số lượng, chủng loại hàng hóa đều phù hợp, không phát hiện hàng hóa thừa so với hóa đơn hoặc hàng hóa vi phạm khác.

Tuy nhiên, xét thấy hàng hóa chưa rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm, đoàn kiểm tra đã tiến hành làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết quả là, Đoàn kiểm tra đã xác định hộ kinh doanh Chương Thị Hương, địa chỉ: Số 188A, đường Trục Chính, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã mua gom hàng hóa nhập lậu, lập hóa đơn xuất bán cho người mua hàng, sau đó gửi hàng qua Bưu cục Viettel Tân Thanh về huyện Bắc Sơn. Đối tượng vi phạm đã bị thu giữ số hàng hóa buôn lậu đồng thời phải nộp lai số tiền buôn lậu bất hợp pháp.

Trước đó, hồi tháng 7, Tổng cục QLTT cũng phát hiện nhiều vụ việc mà các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính viễn thông để vận chuyển hàng lậu. Trong đó phải kể đến là vụ phát hiện hơn 100.000 sản phẩm gồm chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, giả xuất xứ và các vi phạm khác.

Toàn bộ số hàng này được đóng trong các thùng carton, bao tải, túi nilon, bên ngoài có dán các thông tin về chủ hàng, được tập kết tại cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong (nằm trong khuôn viên cảng ICD Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để chuẩn bị chuyển phát.

Một trong những sự vụ khá “khủng” lợi dụng đường bưu chính để vận chuyển hàng lậu cần phải được nhắc đến là vụ kho hàng lậu 10.000 m2 tại Lào Cai được lực lượng QLTT triệt phá cách đây không lâu. Các đối tượng cũng đã sử dụng phương thức vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc đưa đến các đại lý bằng đường chuyển phát nhanh.

Còn theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 9 vụ việc lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng nhập lậu.

Tăng chế tài

Có thể thấy, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), bên cạnh những mặt tích cực, cũng đã phát sinh những tiêu cực.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ hoành hành trên thị trường truyền thống mà còn đang “lấn sân” mạnh mẽ sang sàn TMĐT. Vấn nạn này lâu nay vẫn luôn là nỗi nhức nhối của xã hội, nó khiến người tiêu dùng mất niềm tin, và gián tiếp làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, kể từ ngày 15/10/2020, khi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức… Trong đó, các hành vi vi phạm trên sàn TMĐT cũng sẽ bị xử lý mạnh tay.

Nhiều người kỳ vọng, Nghị định với sự gia tăng chế tài sẽ là “gọng kìm” siết chặt tình trạng hàng lậu, hàng giả hàng nhái… đang tác động xấu tới sản xuất trong nước.

Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, các chi cục hải quan cửa khẩu liên tục tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, loại hình này luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để trà trộn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển hàng lậu bằng đường... bưu chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO