Chuyện ít biết về điều trị F0 không triệu chứng

Nguyễn Quốc 10/09/2021 06:13

Theo bác sĩ Trần Xuân Thịnh, trong quá trình thực hiện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, việc chăm sóc và động viên tinh thần để người bệnh yên tâm hợp tác điều trị là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiếp nhận hơn 15.000 công dân trở về quê từ TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Đến nay trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận hơn 700 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Và để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến trong toàn tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định thành lập Cơ sở cách ly tập trung người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng với quy mô 500 giường (đặt tại Trường Cao đẳng nghề số 23) và chính thức đưa vào hoạt động kể từ ngày 23/8.

Trong tuần đầu đầu tiên đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày cơ sở cách ly tập trung người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng (Cơ sở cách ly T2-F0) đã tiếp nhận từ 25-30 ca bệnh. Đa số bệnh nhân không triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ như ho, sốt nhẹ, đau họng, mệt mỏi.

Thiếu tá Nguyễn Trung Giang, Khung trưởng khung T2-F0 cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, cơ sở này đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 200 bệnh nhân mắc Covid-19 (F0) không triệu chứng.

Hiện nay, tại cơ sở đang có 52 cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế được phân công làm nhiệm vụ. Trong đó, lực lượng quân đội, dân quân tự vệ là 25 người và lực lượng y tế là 27 người trực thuộc Bệnh viên Trường Đại học Y Dược Huế và Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy đảm nhiệm.

Quá trình theo dõi và điều trị các bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, các y bác sĩ và điều dưỡng tại đây đều được phân công cụ thể theo từng nhóm nhằm đảm bảo luân phiên trực 24/24h để nhận bệnh nhân từ các nơi chuyển đến và xử lý các tình huống cấp cứu khi có yêu cầu. Tất cả quy trình tiếp đón, phân loại, chăm sóc, điều trị bệnh nhân cho đến đánh giá tiêu chuẩn ra viện đều được thực hiện thống nhất theo quy định của Bộ Y tế.

Bác sĩ Trần Xuân Thịnh, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức cấp cứu chống độc, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế cho biết, đoàn y tế của bệnh viện là đoàn đầu tiên tham gia công tác thu dung, điều trị bệnh nhân tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng.

Là nhóm đầu tiên nên theo Bác sĩ Thịnh, trong quá trình thực hiện cũng có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong công việc. Tuy nhiên, qua thời gian đội ngũ y bác sĩ cũng đã từng bước khắc phục dần các thiếu sót.

Bác sĩ Trần Xuân Thịnh cho rằng, trong quá trình thực hiện điều trị cho bệnh nhân Covid-19, việc chăm sóc và động viên tinh thần để người bệnh yên tâm hợp tác điều trị, vượt qua bệnh tật là một nhiệm vụ rất quan trọng.

“Ngoài theo dõi triệu chứng trực tiếp hai lần mỗi ngày, chúng tôi cũng đã kết nối với người bệnh thông qua mạng xã hội Zalo trên điện thoại để kịp thời trao đổi, hướng dẫn và động viên tinh thần bệnh nhân. Cùng với đó, đơn vị còn thiết kế các bảng hướng dẫn về tự chăm sóc và theo dõi triệu chứng, số điện thoại bác sĩ và điều dưỡng sau đó được dán sẵn tại các phòng bệnh để bệnh nhân nắm và dễ dàng liên hệ khi cần thiết” - Bác sĩ Thịnh cho biết.

Thiếu tá Nguyễn Trung Giang cho biết, sau hơn 2 tuần đi vào hoạt động, đến nay tại cơ sở cách ly T2 - F0 đã có 81 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và cho xuất viện, về cách ly và theo dõi tại địa phương. Chỉ có 3 bệnh nhân nặng phải chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để tiếp tục điều trị. Hiện, cơ sở cách ly T2 vẫn đang tiếp tục điều trị cho 150 bệnh nhân mắc Covid-19 không triệu chứng.

“Đối với những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây, ai nấy đều quyết tâm hoàn thành tốt công việc và trách nhiệm của mình. Niềm vui lớn nhất đối với những người làm nhiệm vụ tại đây là khi các ca mắc Covid-19 không còn nữa, các công dân đang điều trị ở đây đều có kết quả xét nghiệm âm tính, nhanh chóng hồi phục sức khỏe để được trở về địa phương” - Thiếu tá Nguyễn Trung Giang tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ít biết về điều trị F0 không triệu chứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO