Chuyện kể từ Bảo tàng Mặt trận

Tiến Đạt 18/11/2020 09:55

Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nơi lưu giữ truyền thống lịch sử hào hùng, những cột mốc đáng nhớ của người làm công tác Mặt trận trong suốt chiều dài lịch sử 90 năm vẻ vang. Mỗi câu chuyện được kể từ bảo tàng giúp công chúng hiểu hơn về những giá trị lịch sử, đặc biệt là đóng góp lớn lao của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Mặt trận qua các thời kỳ tham quan Bảo tàng Mặt trận.

Bảo tàng MTTQ Việt chính thức được thành lập vào ngày 15/5/2020, thay thế Phòng Truyền thống MTTQ Việt trước đó. Đây là một trong những công trình chào mừng 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Theo ông Tạ Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ - Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, bảo tàng là nơi lưu giữ, trưng bày hơn 300 tài liệu, hiện vật giới thiệu khái quát về sự hình thành, phát triển của MTTQ Việt qua các chặng đường lịch sử.

Không gian trưng bày của Bảo tàng MTTQ Việt Nam được sắp xếp theo ba giai đoạn lịch sử: giai đoạn (1930-1955), giai đoạn 1955-1976 và giai đoạn 1977 đến nay cùng chân dung các vị Chủ tịch MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ.

Với nhiệm vụ giới thiệu các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng sẽ giúp cho khách tham quan hiểu đầy đủ và sâu sắc, tự hào hơn về truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam, đồng thời ý thức trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bảo tàng cũng là nơi khai thác giá trị của các hiện vật, là nơi để nghiên cứu, phổ biến tri thức khoa học, lịch sử, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập… của các tầng lớp nhân dân.

Từ khi Bảo tàng MTTQ Việt Nam được thành lập, công tác nghiên cứu đã được cán bộ làm công tác bảo tàng đẩy mạnh triển khai, nhiều đề tài khoa học cấp bộ, cấp cơ sở về vấn đề bảo tàng, nhiều hội thảo về bảo tàng đã được tổ chức thường niên, làm cơ sở vững chắc, căn cứ cho hoạt động sưu tầm.

Qua 3 kỳ sưu tầm hiện vật vào các năm 2018 tại TP Hồ Chí Minh, năm 2019 và 2020 tại Hà Nội, tổng số hiện vật được hiến tặng, sưu tầm đã lên đến số lượng hàng nghìn, với đầy đủ thể loại hiện vật: ảnh, tư liệu bằng giấy, kim loại, sành sứ, gỗ,... trong đó có nhiều hiện vật quý, gắn liền những dấu mốc quan trọng trong chiều dài lịch sử của Mặt trận.

Từ năm 2018 đến nay, các cán bộ bảo tàng đã tiến hành nhiều đợt khảo sát và sưu tầm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại khu vực miền núi phía Bắc, đoàn khảo sát tập trung vào các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Nơi đây gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như: Mặt trận Việt Minh ra đời tại Pác Bó, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt năm 1951 tại Tuyên Quang,...

Tại khu vực miền Trung, đoàn khảo sát đã đến nơi có vết tích gắn với sự kiện xuân Mậu Thân năm 1968 và các nhân sĩ trí thức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, khu di tích Nước Oa cùng nhiều điểm di tích gắn với những nhà lãnh đạo qua các thời kỳ của MTTQ Việt Nam.

Tại khu vực miền Nam, đoàn đã tiến hành khảo sát tại căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh, gặp gỡ gia đình các vị nguyên lãnh đạo Mặt trận, các nhân chứng đã từng tham gia kháng chiến tại TP Hồ Chí Minh.

Hành trình khảo sát, sưu tầm cổ vật của đoàn luôn có sự giúp đỡ của MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố cùng sự hưởng ứng, chỉ dẫn nhiệt tình của người dân.

Bên cạnh sự trợ giúp đó, theo bà Bùi Thị Hoàn, để đạt được thành quả sau mỗi chuyến đi, các thành viên trong đoàn khảo sát không chỉ nghiên cứu địa bàn, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm về sự kiện, hiện vật lịch sử mà cần có sự thấu hiểu tâm tư của gia đình những nhân sĩ, trí thức, từ đó tạo được thiện cảm, sự ủng hộ và hợp tác trong công việc sưu tầm.

Với sự tâm huyết, yêu lịch sử, yêu đất nước, đam mê công việc, những cán bộ làm công tác bảo tàng không ngừng học hỏi kiến thức, đào sâu nghiên cứu, tiếp thu nhiều phương pháp sưu tầm hiệu quả, tiết kiệm, tránh trùng lắp, đem về nhiều cổ vật quý giá trưng bày tại Bảo tàng MTTQ Việt Nam.

Tại một góc trưng bày tại Bảo tàng MTTQ Việt Nam, trong không gian trưng bày giai đoạn 2 (1955-1976) là những hiện vật gốc do cựu cán bộ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng vào tháng 11/2018.

Qua lời kể của các cán bộ sưu tầm, đây là những hiện vật gắn với quá trình hoạt động của các vị lãnh đạo, các cán bộ, chiến sĩ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Những chiếc danh thiếp của những vị lãnh đạo dùng để ra vào tại khu căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tây Ninh.

Được biết, khu căn cứ là vùng bí mật, hạn chế người ra vào. Do đó, những tấm thẻ có tác dụng cung cấp tên, chức danh, thông tin cá nhân của người sở hữu, đồng thời có ý nghĩa tuyên truyền về tư cách lãnh đạo của những vị này.

Trong những hiện vật tại bảo tàng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến chiếc radio do gia đình Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát hiến tặng. Theo lời kể lại của đại diện gia đình, chiếc radio được Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát sử dụng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ để nghe thông tin về tình hình thời sự trong nước, quốc tế, tin chiến thắng tại chiến trường gửi về và cả những bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua sóng radio,...

Cạnh đó, chiếc nồi được làm từ vỏ quả bom bi ném xuống khu căn cứ Tây Ninh do cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt tự chế. Những chiếc cốc được cấp cho cán bộ sử dụng, trên đó có in hình lá cờ Tổ quốc...

Với 50 năm công tác ở MTTQ Việt Nam, trong đó có 7 nhiệm kỳ liên tiếp là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, những tấm thẻ Chứng nhận Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là kỷ vật quý giá trong cuộc đời làm công tác Mặt trận của ông Nguyễn Túc.

Trong số đó, tấm thẻ Chứng nhận Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam được cấp năm 1994 bởi cố Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo là tấm thẻ có ý nghĩa hơn cả với ông bởi vào thời điểm đó, ông Nguyễn Túc cùng các vị nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là những người đầu tiên vinh dự được cấp tấm thẻ này.

Tự hào nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Nguyễn Túc chia sẻ, không chỉ mang ý nghĩa về hình thức, tấm thẻ Chứng nhận đó còn thể hiện niềm vinh hạnh, tự hào cũng như trách nhiệm của người được trao tấm thẻ. Đó là phải nói được tiếng nói của người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đa số các tầng lớp nhân dân tại khu vực được phụ trách.

“Việc hiến tặng những tấm thẻ Chứng nhận Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng nhiều hiện vật quý giá khác trong cuộc đời hoạt động Mặt trận cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam là vinh dự lớn lao, niềm tự hào khi con cháu và những đồng nghiệp sau này nhìn vào sẽ thấy được những đóng góp của mình cho MTTQ Việt Nam, cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Nguyễn Túc bày tỏ.

“Bảo tàng MTTQ Việt Nam là sự tri ân, kế thừa, tiếp thu, phát huy thành quả, công sức của các đồng chí lãnh đạo Mặt trận qua các thời kỳ, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhiều thế hệ cán bộ Mặt trận. Việc giới thiệu các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng sẽ giúp cho người tham quan hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn, tự hào hơn về truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - MTTQ Việt Nam, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại lễ khánh thành Bảo tàng MTTQ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện kể từ Bảo tàng Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO