Chuyện ở làng 'ốc đảo' Thuận Hòa

XUÂN THI 21/05/2022 14:00

Ở vùng cồn bãi sông Gianh, người dân ở làng Cồn Ngựa (thôn Thuận Hoà, xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) không chỉ làm nông nghiệp, mà còn vươn khơi bám biển, xuất khẩu lao động… Họ đã rất nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng.

Những chiếc tàu đánh bắt xa bờ của người dân thôn Thuận Hòa.

“Ốc đảo” giữa sông Gianh

Mặc dù tên gọi hành chính là thôn Thuận Hòa nhưng từ bao đời nay người dân nơi đây vẫn duy trì và gìn giữ tên làng Cồn Ngựa. Là “ốc đảo” ở giữa sông Gianh, làng Cồn Ngựa trông như bức bình phong ở phía đông nam của xã Liên Trường.

Theo gia phả họ Phạm ở làng, Cồn Ngựa được hình thành cách đây hơn 200 năm, do ông Phạm Bời - là hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ Phạm đến khai canh lập ấp. Ngày đó, để an cư lạc nghiệp, vợ chồng ông Phạm Bời đã gắn bó với nghề chài lưới trên sông Gianh. Trải qua thời gian, tính đến nay, dòng họ Phạm ở làng Cồn Ngựa đã trải qua 19 đời sinh sống trên mảnh đất này. Ghi nhớ công đức của tổ tiên đã lập làng, năm 2021, người họ Phạm làng Cồn Ngựa đã cùng nhau xây dựng ngôi nhà thờ mặt hướng ra bờ sông Gianh.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Anh Vũ, trưởng thôn Thuận Hòa cho biết, làng mang tên Cồn Ngựa là bởi có 2 lí do, trước đây ngay mảnh đất đầu làng có tảng đá lớn, hình thù giống con ngựa và vùng đất này ngày trước là nơi chăn thả ngựa của các vị quan nên dân gian quen gọi là Cồn Ngựa.

Nói về cuộc sống của người dân trong thôn, ông Vũ phấn khởi cho hay, kể từ năm 2019 khi chiếc cầu bê tông được bắc qua sông, nối liền Thuận Hòa với trung tâm xã Quảng Trường (khi chưa sáp nhập với xã Quảng Liên), cuộc sống người dân đã có nhiều đổi thay. Việc đi lại, buôn bán và kể cả xây dựng cơ sở hạ tầng của người dân trong thôn rất thuận lợi.

Nếu như trước đây, qua thôn Thuận Hòa phải đi bằng đò ngang, cầu phao, thì nay người dân đã được đi trên chiếc cầu bê tông kiên cố, ước mơ được lái những chiếc xe về tới nhà đã trở thành hiện thực, bà con trong thôn rất vui mừng… Năm 2019, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, thôn Thuận Hoà đã xây dựng nhà văn hóa với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn thôn có 40ha lúa và 18ha màu sản xuất được 2 vụ nhờ hệ thống đường ống dẫn nước ngọt vượt sông Gianh để phục vụ tưới tiêu. Tuy vậy, nhiều năm qua ở đây vẫn duy trì được một đội tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ hàng chục chiếc.

Những ngư dân làm… nông nghiệp giỏi

Với lợi thế vùng cồn bãi sông Gianh nên cùng với làm ruộng, người dân ở làng Cồn Ngựa (thôn Thuận Hòa) đã duy trì và phát triển đội thuyền đánh bắt hải sản xa bờ.

Anh Trần Tuấn Anh, cán bộ phụ trách thuỷ sản xã Liên Trường cho biết: Nằm cách bờ biển hơn 20km, người dân thôn Thuận Hòa vừa làm nông nghiệp vừa có một đội tàu đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu tăng cao, nhưng tổ đoàn kết 9 chiếc tàu thuyền ở thôn Thuận Hoà vẫn vươn khơi bám biển.

Điều đáng nói, ở thôn Thuận Hòa, khi trên biển họ là những ngư phủ giỏi đánh cá, nhưng đến mùa gặt (nếu trùng với kỳ nghỉ giữa trăng) thì những cánh tay cuộn sóng biển khơi ấy trở lại là những người nông dân đích thực. Họ cùng gia đình gặt lúa, xốc rơm, phơi thóc. Hết mùa gặt, họ lại xuống tàu làm thủy thủ đánh cá chẳng thua gì trai làng biển thực thụ.

Anh Phạm Xuân Lương, chủ tàu cá QB 93891 cho biết: Đến mùa lúa chín, anh em bạn thuyền cũng tranh thủ thời gian trăng sáng – khi tàu neo ở bờ để giúp đỡ công việc đồng áng. Có hạt lúa trong nhà chúng tôi cũng an tâm khi ra khơi.

Nói về chuyện vươn khơi bám biển, anh Lương chia sẻ thêm: Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ thủy sản gặp khó khăn, giá giảm. Cùng với đó là xăng dầu liên tục tăng giá nên tình hình đánh bắt của ngư dân không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, tàu cá của gia đình anh Lương vẫn liên tục vươn khơi, chưa bỏ chuyến biển nào nên cũng có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.

Dạo một vòng quanh thôn Thuận Hòa điều dễ dàng nhận thấy nhất đó là những con đường bê tông rợp bóng cây xanh quanh làng và những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát nhau. Theo trưởng thôn Hoàng Anh Vũ, thì những ngôi nhà cao tầng, kiên cố đó phần lớn là của ngư dân làm nghề biển và người đi xuất khẩu lao động.

Toàn thôn Thuận Hòa có 200 hộ với 730 khẩu nhưng đã có hơn 130 người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc và đều làm nghề biển. Hiện tại, trên địa bàn thôn có khoảng 50% số hộ làm nhà cao tầng với số tiền từ 2 đến 3,5 tỷ đồng. Thôn chỉ còn 10 hộ nghèo (2,1%).

Ông Vũ cho biết thêm, trên địa bàn thôn có 95% đồng bào công giáo nhưng tất cả bà con đều sống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Người dân thôn Thuận Hòa tích cực đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của quê hương như nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, kè chống sạt lở bờ sông… với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, người dân Thuận Hòa đã chung tay xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Nằm cách bờ biển hơn 20km, người dân thôn Thuận Hòa (làng Cồn Ngựa) vừa làm nông nghiệp vừa có một đội tàu đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu tăng cao, bạn nghề đi biển ngày càng ít nhưng tổ đoàn kết 9 chiếc tàu thuyền ở thôn Thuận Hòa vẫn vươn khơi bám biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ở làng 'ốc đảo' Thuận Hòa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO