Chuyện ở tâm dịch

Hoài Vũ 09/06/2021 08:00

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam mới đi qua hơn 3 tuần nhưng số ca dương tính với SARS-CoV-2 đã lên hơn 1.800 ca, xuất hiện tại 30 tỉnh, thành. Cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc chống dịch.

Ảnh: Quang Vinh.

Trắng đêm xét nghiệm

Khác với đợt dịch trước, lần này dịch bùng do biến chủng mới của Ấn Độ, nên tốc độ lây lan rất nhanh. Số người thuộc diện F1, F2, F3 được cập nhật từng buổi, thậm chí từng giờ, do liên quan đến những ca F0. Mỗi lần F1 “nhảy” thành F0 thì diện F1, F2, F3 lại được nới rộng.

Bắc Giang và Bắc Ninh là “điểm nóng” của đợt dịch lần thứ 4 với các ca mắc Covid-19 tăng liên tục. Đây cũng là 2 địa phương có nhiều người mắc nhất hiện nay trong “bản đồ dịch”. Nhất là bởi 2 tỉnh trên dịch đã đi vào các khu công nghiệp - nơi môi trường làm việc tập trung đông người, khép kín, sự lây lan rất nhanh. Chưa kể, còn tiềm ẩn lây ra cộng đồng khi đặc tính của công nhân là ban ngày làm việc tại các khu công nghiệp, còn tối lại về gia đình sinh sống tại khu dân cư.

Bắc Ninh có 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động với 332 nghìn công nhân, trong đó số lượng công nhân tỉnh ngoài là hơn 70%, công nhân đến từ Bắc Giang chiếm khoảng 10% tức là khoảng gần 30 nghìn người. Nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh từ Bắc Giang sang rất cao do đó, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Ban Quản ly khu công nghiệp Bắc Ninh nhanh chóng tạm thời yêu cầu giãn số lượng công nhân Bắc Giang đến làm việc. Mặt khác, Ban Quản lý các Khu công nghiệp cũng thành lập và kích hoạt hơn 7.615 tổ an toàn Covid trong doanh nghiệp.

Vì dịch diễn ra phức tạp, Bắc Ninh đã phải thực hiện giãn cách xã hội đối với 8/8 đơn vị hành chính cấp huyện và là địa phương được Hội đồng bầu cử quốc gia chấp thuận cho bầu cử sớm. Thành phố Bắc Ninh, huyện Thuận Thành và huyện Yên Phong áp dụng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Thị xã Từ Sơn và các huyện Tiên Du, Quế Võ, Lương Tài áp dụng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg. Trong đó, huyện Thuận Thành là địa phương có số ca mắc cao nhất tỉnh, chủ yếu tập trung ở xã Mão Điền. Công tác xét nghiệm đã được đẩy lên rất cao độ, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh trong các nhà máy, xí nghiệp. Có những ngày, Bắc Ninh đã lấy tổng số 20.625 mẫu xét nghiệm, trong đó 2.359 mẫu làm test nhanh cho công nhân của Công ty Goertek, công nhân làm ở khu công nghiệp Quang Châu và Khu công nghiệp Vân Trung tỉnh Bắc Giang.

Còn tại Bắc Giang đã cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với 4 huyện là Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang. Riêng TP Bắc Giang giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh này đã yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, xét nghiệm cho công nhân, người lao động của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, Khu Công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên vì các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 của công nhân, người lao động Công ty TNHH Hosiden Việt Nam có tỷ lệ dương tính rất cao.

Là một ổ dịch rất nguy hiểm nên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các huyện, thành phố lập tức tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngay cho tất cả công nhân, người lao động của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam đang cách ly tại nhà và đang cách ly tập trung. Vì là địa phương đứng đầu cả nước về số ca mắc nên việc khoanh vùng, xét nghiệm được dồn lực. Có những đêm Bắc Giang đã thức trắng để xét nghiệm Covid-19 cho 9.000 người tại thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên sau khi phát hiện 10 người cư trú trong thôn làm việc trong khu công nghiệp Quang Châu dương tính với SARS-CoV-2. Những ngày cao điểm, 11h30 đêm người dân đổ về xét nghiệm cộng với việc lấy mẫu xét nghiệm cho 9.000 người ngay trong đêm. Là công nhân làm việc trong Công ty Cilex, Khu công nghiệp Quang Châu, anh Bùi Xuân Đức được xác định là F3 sau khi công ty có F1 và F2 đã được đưa đi cách ly tập trung. Xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm đến 12h đêm, anh Đức chia sẻ, phải ngừng việc và cách ly là điều không ai mong muốn, nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp thì cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sẽ khoanh vùng, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nên ai nấy đều thực hiện nghiêm.

Xét nghiệm cho những người phục vụ bầu cử tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Tiếp sức cho tâm dịch

Dù là “tâm dịch” nhưng Bắc Ninh, Bắc Giang không hề đơn độc, mà ngay ở nơi nguy hiểm nhất luôn là sự sẻ chia. Một lần nữa khi đất nước lâm vào cảnh khó khăn, hoạn nạn thì tinh thần tương thân, tương ái, đại đoàn kết toàn dân tộc ta lại càng được thể hiện. Truyền thống quý báu đó đã giúp đất nước hình chữ S vượt qua bao biến cố, vững vàng đi lên. Nếu như những lần dịch trước là những “cây gạo ATM”, “siêu thị 0 đồng” thì lần này không chỉ những hỗ trợ về vật chất mà còn là sự hỗ trợ vô cùng quý giá đó là nhân lực. Dẫu biết là khó khăn, gian khổ, nhiều hiểm nguy nhưng nhiều y, bác sĩ vẫn lao vào “tâm dịch” vì ở đó không chỉ có những bệnh nhân, mà sâu xa hơn là đồng bào đang đối diện với hiểm nguy do dịch đã lan rộng.

Dù đang phải chống dịch với các nguồn lây phức tạp đến từ Đà Nẵng, Bắc Ninh, cùng 2 bệnh viện tuyến đầu là Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K đang bị phong tỏa, song 20 y, bác sĩ được coi là “đội đặc nhiệm chống dịch” tinh nhuệ nhất của Hà Nội đã đến Bắc Giang để hỗ trợ nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Họ là những y, bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao và kinh nghiệm chuyên sâu về truy vết, khoanh vùng dập dịch được cử đi “chi viện” theo phương châm “phòng ngự nhưng kết hợp với tấn công” của Thủ tướng đưa ra trước đó. Sự dạn dày kinh nghiệm của đội ngũ y, bác sĩ giúp đẩy nhanh quá trình xét nghiệm để có kết quả sớm, thần tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch.

Còn trước đó, 200 nhân viên y tế Bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển Uông Bí đã lên đường chi viện, đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang để sớm chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Theo chia sẻ của Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm càng phải siết chặt tay nhau, kè vai sát cánh, sẻ chia khó khăn, chung sức đồng lòng, phát huy cao nhất truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, thương người như thể thương thân. “Trong chuyến công lần này, chúng tôi đi thực hiện nhiệm vụ truy vết và làm xét nghiệm. Hiện tại chúng tôi không xác định ngày về! Chúng tôi sẽ sát cánh cùng nhân dân tỉnh Bắc Giang đến khi nào khống chế được dịch Covid-19 đảm bảo an toàn cho cộng đồng thì mới trở về”- Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa- Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển Uông Bí nói về một sự quyết tâm đồng lòng cùng Bắc Giang để chống dịch.

Đi vào tâm dịch nhưng không chút do dự, như bao bạn trẻ khác, Phạm Thị Mai Hoa, sinh viên Khoa xét nghiệm trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương cùng hàng trăm cán bộ, y bác sĩ và sinh viên tình nguyện lên đường chi viện cho Bắc Giang để hỗ trợ xét nghiệm phòng dịch Covid-19. Mai Hoa nói rằng, dù lượng người xét nghiệm đông, phải làm việc liên tục trong điều kiện nghiêm ngặt bảo hộ y tế phòng dịch, nhưng các bạn ai cũng miệt mài với công việc lấy mẫu, vì hiểu rõ trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống dịch này và tự hào vì đang được góp một phần sức lực để phòng dịch Covid-19.

Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) xét nghiệm Covid-19 cho công nhân Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam tại KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quang Vinh.

Vừa chống dịch, vừa sản xuất

Không chỉ chống dịch mà Bắc Giang và Bắc Ninh phải dập dịch và giữ được trận địa sản xuất bởi 2 tỉnh này có nhiều nhà máy, khu công nghiệp trên cả nước. Họp trực tuyến với Bắc Ninh và Bắc Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Cùng với với việc theo dõi chặt chẽ các ổ dịch, quản lý chặt công nhân làm trong khu công nghiệp, Bắc Ninh, Bắc Giang cần nhanh chóng đưa các doanh nghiệp đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ sớm trở lại hoạt động. Đặc biệt là những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng lớn, từ 2 địa phương này ra các tỉnh khác và toàn cầu.

Từ khi có dịch, Bắc Ninh đã họp và kiểm tra tổng cộng 32 cuộc, ban hành 119 văn bản của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh và các đơn vị. Để hỗ trợ, Bộ Y tế đã thành lập “bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế” tại Bắc Giang và Bắc Ninh do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm “tổng chỉ huy” do đây là khu vực có nhiều nhà máy lớn hoạt động, nếu ngưng trệ sản xuất có thể kéo theo khó khăn về tăng trưởng. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận, công tác chống dịch của Bắc Ninh đã tương đối chủ động. Tuy nhiên, việc đảm bảo phòng chống dịch trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh luôn là một vấn đề cần chú trọng hàng đầu để làm sao để vừa đảm bảo an toàn, vừa duy trì sản xuất không để đứt đoạn.

Bởi vậy, “bộ phận thường trực đặc biệt” của Bộ Y tế đã xây dựng các danh mục hướng dẫn rất đầy đủ về các nội dung về khu cách ly tập trung. Trong danh mục đã hướng dẫn ghi cụ thể từ danh mục thuốc, trang thiết bị phòng hộ, hoá chất, xô thùng chậu cho đến mọi cách thức bố trí, giám sát, hay các Bảng biểu đánh giá đi kiểm tra phòng và chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly, hướng dẫn xử lý khi phát hiện có ca F0. Mọi kịch bản vừa chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo sản xuất ngay tại tâm dịch đã được “thiết kế” để từng bước khống chế dịch song vẫn phải đảm bảo đời sống cho người dân.

Bỏ phiếu tại khu cách ly ở Trung đoàn 833, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quang Vinh.

Quyết tâm vừa chống dịch vừa sản xuất không chỉ “nóng” ở Trung ương mà đã lan tỏa xuống địa phương. Một cam kết chính trị “phải duy trì mục tiêu kép” đã được ông Lê Ánh Dương- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đưa ra, với đòi hỏi trong giai đoạn này cả bộ máy phải quyết liệt vào cuộc, nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên sâu. Không nên chủ quan cho rằng dịch sẽ sớm được đẩy lùi mà phải xác định chống dịch còn lâu dài, phức tạp vì vậy phải tổ chức lại sản xuất, đời sống để sống chung với dịch, có thái độ bình tĩnh, quyết tâm, không hoang mang, dao động, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng với những hành động thiết thực.

Càng trong lúc khó khăn thì lại càng thấy sự sáng tạo của người dân. Bởi thế dù ở trong tâm dịch song Bắc Giang đã lập “vùng an toàn dịch bệnh Covid-19” để tiêu thụ vải thiều với “3 kịch bản” tiêu thụ vải nhằm tiêu thụ 100% vải thiều ở trong nước.

Mặt trận đồng hành cùng nhân dân chống dịch

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Nguyễn Hữu Dũng, Ngô Sách Thực, Phùng Khánh Tài đã đến tận nơi, trực tiếp trao hỗ trợ số tiền 5 tỷ đồng cho mỗi tỉnh để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực tin tưởng, tỉnh Bắc Giang sẽ có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19, hỗ trợ cho người dân vùng dịch, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế.

Tại Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, đây là tấm lòng, là tình cảm của nhân dân cả nước dành cho những địa phương đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và người nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19; đồng thời mong muốn số tiền ủng hộ này sẽ được tỉnh Bắc Ninh phân bổ kịp thời tới những địa điểm cách ly, các cơ sở khám chữa bệnh và sử dụng một phần nguồn lực để mua vaccine hỗ trợ những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài ghi nhận đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh, trong đó có hệ thống MTTQ các cấp đã chủ động triển khai nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt. Với chủ trương lấy người dân làm trung tâm trong phòng chống dịch tỉnh Vĩnh Phúc đã dành nguồn ngân sách và những nguồn lực khác nhau để hỗ trợ tốt nhất cho người dân như hỗ trợ tiền ăn trong khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm miễn phí, hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ở tâm dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO