Chuyện về 80 lá đơn xin thoát nghèo

Điền Bắc 31/03/2019 08:30

80 hộ dân tại huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) nỗ lực lao động sản xuất và mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo – hiện tượng đó đã thực sự tạo nên luồng sinh khí mới cho công cuộc xóa đói giảm nghèo nơi đây.

Những gia đình xin thoát nghèo không hẳn vì họ đã khá và chưa chắc chắn cho cuộc sống sau khi hết hỗ trợ… nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của họ là lòng tự trọng, mong muốn tự thân và đặc biệt muốn nhường lại suất nghèo đó cho những gia cảnh đáng thương hơn.

Chuyện về 80 lá đơn xin thoát nghèo

Những lá đơn thoát nghèo của hơn 80 gia đình hộ nghèo tại huyện Tân Kỳ là đáng khâm phục và biểu dương.

Sự thật bất ngờ

Trong năm 2018, huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) có hơn 80 gia đình viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo khiến ai cũng bất ngờ nhưng khâm phục. Bởi soi chiếu điều kiện nghèo thì những gia đình này đều nằm trong diện chuẩn nghèo. Họ nghèo đến nỗi những người sống xung quanh đều cho rằng, để thoát được nghèo họ phải trúng số thì may ra mới vượt qua cảnh bần hàn.

Vậy nhưng, những thiếu thốn, vất vả, khó khăn ấy không thể ngăn cản được ý chí thoát nghèo của họ. Ý chí đầu tiên - đó là ký vào lá đơn xin thoát nghèo, khiến ai cũng khâm phục! 80 lá đơn cũng chính là 80 hoàn cảnh khác nhau - những hoàn cảnh không ai giống ai, người thì mất chồng, người thì vợ bệnh, hộ thì vợ chồng già nuôi nhau.

Nhiều năm trước, người dân còn tư tưởng trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cho rằng còn nghèo là còn lợi. Nhưng giờ đây trong những cuộc họp xóm, nhiều hộ đã hăng hái viết đơn tự nguyện thoát nghèo, nhiều người còn thẳng thắn phê bình những hộ đã đủ điều kiện thoát nghèo nhưng cố tình giấu tài sản để tạo sự thiếu điểm. Điều này chứng tỏ sự thay đổi nhận thức không hề nhỏ của một bộ phận người dân trong diện nghèo tại cộng đồng dân cư.

Trong năm qua, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo vào cuộc quyết liệt, công tác xóa đói giảm nghèo từ huyện đến cơ sở luôn luôn được chú trọng, gắn trách nhiệm cho mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên trong việc giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn, như hỗ trợ con giống, cây giống, kinh nghiệm canh tác…

Đã có hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn huyện được giúp đỡ và nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và xin thoát nghèo. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (xóm Nghĩa Thành, xã Tân Hợp) là một trong 4 hộ nghèo nhiều năm liền của xã vùng cao này. Gia đình chị có 5 khẩu, trước đây cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn do ít đất sản xuất, không có kinh nghiệm và tiền mua con giống để chăn nuôi phát triển kinh tế, cuộc sống của gia đình lúc nào cũng trong tình cảnh túng thiếu, nợ nần. Năm 2016, gia đình chị được hỗ trợ 6 triệu đồng để mua con giống - số tiền này được trích từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của huyện.

Theo hướng dẫn của cán bộ xã, gia đình chị đã mua 4 con dê sinh sản về nuôi. Sau một thời gian đàn dê sinh sản, gia đình chị bán bớt dê con. Với số tiền thu được, chị Thanh tiếp tục đầu tư vào chuồng trại, phát triển sản xuất. Chị Thanh chia sẻ: “Mấy năm qua, cán bộ xã đến nhà mình suốt, cán bộ cho gia đình tiền mua con giống, vận động gia đình mình thay đổi cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... đến nay kinh tế gia đình mình khá lên rồi. Đợt này gia đình mình xin cán bộ xã cho ra khỏi hộ nghèo”.

Chuyện về 80 lá đơn xin thoát nghèo - 1

Anh Hoàng Văn Lợi – trú tại xóm Tân Sơn trong một lần làm việc với Chủ tịch MTTQ xã Kỳ Tân về việc xin thoát ra khỏi hộ nghèo.

Hay như anh Hoàng Văn Lợi (sinh năm 1980, trú tại xóm 1 Tân Sơn, xã Kỳ Tân) gia đình 2 năm liền là hộ nghèo. Bản thân anh đau ốm quanh năm, con đông, vợ bệnh tim hành hạ, cuộc sống hết sức vất vả. Vậy nhưng, trong đợt bình xét hộ nghèo vừa qua, anh là 1 trong 10 gia đình của xã Kỳ Tân viết đơn xin thoát nghèo.

Anh Lợi tâm sự: “Vợ chồng mình thực ra vẫn đang thuộc diện hộ nghèo, nhưng nhìn xung quanh, còn có nhiều hộ nghèo hơn, dẫu sao mình cũng có ít sức khỏe, chăn nuôi gia súc, gia cầm và lo được cho cuộc sống gia đình nên mình viết đơn xin thoát nghèo, nhường suất đó cho người khác”. Tuy nhiên, trong sâu thẳm ý nghĩa của anh Lợi còn là lòng tự trọng, vẫn muốn vươn lên hoàn cảnh, không trông chờ ỷ lại.

Không được may mắn như anh Lợi, chị Thanh, hoàn cảnh chị Hoàng Thị Lam Hồng (sinh năm 1980, trú tại khối 7, thị trấn Tân Kỳ) lại đáng thương hơn. Chồng chị bị tai nạn mất, một mình chị chèo chống nuôi con, ngày đi làm công nhân nhà máy đường, rảnh thời gian chị bới đất trồng rau, chăn nuôi gia cầm. Thấy cuộc sống của mình hơn những gia đình khác, từ sự vận động của cán bộ Mặt trận, chính quyền địa phương, chị cũng tự nguyện viết đơn thoát nghèo.

Cũng trong khối 7 này, còn có gia đình chị Nguyễn Thị Nhi có hoàn cảnh éo le, chồng bị bệnh hiểm nghèo qua đời, hiện 1 mình chị phải chăm lo cho 2 con ăn học. Không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập bấp bênh, đầu năm 2018 chị được MTTQ thị trấn Tân Kỳ hỗ trợ gia đình 3 triệu đồng để buôn bán hàng tạp hóa. Nhờ chăm chỉ, chịu khó vừa buôn bán vừa phát triển chăn nuôi nên cuộc sống gia đình chị đã đỡ vất vả. Vừa qua chị đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Ý thức tự lực vươn lên

Những ý chí đáng khâm phục ấy, làm cho tỉ lệ hộ nghèo của thị trấn Tân Kỳ giảm xuống còn 0,54%. Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các hộ dân cùng với cách làm của địa phương là giao trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể đảm nhận giúp đỡ từng gia đình hội viên.

“Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bởi vậy chúng tôi đã rà soát lại đối tượng hộ nghèo, giao trách nhiệm một cách cụ thể rõ ràng cho các tổ chức đoàn thể đảm bảo giúp đỡ từng hội viên, làm tốt công tác tuyên truyền giúp hộ nghèo có ý chí vươn lên. Trong 9 hộ xin thoát nghèo, chúng tôi hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng vừa là nguồn động viên, vừa hỗ trợ họ ít kinh phí ban đầu để sản xuất, chăn nuôi” - ông Trần Quốc Hoàn - Chủ tịch MTTQ thị trấn Tân Kỳ nói.

Chuyện về 80 lá đơn xin thoát nghèo - 2

Những gia đình xin thoát nghèo được Mặt trận địa phương hỗ trợ từ 2-6 triệu đồng để động viên và có kinh phí góp phần sản xuất kinh doanh.

Đó là 4 trong 80 hộ gia đình tại huyện Tân Kỳ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Không chỉ các xã có mặt bằng khá giả, mà ngay tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Kỳ như Tân Hương, Tân Hợp, Nghĩa Bình… trong năm 2018 cũng đã nỗ lực làm tốt công tác giảm nghèo, rất nhiều hộ làm đơn xin thoát nghèo.

“Xuất phát từ điều kiện thực tế, mỗi địa phương có cách làm riêng, tuy nhiên trong thời gian qua Mặt trận huyện và xã luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền giúp mọi người dân có ý thức tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại, đồng thời nắm bắt nhu cầu của từng hộ nghèo để có sự hỗ trợ thiết thực, nên số hộ gia đình xin ra khỏi hộ nghèo ngày càng tăng. Đối với huyện khó khăn như Tân Kỳ là một kỳ tích” - ông Lê Thúc Đồng - Chủ tịch MTTQ huyện Tân Kỳ cho biết.

Cũng theo ông Đồng, để động viên và giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, các địa phương đã hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo có đơn xin thoát nghèo số tiền từ 3 đến 6 triệu đồng để các hộ có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Bởi vậy, Tân Kỳ đã triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong năm 2018, huyện Tân Kỳ đã tổ chức nhiều điểm tư vấn giảm nghèo, xuất khẩu lao động, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Kết quả năm 2018, toàn huyện Tân Kỳ đã tạo việc làm mới cho 2.450 lao động, trong đó xuất khẩu lao động sang các nước là 1.510 người.

Do vậy, cuối năm 2018, Tân Kỳ có 2.429 hộ thoát nghèo (trong đó có 80 hộ xin thoát nghèo), giảm 3,63%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 6,48%. Năm 2018 huyện Tân Kỳ đã tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt ấn tượng là những lá đơn tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo của các hộ dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về 80 lá đơn xin thoát nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO