Chuyện về Hoàng Sâm, vị Thiếu tướng đầu tiên của QĐNDVN

Trần Kiến Quốc 21/12/2019 09:10

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - đông 1947, đầu năm 1948, Hồ Chủ tịch đã ký quyết định tấn phong hàm đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp, trung tướng cho ông Nguyễn Bình và 9 thiếu tướng: Hoàng Văn Thái, Nguyễn Sơn, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Lê Hiến Mai, Trần Tử Bình, Trần Đại Nghĩa và Hoàng Sâm.

Là bạn học của con trai tướng Hoàng Sâm - anh Hoàng Sùng - chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện cứ như là huyền thoại về ông...
Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 tại Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Như nhiều gia đình ở miền Trung đầu thế kỷ XX, bố mẹ ông cũng đưa gia đình, con cái lang bạt sang tỉnh Nakhon rồi Chiang Mai (Thái Lan).

Chuyện về Hoàng Sâm, vị Thiếu tướng đầu tiên của QĐNDVN

Cố vấn Việt Nam cùng các tướng lĩnh Lào. Hàng trước, từ phải: Coong-le, Hoàng Sâm, một sĩ quan cánh hữu, Lê Chưởng...

12 tuổi đi làm giao liên cho Bác Hồ

Năm 1928, từ châu Âu về Thái Lan, Thầu Chín (Bác Hồ) đến tỉnh Udon rồi Nakhon, sinh sống cùng bà con Việt kiều. Gặp bé Kỳ mới 12, 13 tuổi nhưng sáng dạ, nhanh nhẹn nên Thầu Chín cho theo làm liên lạc. Cùng Thầu Chín đi khắp các tỉnh ở Thái Lan, cậu bé Kỳ vừa làm vừa học, tham gia rải truyền đơn rồi vận động bà con Việt kiều tham gia phong trào yêu nước. Năm sau Thầu Chín rời Thái.

Tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều, năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên và sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách địa điểm liên lạc, in ấn, phát truyền đơn. Năm 1934, bị mật thám Thái Lan bắt ở Băng Cốc, giam một năm rồi trao cho Lãnh sự Pháp ở Băng Cốc, ông không khai báo nên chẳng có bằng chứng kết tội, phải trả cho nhà cầm quyền Thái. Bị trục xuất, sau đó tổ chức đưa ông sang Trung Quốc. Ở nhà, mật thám đã bắt và thủ tiêu thân phụ ông. Đến Nam Ninh, Quảng Tây, Trần Văn Kỳ gặp được Phùng Chí Kiên và được cho đi học tiếng Trung Quốc. Đầu năm 1937, Hoàng Văn Thụ cử ông về nước, tham gia Tỉnh uỷ Cao Bằng. Năm 1938, tham gia đội du kích kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại biên giới Việt - Trung.

Mùa đông 1940, Trần Văn Kỳ được gặp lại Thầu Chín ở Tĩnh Tây, Trung Quốc cùng các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Ông được Bác đặt tên là Hoàng Sâm và từ đó “chết” với tên này! Các con ông sau này đều lấy họ Hoàng và người mang cái họ ấy còn làm được nhiều chuyện kỳ lạ.

Ngày 8/2/1941, Bác từ Trung Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng). Trong chuyến hồi hương, Hoàng Sâm cùng các ông Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp… bảo vệ Người trở về an toàn. Tháng 5 năm đó, Hội nghị Trung ương 8 họp tại Cao Bằng, quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Cuối năm 1941, đội du kích đầu tiên của Cao Bằng được thành lập, gồm 12 chiến sĩ do Lê Thiết Hùng làm đội trưởng, Lê Quảng Ba làm chính trị viên và Hoàng Sâm là đội phó. Đội có nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Bác, tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng và tiễu phỉ trừ gian ở vùng biên giới. Từ giữa 1942, ông Lê Thiết Hùng đi “Nam tiến”, Hoàng Sâm thay thế.

Giữa năm 1943, phong trào cách mạng phát triển và tiến dần về xuôi. Đội du kích Cao Bằng phân tán mỗi người một nhiệm vụ. Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức đội bảo vệ các đội xung phong Nam tiến.

Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng nằm giữa 2 tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc Nguyên Bình, Cao Bằng). Quân số ban đầu được chia thành 3 tiểu đội, trong đó Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung; Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng; Xích Thắng - chính trị viên, Hoàng Văn Thái - phụ trách tình báo và tác chiến; Lâm Kính - phụ trách công tác chính trị; Lộc Văn Lùng - quản lý. Vũ khí ban đầu chỉ có 2 súng ngắn, 17 súng trường, 14 mã tấu. Sau 2 chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, đội phát triển thành đại đội, Hoàng Sâm được cử là C trưởng. Ít lâu sau, từ đại đội phát triển thành chi đội (tương đương tiểu đoàn) ông lại được cử làm chi đội trưởng.

Dùng tài thu phục tướng phỉ

Lợi dụng điều kiện xã hội phức tạp và địa lý hiểm trở vùng biên giới mà nhiều toán phỉ có vũ trang đã cướp bóc, giết chóc, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống bà con các dân tộc. Đã khổ vì quan Tây, quan Châu, nay lại phải chịu “nạn phỉ“, nếu không dẹp được “nạn phỉ” thì sẽ khó động viên bà con ủng hộ cách mạng. Từ năm 1939, Châu uỷ Hà Quảng phát động bà con lập Hội Chống phỉ với sách lược “kiên quyết trừng trị đi đôi với giáo dục thuyết phục những người nghèo lầm lạc theo phỉ trở về với nhân dân”.

Nhưng việc thuyết phục những toán phỉ lớn không phải dễ. Chúng rất đông, có nhiều súng và hoạt động rất tàn bạo, nhưng những tên trùm phỉ sống ngang tàng “anh hùng hảo hán” lại rất kính nể những ai can đảm, tài ba. Tiếng lành đồn xa, nghe đồn ông Trần (Hoàng Sâm), ông Lê (Lê Quảng Ba) là những trang “hảo hán”, được mọi người mến mộ, bọn trùm phỉ Lý Xìu, Voòng A Sáng, Voòng A Sình… muốn thi gan, đọ tài. Lý Xìu cầm đầu toán phỉ kéo từ Lục Khu xuống Pắc Bó đòi gặp 2 ông. Chúng được ông Trần đón tiếp thịnh tình, coi như anh em. Trùm phỉ Lý Xìu mời 2 ông lên Lũng Nặm, sào huyệt của chúng, để uống rượu, với điều kiện “chỉ đi một mình, không đem theo quân cơ”.

Để thu phục và hoà hoãn với các toán thổ phỉ, 2 ông nhận lời. Trước khi đi, Ké Hồ còn dặn: phải dùng tài, dùng uy thuyết phục, phải lôi kéo họ có lợi cho cách mạng. Và mỗi ông chỉ mang theo một khẩu pạc-hoọc, kiếm, lựu đạn rồi cưỡi ngựa lên Lũng Nặm.

Chúng nghênh tiếp 2 ông bằng rượu ngô, thịt lợn quay và cả não hầu (óc khỉ) tươi… Ông Trần không uống rượu bằng miệng mà bằng mũi, hết cả một cốc đầy, không còn một giọt làm cả bọn trợn mắt thán phục. Khi thấy 2 ông đã say, chúng đòi thi bắn súng, cưỡi ngựa, ném lựu đạn.

Với tác phong oai phong, khoanh hai tay trước ngực, súng pặc-hoọc đeo lệch một bên, con dao quắm đi rừng giắt bên hông, ông Trần lững thững bước ra khoảng trống. Cho dù đã ngấm hơi men, không cần ngắm, mỗi tay một súng, ông Trần nâng lên vẩy đâu trúng đó. Hai vỏ chai rượu đặt cách xa 50 m bị bắn tan. Tiếp đó xuất hiện 2 mục tiêu di động cách xa 25 m, ông Trần quay người từ trái sang phải, nổ súng đồng thanh, cả 2 viên đạn đều găm vào đích. Lý Xìu thấy vậy vội quỳ gối chắp hai tay miệng dạ ran: “Bái phục đại ca! Bái phục đại ca!”. Sau đó 2 ông mời bọn phỉ đấu kiếm, chúng liền xin thôi.

Những tên trùm phỉ gốc Hoa rất trọng đồng họ, đồng hương, đồng môn, đồng niên… nên khi Voòng A Sáng, Voòng A Sình biết ông Trần còn có tên Hoàng Sâm thì nhận là “đồng họ”. (Hoàng phát âm theo tiếng Quảng là Voòng, Hoàng Sâm là Voòng Sám). Cùng với Lý Xìu, 2 trùm phỉ họ Voòng đã xin được kết nghĩa huynh đệ. Tại tiệc rượu kết nghĩa, Lý Xìu và bọn đàn em hứa không tác oai tác quái, chăm chỉ làm ăn trên nương rẫy của mình.

Những hoạt động khôn khéo, kiên quyết, dũng cảm của anh em trong đội du kích Pắc Bó cùng tài năng quân sự và uy tín cá nhân của Hoàng Sâm đã hạn chế được sự phá phách lộng hành của các toán phỉ, tạo điều kiện cho các Hội Cứu quốc của Việt Minh ở vùng Lục Khu phát triển. Từ đó một vùng biên cương bình ổn có lợi cho cách mạng.

Làm cố vấn quân sự ở Lào

Ngày 1/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 111/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho Hoàng Sâm. Thời gian 1951-1953, ông là phái viên của Bộ tham gia chiến dịch với các Đại đoàn 312, 304 rồi làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng mặt trận Trung Lào, tham gia giải phóng thị xã Thà Khẹt, tiếp đó, làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, ông chỉ huy tiếp quản Hải Phòng. Cuối năm 1955, là Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, rồi Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, sau này là Tư lệnh Quân khu III.

Thời gian (1962-1964), Hoàng Sâm (với bí danh Chăn Di) cùng tướng Lê Chưởng nhận nhiệm vụ chuyên gia quân sự cho nước bạn Lào. Ngày ấy, giữa Pathet Lào và Hoàng gia lập ra Chính phủ Liên hiệp, cố vấn quân sự Việt Nam sang giúp đỡ cả 2 lực lượng “tả” và “hữu”.

Tướng lĩnh Hoàng gia sĩ quan “cánh hữu” đa số là con quan lại, nhà giàu, vốn rất ngang bướng. Với tri thức học được, kết hợp kinh nghiệm trong đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam và kinh nghiệm thu phục các trùm phỉ, Hoàng Sâm đã làm cho tướng lĩnh quân đội quốc gia Lào nể phục.

Với phẩm chất, đạo đức cách mạng được Trung ương Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện cùng những đóng góp hiệu quả trong thời gian làm chuyên gia quân sự, Thiếu tướng Hoàng Sâm được các đồng chí lãnh đạo nước Lào hết sức tinh cậy và kính trọng. Hoàn thành nhiệm vụ về nước, ông được cử làm Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên.

*

Chiến tranh chống Mỹ, ông tiếp tục ra trận và hy sinh tại mặt trận Trị Thiên ngày 15/12/1968, khi vừa tròn 53 tuổi.

Xin thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ vị tướng đầu tiên nhân 75 năm Ngày thành lập QĐNDVN!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về Hoàng Sâm, vị Thiếu tướng đầu tiên của QĐNDVN

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO