Chuyện về những tấm cót

Nguyễn Minh Hoa 26/11/2021 09:00

Cứ phiên chợ tổng là người xã dưới có nghề phụ lại chuyên chở đồ mây tre đan, thang, chõng, chựng và cuộn cót về bán.

Thứ hàng cồng kềnh này chiếm cả một khoảng rộng, dưới gốc cây phía cuối chợ. Những tưởng mấy thứ này không mấy đắt hàng nhưng không phải. Rá vo gạo qua mùa mưa ẩm mốc xanh mốc đỏ cả, cần mua cái mới. Rổ xề, thúng cái, thúng ba cũng phải mua, vì nếu có dùng cố cái cũ được dăm bữa nữa thì những thứ này phải gác bếp cho lên màu đẹp lại bền. Những cuộn cót đan tay buộc hờ cái dây thừng nhỏ tưởng ít người hỏi đến nhưng thực ra cũng nhiều người cần. Vì cót mua về nẹp lại che chắn cửa bếp khỏi gió lùa, làm cái cánh cửa nhà tắm để đàn bà con gái tắm giặt cho kín đáo hay làm mái che chỗ cửa bếp cho lúc mưa khỏi hắt... Chợ đúng là nơi “trăm người bán, vạn người mua” có duyên bán mua với nhau là chẳng sợ ế hàng bao giờ. Những lá cót vẫn được cuộn tròn chiếm một bên quang gánh hay buộc sau xe đạp chở về. Quá trưa, chợ vãn người xã dưới dọn hàng về xe thồ cũng đã ngót hẳn, có khi chẳng còn lá cót nào.

Lá cót tre. Xưa, đúng là rất cần trong tư gia, nhất là với nhà làm nông vì rất nhiều việc cần đến lá cót nay. Xưa gỗ hiếm, chỉ việc mua lá cót về rồi kiếm mấy cái tay tre làm nẹp, dùng lạt buộc viền 4 cạnh, muốn chắc chắn hơn thì buộc thêm 2 cái nẹp tre chéo góc là được tấm che chắn gọn nhẹ. Tấm cót che mái tránh mưa hay làm cái cửa nhà tắm giữa giời kẻo mùa đông gió lùa. Rồi lại chắn cái cửa bếp phòng hôm đổi hướng gió, nấu được bữa cơm đỡ toét mắt vì khói.

Cũng lá cót ấy có nhà lại mua về che chuồng gà, chắn chuồng lợn tránh gió mùa hay khi con lợn nái đẻ cần che chắn cho kín đáo hơn, tránh vía người dữ. Mà với người tinh ý chỉ cần nhìn lá cót mới treo chắn cửa chuồng lợn với cái ngọn dứa dại mới cắt về còn tươi là đã biết nhà có lợn đẻ không ra ngó xem.

Sắp mùa gặt hàng cót thường đắt hàng hơn, vì xưa không hẳn nhà nào cũng đã có nhà xây, sân lát gạch mà bạt cũng rất hiếm để trải mà tuốt lúa nên khi lúa gặt về phải lót cót để đập hay tuốt lúa. Nếu không có chỗ ở sân kho hợp tác, sân đình để phơi thì thóc cũng không thể phơi trên nền sân đất, thành thử cứ phải lót cót để phơi. Rồi có khi thóc lép cho vịt, thóc gằn cần để riêng cũng phải để trong lá cót, phơi riêng không sợ gà bới vào chỗ thóc vừa quạt.

Xưa, cũng không sẵn bao tải đay hay bao tải rứa nên lúa gặt về, phơi phóng xong để cho nguội là đổ vào cót. Ngày ấy buồng nhà canh nông nào cũng phải có cót thóc, to nhỏ tùy thuộc vào diện tích ruộng nhà cấy. Để chống ẩm, người ta lót ni lông hay tấm bạt sau đặt lên đó cái nong tròn to và cót quây tròn theo cạp nong. Cót quây xong, chỗ nối có thể tận dụng góc nhà hoặc được ghim buộc lại bằng dây thừng. Loại cót để dùng quây cót thóc phải là loại cót khổ lớn, đan bằng cật cứng và dầy. Loại cót khổ nhỏ có thể đan bằng tre, loại cật hay cả phần bọng nhưng cót quây thóc thường phải đan bằng nan bương hay lồ ô, nặng và chắc chắn hơn nhiều. Cót thóc to có thể choáng hết cả nửa già cái buồng gói. Mùa màng xong, thóc đầy cót, rơm lên đống cao ngất mới yên tâm xong mùa. Làng có nghề phụ thì người làng còn có đồng tiền hàng ra vào, bán mua, chứ làng thuần nông thì trăm thứ chi tiêu, ma chay hiếu hỉ đều trông cả vào cót thóc này. Đằng đẵng cả nửa năm giời chứ ngắn đâu. Khi lúa đỏ ngọn, thường cũng là lúc dỡ cót thóc, những thúng cái, thúng ba thóc cuối cùng được đem đi xay sát mẻ cuối ăn cho đến khi có gạo mới. Đó là suôn sẻ, may mắn, chứ lúa còn xanh cót thóc đã cạn tới đáy thì có mà vay mượn tướt bơ, khó quá còn ăn đong hay đứt bữa.

Năm được mùa, nhà nào cấy nhiều có khi buồng có 2 cót chồng, cao đến mái, thì thật hoan hỉ. Dăm ba mùa như thế kinh tế vững hẳn, chẳng mấy mà xây được nhà, cải tạo được sân vườn, con giai đắt vợ hẳn sẽ được ra ở riêng, con gái đắt chồng cũng có đôi chỉ vàng bố mẹ đẻ cho lúc nhà trai làm lễ xin dâu. Nói thế để biết cái cót thóc quan trọng thế nào. Và ngay cả bây giờ, người canh nông có nghề phụ hẳn hoi mà trong nhà có cót thóc cũng vẫn thấy vững tâm. Nhiều nhà có khi buồng để không lại quây 2 cót thóc chồng ở gian bên nhà ngoài, nói là cho đỡ ẩm, mỗi lần lấy dễ dàng hơn. Nhưng có người lại bảo:

- Nhà bà ấy tham công tiếc việc, đội nắng, phơi cái rơm cũng nỏ óng, làm đủ 2 vụ lúa lại 1 vụ màu, nên 2 cót thóc chồng là phải. Đóng cót thóc nhà ngoài để mọi người nhìn vào yên tâm gả con cho đấy.
Người làng nói ý đấy cũng có khi đúng, nhìn gia cảnh đủ đầy, tươm tất ai cũng muốn con mình vào cửa sẵn tấm sẵn món hơn là đi thiên hạ, nhiều sự khó lường hơn.

Sau này thấy nói loáng thoáng rồi ở cửa hàng nông cụ huyện hay quầy hàng của hợp tác xã mua bán có “cót ép”, nhà cán bộ ăn sổ gạo mua được mấy tấm về đóng cái cánh cửa nhà tắm, cửa bếp thấy chắc chắn, nuột nà, hơn đứt cót thường, kể cả đằng cót nan cật. Hơn là phải vì nghe nói cót ép là ép 2 tấm cót thường chặt với nhau bằng máy. Được gọi là phủ phim, quá trình ép các-bon lên đến 100 độ C. Keo liên kết phủ kín các khe hở của cót đan mộc, khiến cót ép trở nên chắc chắn, phẳng lì rất đẹp và bền. Nẹp 4 phía, người cẩn thận đóng thêm thanh chéo trong các khung chia, nếu là cánh cửa thì bản lề được đóng, móc ổ khóa được khoan vào khung gỗ, và cánh cửa cót ép hoàn thiện đẹp hơn hẳn cánh cửa ghép bằng giấy dầu, gỗ hòm. Thời bao cấp, thời đầu đổi mới, cót ép hẳn đã để lại dấu ấn trong ngôi nhà và tâm tưởng chủ nhân khi có cót ép hiện diện trong nhà. Chẳng chất liệu nào tiện lợi, nhanh gọn, hợp với túi tiền hơn khi dùng cót ép. Ai biết việc, hay có bạn bè nhiệt tình làm giúp cũng có thể đóng trần cót ép, ngăn vách để có căn phòng hạnh phúc riêng biệt, ấm cúng cho đôi trẻ mới cưới. Những bức vách cót ép và những câu chuyện vợ chồng thường được vừa kể vừa tủm tỉm cười mỗi khi uống trà 3 hào hai thủa nào.

Ngay cả khi proximăng xuất hiện thì cót ép vẫn có chỗ đứng của nó trong những việc gia cố hay làm mới mà proximăng không thể thay thế được. Tuy nhiên vì cót ép cứng, phẳng và có hóa chất nên dù có tốt đến mấy cũng không ai dùng để quây cót thóc. Chỉ đến khi bao tải đay và bao tải rứa nhiều và trở nên thông dụng dễ mua thì người ta mới đóng thóc vào bao và nhiều nhà đã không còn quây cót tích trữ thóc nữa. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, khi có nhà mái bằng, buồng rộng có người vẫn chọn cách quây cót đựng thóc như xưa. Vừa để cất thóc theo lối truyền thống vừa để cất giữ kí ức và của mình.

Và cho đến giờ, cũng đừng tưởng cót đã vắng mặt trong các chợ phiên, vì người làng dù có prôximăng, tấm lợp các màu, độ dài bất kì chở đến tận chân công trình thì vẫn cần lá cót phơi mẻ cau, mẻ lá, cần tấm cót quây cho đàn gà mới nở...

Cót ép thì đã trở thành mặt hàng nằm trong quầy nhà bán vật liệu xây dựng, khi cần che chắn tạm, hay làm cái cánh cổng ra vườn có người vẫn thích dùng cót ép hơn là một đoạn tôn xanh đỏ.

Nói thế không có nghĩa là những làng nghề chỉ đan cót cầm chừng bán cùng đồ mây tre đan ở các chợ làng, hoặc chỉ còn bán cót mộc cho các cơ sở sản xuất cót ép. Không phải, do nhu cầu của người tiêu dùng, cót, mê tre đan mỹ nghệ đã thành sản phẩm được lựa chọn cho trang trí nội ngoại thất, tạo nên một không gian đẹp, tinh tế, gần gũi với thiên nhiên nên cót đã có diện mạo mới, rất ấn tượng, là điểm nhấn trong thiết kế công trình dân dụng.

Cót đã đi một chặng dài cùng mưa phùn, gió bấc cùng niềm vui con trẻ khi có tấm cót mục nỏ cực nhóm bếp. Cót ép đã làm nên bức tường nhà bố mẹ treo lên đó cái khung ảnh gia đình, dán lên đó cái phiếu bé ngoan cho em, tờ giấy khen cho chị, tấm cót ép đóng thành góc vuông che cái bếp dầu khỏi gió để mẹ rang cơm ngoài hiên mỗi sáng cho chị em ăn đi học...

Chặng đã qua, bao điều để nhớ, nhớ cái dằm cót đâm vào tay, khều lửa cho sáng để bà nhể, dằm buốt, lửa ấm cho mãi đến tận giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về những tấm cót

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO