Cơ cấu lại để quản lý nợ công

Thúy Hằng 02/05/2018 09:00

Tăng tốc cổ phần hóa, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, theo dự toán, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo... là những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra trong thời gian tới.

Cơ cấu lại để quản lý nợ công

Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi để đảm an toàn cho ngân sách.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, về cơ cấu lại nợ công, trên cơ sở thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, đã kéo dài kỳ hạn nợ, giảm lãi suất và đa dạng hóa nhà đầu tư. Đến cuối năm 2017, nợ công còn khoảng 61,3%GDP, giảm 2,3% so với thời điểm cuối năm 2016. Giới chuyên gia cho rằng, nợ công dù vẫn ở ngưỡng cho phép nhưng vẫn ở mức cao. Nếu không kiểm soát tốt sẽ tiếp tục tăng và có nguy cơ vượt trần.

Để quản lý tốt nợ công, cần lựa chọn vay làm sao đúng với định hướng, tức là vay chỉ để cho phát triển chứ hạn chế vay để bù đắp bội chi. Muốn vậy phải cắt giảm mạnh chi thường xuyên trong đó muốn cắt giảm chỉ có cách tinh giản bộ máy và sắp xếp lại bộ máy, đi kèm với đó để thực hiện tiết kiệm những cái nào không bức thiết, không cần thiết.

Trong mua sắm tài sản công phải cân nhắc cho kỹ, thậm chí trong dự toán mua sắm tài sản nhưng tình huống thay đổi rồi thì phải điều chỉnh lại, không nhất thiết dự toán phê duyệt rồi nhưng tình huống thay đổi vẫn tiếp tục mua sắm. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Bộ Tài chính đã có Quyết định số 16/QĐ-BTC ngày 4/1/2018 ban hành Kế hoạch hành động để triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành và lĩnh vực Bộ Tài chính được phân công quản lý, với 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 244 nhiệm vụ cụ thể, gồm 61 nhiệm vụ do Bộ Tài chính chủ trì và 183 nhiệm vụ phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện. Trong đó, có phân công thực hiện chi tiết đối với từng nội dung, nhiệm vụ và thời hạn hoàn thành cho từng đơn vị, tổ chức trực thuộc

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, về tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung xử lý để giảm nợ đọng thuế, giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các đơn vị trực thuộc và cấp dưới, thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; đẩy mạnh nộp thuế qua mạng. Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, theo dự toán, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, khánh thành, tổng kết, đi công tác nước ngoài...

Được biết, để thực hiện lại cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện mua ô tô công trước khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định, tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015, các đơn vị chủ động sắp xếp, chuyển đổi công năng sử dụng, điều chuyển xe ô tô để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản công theo quy định. Không sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi, vay thương mại để mua sắm ô tô; không thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với tài sản (trừ thuốc). Việc mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương, cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ cấu lại để quản lý nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO