Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Hoàn thành mục tiêu ở mức trung bình thấp

Hồ Hương 24/09/2019 08:10

Ngày 23/9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố kết quả nghiên cứu “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2020 và đề xuất phương hướng giải pháp cho giai đoạn 2021-2030”. Theo khẳng định của giới chuyên gia, trong hoạt động cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước phải xác định rõ các nguồn lực xã hội.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Hoàn thành mục tiêu ở mức trung bình thấp

Chế biến điều xuất khẩu.

Theo báo cáo của CIEM, mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm xác định vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước; chủ yếu thông qua cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn. Ông Phạm Đức Trung-Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM) nói, quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. DNNN giữ tỷ trọng cao trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam về nguồn lực, chi phối nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Dự kiến, từ năm 2011-2020, sẽ chuyển đổi sở hữu của 750 DNNN thông qua cổ phần hóa. Riêng giai đoạn từ 2016 đến tháng 6/2019, cơ quan chức năng đã chuyển 185 nghìn tỷ đồng là kết quả cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước về ngân sách, đạt 74% kế hoạch.

Song cũng theo báo cáo của CIEM, mục tiêu tái cơ cấu DNNN có những hạn chế nhất định. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa doanh thu và nguồn lực đầu vào (vốn, tài sản). Điều này dẫn tới để tạo ra 1 đồng doanh thu, DNNN phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp khác.

Chỉ số quay vòng vốn (hiệu quả sử dụng vốn) của DNNN đang đứng thấp nhất trong 3 loại hình DN theo sở hữu. Giai đoạn 2015-2017, chỉ số quay vòng vốn của DNNN lần lượt là 0,47; 0,38 và 0,34 - thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước, lần lượt là 0,66; 0,67 và 0,67.

Tỷ suất lợi nhuận của DNNN cũng thấp hơn so với giai đoạn trước; rủi ro vay nợ vẫn còn lớn (vào năm 2017, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của DNNN là 4,2 lần, cao nhất trong 3 nhóm DN).

Vị trí của DNNN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng khá khiêm tốn, khi doanh thu chỉ chiếm 11% và tài sản chỉ chiếm 8%.

Đánh giá chung về kết quả tái cơ cấu DNNN, CIEM cho rằng mục tiêu “sắp xếp, cổ phần hóa thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn” chỉ hoàn thành ở mức thấp.

Mục tiêu “đầu tư không dàn trải, nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý, năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế, bình đẳng với doanh nghiệp khác” chỉ hoàn thành ở mức độ trung bình.

Theo TS Trần Đình Thiên, trong hoạt động cơ cấu lại DNNN phải xác định rõ các nguồn lực xã hội, vai trò của DNNN, nhấn mạnh “thế nào là chủ đạo?” cũng như đánh giá đúng, đủ về mặt được và chưa được của khu vực này. Cơ quan chức năng cần chú ý phân bổ vốn, nguồn lực một cách hợp lý, rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân nhân về việc cổ phần hóa chậm. Đặc biệt, cần nhấn mạnh quan điểm khuyến khích kinh tế tư nhân, tạo điều kiện tốt để khu vực này phát triển, đóng vai trò quan trọng hơn vào nền kinh tế...

Định hướng đến năm 2030, hầu hết DNNN sẽ có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, phấn đấu có 3-5 đơn vị niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế; có 1-3 doanh nghiệp thuộc danh sách 500 DN lớn nhất thế giới. Từ nay đến năm 2025 sẽ chuyển khoảng 90% đơn vị trong tổng số 103 DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Trong khi đó chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Đình Cung nói, nhiệm vụ cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn tại những DN mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả. Hoàn thiện thể chế định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu,...) trong cổ phần hóa theo nguyên tắc thị trường. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích.

Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Hoàn thành mục tiêu ở mức trung bình thấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO