Cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu

H. Vũ 23/05/2017 07:50

Chiều ngày 22/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Lê Minh Hưng.

Kiểm soát đầu tư chéo, sở hữu chéo

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD cho thấy, hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế, chủ yếu như: hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn, nhiều TCTD có kết quả kinh doanh thua lỗ. “Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô.

Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết”- ông Hưng cho hay, đồng thời cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng là nhằm bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể về thẩm quyền, cách thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các TCTD yếu kém.

Thay mặt cơ quan thẩm tra Dự án Luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng: Về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và việc cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt là yêu cầu cấp bách hiện nay, cần được tập trung giải quyết nhanh chóng gắn với yêu cầu giải quyết nợ xấu trong hệ thống TCTD, do đó nhất trí với việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung như tại Dự án Luật.

Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách cần sửa đổi tại Luật các TCTD để thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, kiềm chế phát sinh thêm nợ xấu, kiểm soát đầu tư chéo, sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

VAMC được bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân

Cũng trong buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng: “Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, để xử lý nợ xấu hiệu quả, việc tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ và bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của chủ nợ là các điều kiện quan trọng nhất.

Do vậy, Dự thảo Nghị quyết đã có những quy định cần thiết về bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp, tạo điều kiện phát triển thị trường mua bán nợ như: TCTD, VAMC được bán khoản nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, kể cả bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ; VAMC được mua cả nợ xấu hạch toán trong bảng và ngoài bảng; chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang thành khoản nợ mua theo giá trị thị trường; VAMC được bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân.

Bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua; được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp”.

Cần biện pháp dứt điểm xử lý nợ xấu, dự án kém hiệu quả

Chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng: Vấn đề giải quyết nợ xấu và vấn đề xử lý đối với các dự án kém hiệu quả hiện đang được coi là nút thắt, “cục máu đông” trong nền kinh tế. Cần phải có biện pháp dứt điểm đối với các dự án này để có thể khơi thông các nguồn vốn trong xã hội, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể giảm được lãi xuất cho vay trong thời gian tới và đảm bảo cho các ngân hàng hoạt động lành mạnh.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Bản báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày đã nhìn vào thực chất của nền kinh tế, chỉ thẳng các vấn đề tồn tại, khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt chính là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới kinh tế vĩ mô, kéo theo chỉ số nợ công, bội chi ngân sách đều tăng vọt lên.

Như vậy, những vấn đề như nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của cả nền kinh tế cũng như xã hội.

Vì thế, Chính phủ đã trình ra Dự thảo Nghị quyết nợ xấu và dự thảo Luật xử lý các tổ chức tín dụng. Đây là “cục máu đông” làm nghẽn sự phát triển của nền kinh tế.

Hy vọng bên cạnh các giải pháp về đầu tư công, chúng ta sẽ có các giải pháp căn cơ về xử lý nợ xấu, các TCTD để chúng ta có được hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh, qua đó hạ được lãi suất vay, làm cho nền kinh tế của ta có được sức cạnh tranh cao hơn và đó cũng chí là hỗ trợ rất quan trọng, dài lâu cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO