Cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng

H.Vũ 17/05/2020 08:00

Ngày 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố); và 2 cấp hành chính (quận, phường). Theo mô hình này thì chính quyền thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm: HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường. Do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND và UBND thành phố, một số nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận cho phù hợp.

Trên cơ sở đó, theo ông Dũng, cơ cấu tổ chức cũng được thí điểm đổi mới như: tăng cường vai trò giám sát của HĐND thành phố tại quận, phường và quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để giám sát các hoạt động của quận, phường khi không tổ chức HĐND; quy định UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ nhằm phù hợp chức năng là cơ quan hành chính tại quận, phường khi không tổ chức HĐND quận, phường. Ông Dũng nói: “Theo đó UBND quận, phường chỉ gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND và công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, phường. Quy định UBND cấp trên bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND cấp dưới. Và chỉ tổ chức một cấp ngân sách thành phố, theo đó quận và phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách của thành phố thay vì 3 cấp ngân sách thành phố, quận, phường như trước đây”.

Để tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực trong điều kiện không tổ chức HĐND ở cả quận và phường, theo ông Hoàng Thanh Tùng- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thẩm quyền cho HĐND thành phố tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận để cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm trước HĐND thành phố của chức danh này; có cơ chế tăng cường hoạt động giám sát của HĐND thành phố đối với Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân quận trong điều kiện không tổ chức HĐND quận. Về sử dụng nguồn cải cách tiền lương, Ủy ban Pháp luật bày tỏ quan điểm tán thành với quy định trong dự thảo Nghị quyết về sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng nguồn lực chi đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng. Quy định trong dự thảo Nghị quyết cũng tương tự như cơ chế áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh đã được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Liên quan đến một số chính sách đặc thù khác như việc phân cấp điều chỉnh quy hoạch, quản lý ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc phân cấp, phân quyền phải kèm theo việc cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính và cơ chế kiểm tra, giám sát. Đã phân cấp cho thành phố nhưng phải làm tất cả các thủ tục hành chính, miên man chưa phân cấp thì không được.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO