Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo: Vị Tướng từ chiến dịch Đường 9 đến ngày Thống nhất

Nhà văn Nguyệt Tú 20/06/2015 15:59

Mùa thu năm 1967, Mỹ đưa hơn nửa triệu quân vào miền Nam, chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đã “leo thang” đến mức rất cao, ác liệt. Thời gian này ở Hà Nội, liên tục báo động máy bay. Đồng bào sơ tán khỏi Hà Nội. Tôi tiếp tục công tác ở báo Nhân dân, ở lại Hà Nội.

Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo: Vị Tướng  từ chiến dịch Đường 9 đến ngày Thống nhất

Đồng chí Lê Quang Đạo (giữa) cùng thư ký và bảo vệ

Tháng 12 năm 1967, anh Đạo chuẩn bị đi chiến dịch Đường 9- Khe Sanh, anh Đạo lúc đó 47 tuổi. Dù anh không nói nhưng tôi biết anh sắp đi B khi nhìn thấy quân trang anh được phát: võng dù, chăn dù, dép cao su… Tôi cẩn thận chuẩn bị hành trang cho anh. Tôi nghĩ rằng anh sẽ phải đi qua nhiều suối, nhiều sông. Chỉ đi đôi dép cao su thì không đủ. Tôi đi tìm mua cho anh một đôi bốt. Không cửa hàng mậu dịch nào có đôi bốt vừa chân anh. Chân anh nhỏ bằng chân tôi, chỉ đi cỡ 37. Chợt tôi nhìn thấy đôi bốt xanh của thiếu nhi Đức. Tôi mua đôi bốt ấy và tự nhủ: “Lội bùn nhiều chắc màu xanh sẽ phai bớt”. Bây giờ lại đang là mùa đông. Cần có chiếc áo khoác kiểu budong, nhẹ mà ấm cho anh. Tôi tìm được cho anh chiếc áo mưa màu nâu đỏ bằng vinilông cho nhẹ.

Tuy hoàn cảnh giao thông lúc đó rất khó khăn nhưng vẫn có thể gửi thư từ chiến trường Quảng Trị ra Hà Nội. Thư đầu tiên, anh Đạo nhờ các đồng chí giao thông đưa về, chữ viết rất nhỏ. Anh muốn lá thư mang đi đường sao cho thật nhẹ. Anh kể: “Việc chuẩn bị ở nhà như thế là tốt, nhưng có thứ không hợp với anh như đôi bốt màu xanh, cái áo mưa thì đỏ quá. Để khỏi bị chú ý quá nhiều, anh liền đi dép và khoác áo nilông như mọi cán bộ, chiến sĩ. Vậy mà chiến sĩ ta tinh lắm, vẫn đoán là một cán bộ chỉ huy”.

Anh kể chuyện hành quân: “Anh như vậy cũng đã được thử thách vài chặng đường trèo đèo lội suối, kể cũng khá gay go đấy. Nhưng xét ra đôi chân vẫn còn tốt, ôn luyện lại cũng không lâu. Đi kịp anh em, lại được biểu dương là đi nhanh, đi khỏe nữa.

Phong cảnh nhiều nơi rất đẹp, nhưng mải miết đi và mệt thở ra tai nên cũng chẳng thưởng thức được bao nhiêu. Bộ đội, thanh niên xung phong nô nức nhau kéo đi như trẩy hội. Lớp thanh niên mới anh dũng, đáng yêu vô cùng. Qua đường họ chẳng biết anh là ai, một số chào: Bố ạ! Gặp một cậu chiến sĩ ở làng Phù Lưu gần làng mình, cậu ấy biết mình. Thế là họ bí mật giới thiệu nhau biết…”.

Thư viết ngày 23 tháng 1 năm 1968. Khi đọc thư tôi không biết rằng anh vừa thoát chết mấy hôm trước. Những chuyện gian khổ ác liệt anh ít kể trong thư.

Một tháng sau, tôi nhận được bức thư anh viết ngày 22 tháng 2 năm 1968.

“Nhận được thư và chút quà ở đây có ý nghĩa thật lớn. Càng phấn khởi bao nhiêu càng cảm ơn các đồng chí đã trèo đèo lội suối qua hàng ngàn cây số dưới bom đạn địch mang đến cho. Thật là của một đồng công một nén. Các anh em cùng đi rất tận tụy dũng cảm, nhiều khi làm cho anh rất xúc động. Tuệ ạ, trong lúc gian khổ, nguy hiểm mới thấy hết tình đồng chí với nhau. Gian khổ nhưng thật lạc quan, vui tươi phấn khởi”.

Ba mươi năm sau, năm 1998, khi nhớ lại và suy ngẫm về chiến dịch Khe Sanh, anh Đạo kể: “Một ngày sau khi vào, chúng tôi đã mở được hội nghị đại diện các đơn vị, binh chủng tham gia chiến dịch để bàn kế hoạch tác chiến và giao nhiệm vụ chiến đấu cho từng đơn vị. Các đại biểu ra về khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch với quyết tâm rất cao. Mấy ngày sau, máy bay địch đến ném bom bắn phá dữ dội khu vực Sở chỉ huy suốt ngày đêm, làm đứt hết đường dây thông tin liên lạc. Chúng tôi vô cùng sốt ruột vì không nắm được tình hình bộ đội. Tư lệnh Trần Quý Hai và tôi, Chính ủy, bàn nhau quyết định đi đến Sở chỉ huy dự bị. Vào khoảng hơn hai giờ sáng hôm ấy, lúc ngớt bom, chúng tôi và anh em bắt đầu bước ra khỏi hang đá, đi thành hai tốp. Vừa ra khỏi hang, B52 lại ném bom rải thảm toàn bộ khu vực. Cây cối đổ rạp, đá hai bên sườn núi sạt lở chắn cả lối đi. Do vậy, các đồng chí giao liên cũng không xác định được đúng đường đi nữa, cứ đi loanh quanh trong khe núi, dưới pháo sáng và bom địch. Có một số đồng chí đã bị tử vong do đá văng vào người. Một bác sĩ đi cùng tôi tụt chân xuống khe đá, may mà có chiếc ba lô con cóc to đeo đằng sau giữ lại, nếu không đã bị nguy hiểm đến tính mạng. Chợt thấy tiếng bom nổ rất to bên cạnh, lập tức chúng tôi nằm sấp xuống khe đá tại chỗ. Đồng chí Hòa cán bộ bảo vệ và một chiến sĩ đi cùng đã nằm đè lên che chở cho tôi, trên lưng mỗi người đều đeo một ba lô con cóc. Nhờ đó, tôi được an toàn. Nhưng hai đồng chí đều bị thương do đá văng vào. Lúc ấy tôi không kìm được xúc động trước tấm lòng và tinh thần dũng cảm của anh em, đồng chí”.

Sau này khi anh đã mất, bác sĩ Trung trong đoàn của Bộ Tư lệnh (sau này là người chăm sóc sức khỏe cho anh Đạo) kể lại, thoát bãi B52, cả đoàn bị lạc mấy hôm. Mọi người nhịn đói hai ngày. Một đồng chí tìm được nắm gạo thính trong túi, chia thành mười ba suất, ăn cho đỡ đói. Mỗi suất chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay. Anh Đạo chia đôi phần gạo thính của mình cho đồng chí liên lạc vừa dậy sau cơn sốt rét.

Mặt trận Đường 9- Khe Sanh kéo dài. Gần bảy tháng liền bộ đội ta vây hãm Tà Cơn. Mỹ hoàn toàn không biết đây là một chiến dịch nghi binh. Ngoài Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch, không ai biết nhiệm vụ chiến lược thực chất của mặt trận Đường 9- Khe Sanh. Mặt trận này có nhiệm vụ thu hút và giam chân càng nhiều càng tốt các lực lượng tinh nhuệ của Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Sau này, anh Đạo nói với tôi: “Khe Sanh, đó là một đòn nghi binh chiến lược”.

Ba mươi hai năm sau chiến dịch Khe Sanh, chị Lady Borton- một nhà văn Mỹ đến nhà người Chính ủy chiến dịch Khe Sanh năm xưa. Trước kia, anh Đạo còn sống, chị đã đến thăm gia đình. Chị đặt lên bàn thờ anh tập báo cáo mật của Westmoreland về chiến dịch Khe Sanh rồi thắp hương cho anh Đạo. Lady nói với tôi: “Đây là bản báo cáo mật của tướng Westmoreland, nguyên Tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam hồi năm 1968. Trong này có nói nhiều đến Khe Sanh. Hiện nay ở Mỹ, những tài liệu này đã công khai. Tôi lấy từ trên mạng Internet. Khi còn là Chính ủy chiến dịch Khe Sanh, anh Đạo chắc muốn biết điều này”.

Tôi không khỏi xúc động trước tấm lòng của chị. Tôi lần giở mấy tập rất dày các báo cáo bằng tiếng Anh. Những tài liệu này do một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thu thập khi nghiên cứu những hoạt động của đơn vị mình tại Việt Nam. Những bản báo cáo mật nói rõ tầm quan trọng của Khe Sanh đối với Tổng thống Mỹ. Luôn bị bóng ma Điện Biên Phủ ám ảnh, Johnson đã bắt Westmoreland hàng ngày báo cáo tình hình chiến sự ở Khe Sanh thông qua Walt Rostow tóm lược.

Để đẩy lùi lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi Khe Sanh, Mỹ đã sử dụng hỏa lực và pháo binh không hạn chế, tạo nên những trận bão lửa dữ dội chưa từng thấy trong lực sử chiến tranh. Nhà báo, sử gia Mỹ Stanley Karnow kể: “Tổng thống Lyndon Johnson và Washington đã nghĩ rằng Khe Sanh là một Điện Biên Phủ nữa. Và họ đã làm cả sa bàn Khe Sanh ở Washington. Thậm chí, họ cũng yêu cầu tướng Westmoreland- Tư lệnh Bộ Chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam- phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh vì đó là danh dự của nước Mỹ”.

Sau mấy tháng chiến đấu liên tục và quyết liệt, chiến dịch Đường 9- Khe Sanh đã hoàn thành nhiệm vụ phối hợp với quân và dân ta tấn công nổi dậy trên chiến trường toàn miền Nam, trực tiếp là Thừa Thiên-Huế, giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi chính của mặt trận Khe Sanh là ta đã làm cho kẻ địch phân tán lực lượng và bị bất ngờ về hướng tiến công chiến lược chủ yếu của ta trong mùa xuân 1968.

Anh Đạo ở Trường Sơn đã gần một năm tròn. Gia đình tôi đã rời số 2 phố Lý Thường Kiệt (nơi tạm trú thời gian máy bay Mỹ oanh tạc Hà Nội ác liệt) về nhà ở 28D Điện Biên Phủ. Một hôm đi làm về, tôi thấy con trai reo lên:

- Bố sắp về!

Nghe tin anh sắp về, tôi mừng lo lẫn lộn vì đường đi rất nguy hiểm. Chặng đường dài qua nhiều trọng điểm bắn phá của máy bay địch.
Vào một buổi sáng đẹp trời, chiếc xe com-măng-ca đưa anh và các đồng chí cùng tiến vào sân giữa tiếng reo vui của các con. Tôi nhìn anh nước mắt chảy quanh. Anh gầy đi nhiều, nước da tái xạm. Bước xuống xe, anh vui mừng ôm lấy mẹ con tôi trong vòng tay, miệng cười.

Có tiếng chuông điện thoại. Anh Đạo nhấc máy. Tiếng anh Vũ Kỳ ở Văn phòng của Bác Hồ:

- Bác biết tin anh vừa ở Khe Sanh ra. Bác nói anh đến gặp Bác vào chiều mai.

Anh Đạo rất vui được gặp Bác. Nhưng anh cũng lo Bác phê bình vì có những khó khăn ta không vượt qua được, mặc dù chiến dịch Khe Sanh căn bản hoàn thành nhiệm vụ. Anh biết Bác theo dõi hàng ngày tình hình chiến dịch. Bác chăm chú lắng nghe anh nói. Trái với nỗi băn khoăn lo lắng của anh Đạo, Bác Hồ rất vui. Bác giữ anh ở lại ăn cơm, anh rất mừng thấy Bác vui và khỏe.

Trở về từ Khe Sanh, được nghỉ ít ngày, anh Đạo lại chuẩn bị hành trang đi chiến dịch.

Anh được phân công làm chính ủy Bộ Tư lệnh 500. Không quân Mỹ ngừng ném bom miền Bắc nhưng tập trung đánh phá dữ dội vùng Cán Xoong, phía Nam khu 4 giáp ranh với Lào. Sự tiếp tế của ta bị gián đoạn, đặc biệt là xăng dầu. Hàng ngàn chiếc ô tô không thể vượt qua ngã ba Đồng Lộc và ngã ba Khe Ve. Đây là lần đầu tiên anh Đạo trực tiếp làm công tác hậu cần. Tôi không giấu được sự lo lắng khi nhìn nước da sạm vàng của anh sau gần một năm ở Trường Sơn. Anh động viên tôi:

- Anh lại có dịp được về quê “ ở rể”.

Đầu năm 1971, Nixon lên thay Johnson tiếp tục cuộc chiến tranh với âm mưu “thay đổi màu da của xác chết”. Là Chính ủy đồng thời là Bí thư đảng ủy Mặt trận đường 9- Nam Lào, anh đi chiến dịch rất cấp tốc. Sau gần hai tháng chiến đấu, chiến dịch đường 9- Nam Lào kết thúc thắng lợi lớn.

Đầu năm 1972, Mỹ ném bom lại Hà Nội, Hải Phòng. Một cuộc chiến tranh ác liệt “chiến dịch Quảng Trị” giữa ta và Mỹ diễn ra. Anh Đạo lại được phân công làm Chính ủy kiêm Bí thư đảng ủy. Anh Lê Trọng Tấn là Tư lệnh Mặt trận. Hội nghị Paris năm 1972 kéo dài, bế tắc. Ta muốn giữ bằng được thành Quảng Trị để gây sức ép với Mỹ trong đàm phán.

Suốt ba tháng giữ thành Quảng Trị, bộ đội ta hy sinh nhiều. Đơn vị bảo vệ thành cổ buộc phải rút lui sau 81 ngày đêm chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Ngày 23 tháng 10 năm 1972, anh Đạo trên đường về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.

Anh đã ở Mặt trận Quảng Trị hơn 7 tháng. Tôi nhớ có lần anh Đạo nói với tôi: “Sau mỗi trận đánh, sau mỗi chiến dịch, có sự tổng kết đầy đủ, thẳng thắn, chân thành thì mới thấy được những sai sót, mới bớt được thương vong và đạt hiệu quả cao cho những trận đánh sau, chiến dịch sau. Dù biết rằng “đấu tranh thì tránh đâu” nhưng vẫn phải nói”.

Toàn bộ ý kiến rút kinh nghiệm chiến tranh chống Mỹ dài 32 trang anh Đạo đã trình bày ở Hội nghị Trung ương lần thứ 21 năm 1973.

Các cuộc tổng kết cho đến nay đã chỉ rõ rằng Bộ Chính trị đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn và Bộ Tổng chỉ huy chiến dịch đã nhiều lần mở rộng hội nghị Bộ Chính trị, lắng nghe ý kiến và đã có quyết định sáng suốt, đầy sáng tạo để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, trước cả dự kiến.

Đang là Ủy viên thường trực Quân ủy Trung ương, anh Lê Quang Đạo có mặt cùng các anh trong Quân ủy Trung ương ở Tổng hành dinh vào ngày 30 – 4 – 1975 lịch sử ấy.

Hà Nội, 4-2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo: Vị Tướng từ chiến dịch Đường 9 đến ngày Thống nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO