Cố đô Huế vào Xuân

Bảo Thư 16/01/2023 08:00

Những ngày này, Cố đô Huế như trẻ lại. Nhiều người con xứ Huế đi làm ăn, sinh sống nơi xa cũng đã trở về với sông Hương núi Ngự để đón Tết cùng người thân.

Lễ dựng nêu trong Đại Nội, ngày 23 tháng Chạp.

Đây là năm đầu tiên Huế tổ chức Lễ hội Hoàng mai (hoa mai vàng). Công viên Thương Bạc bên dòng Hương giang lộng lẫy màu vàng của hoa mai với 400 tác phẩm đặc sắc nhất của các nghệ nhân, nhà vườn là thành viên Hội Hoàng mai Huế cũng như các địa phương có phong trào trồng mai; trong đó có 114 tác phẩm dự thi gồm cả mai đại và mai bonsai; 122 tác phẩm trưng bày, triển lãm và hàng trăm sảm phẩm thương mại góp mặt vào các không gian lễ hội.

Hoa mai Huế từ xa xưa đã nức tiếng, cánh mỏng manh, màu vàng nhã nhặn và được các nghệ nhân tạo thế công phu, đầy tính thẩm mỹ. Các nhà sinh vật học đã xác nhận hoa mai của Huế có nguồn gene khá biệt, tạo ra một dòng hoa mai bản địa của riêng Huế. Người dân Huế gọi là Hoàng mai. Loại mai này được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà dân... mang vẻ đẹp sang trọng.

Với quyết tâm khôi phục và phát triển Hoàng mai Huế của chính quyền, sự đồng hành hưởng ứng của người dân, nhiều vườn mai vàng được quy hoạch, trồng đúng giống mai vàng Huế. Năm nay, với Lễ hội Hoàng mai đầu tiên, kết thúc vào tối 28/12 năm Nhâm Dần, mai vàng xứ Huế thực sự được tôn vinh. Người Huế không chỉ coi mai vàng như một loài hoa, mà họ coi đó là tác phẩm của thiên nhiên. Trong dịp Lễ hội Hoàng mai năm nay, rất thú vị khi ban tổ chức bố trí một không gian đấu giá, như một trải nghiệm mới lạ cho người dân. Người bán nhận được giá trị xứng đáng và người mua có được thứ mà mình yêu thích.

Trồng mai, chơi mai không chỉ là thú vui tao nhã của người dân xứ Huế mà ẩn sâu trong đó là sự chiêm nghiệm, là suy tư và cả khát vọng được người trồng gửi gắm một cách lặng lẽ, thầm kín, gắn liền với những thăng trầm theo suốt cuộc đời của chủ nhân.

Vào đúng ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo, Đại Nội Huế đã chứng kiến nghi lễ thượng nêu theo phong tục cung đình xưa của triều Nguyễn dịp Tết Nguyên đán. Cây nêu là cây tre già dài 20 mét, do các lính vệ vác, cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình rước từ cửa Hiển Nhơn về dựng trước Triệu Tổ Miếu, Đại Nội Huế.

Ông Tôn Thất Giáp, một người dân tham gia lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế cho biết: Thời xưa trong hoàng cung, ngày 23 tháng Chạp là ngày dựng nêu phong ấn, báo rằng cái Tết sắp đến và triều đình sẽ tạm ngưng tất cả các công việc cho đến ngày 7 tháng Giêng mới hạ nêu.

Còn theo ông Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, vào ngày 23 Chạp âm lịch. Về tâm linh, dân gian tin rằng cây nêu có tác dụng xua đuổi, trừ yểm ma quỷ, những điều xấu của năm cũ, chuẩn bị cho một năm mới an lành.

“Lễ dựng nêu này có tính chất tái hiện, nhằm thể hiện tinh thần đầu năm mới của khu di sản, trở thành một tiết mục mà du khách có thể tương tác được. Do vậy trong lễ dựng nêu, các tình tiết nghi thức chúng tôi đã nghiên cứu kỹ trên các nghi tiết truyền thống của triều Nguyễn. Khác với lễ dựng nêu ở ngoài dân gian, lễ dựng nêu của trong cung triều Nguyễn các vị vua thường dùng lễ này để kết thúc công việc hành chính trong một năm và báo hiệu thời gian nghi Tết” - ông Trung chia sẻ.

Năm 2023 với Huế là một năm đặc biệt. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2023 sẽ được tổ chức chuỗi các chương trình hấp dẫn diễn ra liên tục, kéo dài xuyên suốt cả năm. Theo đó, Lễ hội mùa Xuân với chủ đề "Xuân Cố đô", bao gồm các lễ hội cung đình... Điểm nhấn của Lễ hội mùa Xuân là chương trình Khai mạc Festival Huế bốn mùa, nhiều hoạt động Tết cung đình và dân gian. Lễ hội mùa Hạ với chủ đề "Kinh thành tỏa sáng" sẽ lấy chương trình nghệ thuật kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích cố đô Huế và 20 năm nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh kết hợp với các hoạt động Festival Nghề truyền thống Huế làm điểm nhấn. Lễ hội mùa Thu với chủ đề "Huế vào Thu" gồm Lễ hội áo dài gắn với Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế kết hợp các hoạt động vui Tết Trung Thu như Lễ hội đèn lồng, Ngày hội Lân, các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân… Lễ hội mùa Đông với chủ đề "Mùa Đông xứ Huế" sẽ tổ chức một số hoạt động lễ hội mới tạo cho không khí mùa đông xứ Huế sôi động, đồng thời tạo ra các loại hình vui chơi, giải trí cho du khách thưởng ngoạn trong thời gian lưu lại cố đô Huế với điểm nhấn là Festival Âm nhạc quốc tế và chương trình Countdown chào đón năm mới...

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Festival Huế 2023 tổ chức với ý tưởng gắn kết các hoạt động ở 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhằm tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng, thu hút công chúng, người dân và khách du lịch đến với Huế.

Ngày 14/1, Thành ủy Huế đã khai mạc chương trình “Tết Huế” 2023 đón Tết Nguyên đán Quý Mão. “Tết Huế” 2023 gồm chuỗi các chương trình, hoạt động ý nghĩa, đặc sắc tái hiện truyền thống đón Tết cổ truyền của người dân xứ Huế. Chương trình được tổ chức tại khu vực đường đi bộ 23 Tháng 8 đến đường Lê Huân, nằm về phía Tây Nam của Hoàng thành Huế, với nhiều hoạt động hấp dẫn. Chương trình sẽ kết thúc vào ngày 26 tháng Chạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cố đô Huế vào Xuân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO