Co giật mí mắt, cảnh báo các bệnh về mắt

Bùi PHúc (tổng hợp) 24/05/2021 20:00

Co giật mí mắt sẽ không gây đau và không gây nguy hiểm tính mạng. Đa số các cơn co giật thường đến rất nhanh trong khoảng vài giây rồi sẽ tự biến mất mà không cần phải điều trị.

Các loại nhiễm trùng ở mắt là một trong những nguyên nhân gây co giật mí mắt.

BS. Minh Châu (Suckhoedoisong.vn) cho biết: Co giật mí mắt thường xảy ra rất nhanh vài giây hoặc một đến hai phút. Co giật mí mắt thường không gây đau đớn và không gây hại, nhưng có thể gây phiền nhiễu tới cuộc sống. Đa số các cơn co giật thường sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Trong những trường hợp hiếm gặp, co giật mí mắt có thể là một dấu hiệu sớm của một rối loạn vận động mạn tính.

Đi tìm căn nguyên

Tinh thần bị căng thẳng, mệt mỏi: Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng mắt co giật có thể là do tinh thần của bạn đang bị quá căng thẳng và mệt mỏi. Các cơ quanh mắt rất nhạy cảm và mắt của chúng ta cần phải nghỉ ngơi hàng ngày.

Chế độ ăn uống: Các hóa chất kích thích hệ thần kinh như caffeine và rượu là một nguyên nhân lớn gây co giật mí mắt. Trong cafe chứa chất caffein khiến nhịp tim bị tăng, kích thích quá trình trao đổi chất và hoạt động của các các cơ, bao gồm cả cơ mắt. Ngoài ra, cơ thể bạn thiếu chất magie hay vitamin B12 cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng mắt bị co giật.

Khối u ở mắt: Khối u mọc ở mắt cũng có thể là một nguyên nhân khiến mắt bạn co giật. Đây là bệnh nguy hiểm có thể khiến mắt bị hỏng vĩnh viễn. Tuy xác suất xảy ra thấp nhưng bạn không nên coi thường. Hãy đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng ở mắt: Hiện tượng mắt co giật có thể là do bệnh nhiễm trùng ở mắt như viêm mí mắt. Vi khuẩn xâm nhập mí mắt đa phần do môi trường bụi bẩn bên ngoài đã khiến cho mắt bị sưng viêm và đỏ.

Cơ thể bị dị ứng thời tiết: Biểu hiện của dị ứng thời tiết là cảm thấy ngột ngạt, khó thở, ngứa mũi... phần nhỏ trong đó bao gồm cả ngứa và co giật mí mắt.

Thiếu ngủ trầm trọng: Tình trạng thiếu ngủ thường xuyên cũng có thể phản ứng qua hiện tượng co giật mí mắt.

Bệnh có nguy hiểm không?

Co giật mí mắt sẽ không gây đau và không gây nguy hiểm tính mạng. Đa số các cơn co giật thường đến rất nhanh trong khoảng vài giây rồi sẽ tự biến mất mà không cần phải điều trị.

Trong trường hợp hiếm gặp, co giật mí mắt có thể là triệu chứng rối loạn thần kinh như bệnh Parkinson, tê liệt thần kinh mặt, co giật nửa mặt... Loạn trương lực cơ, gây co thắt cơ không tự chủ và ảnh hưởng đến một phần cơ thể bị xoay hoặc biến dạng; đa xơ cứng, một bệnh của hệ thần kinh trung ương gây ra các vấn đề về nhận thức và vận động, cũng như mệt mỏi; Hội chứng Tourette.

Đặc biệt nếu là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng hơn thì tình trạng co giật mắt sẽ đi kèm với việc co giật các bộ phận khác trên mặt.

Cần đi khám bác sĩ chuyên khoa khi thấy dấu hiệu bệnh.

Điều trị co giật mí mắt

Đa số các tình trạng co giật mí mắt sẽ biến mất mà không cần điều trị. Nếu tình trạng này không tự biến mất, có thể cố gắng loại trừ hoặc làm giảm các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân phổ biến nhất của co giật mí mắt là do căng thẳng, mệt mỏi và sử dụng caffein. Để làm giảm co giật mí mắt, bạn có thể thử những cách sau: uống ít caffein hơn; ngủ đủ giấc; giữ bề mặt và niêm mạc mắt luôn ẩm bằng các loại nước mắt nhân tạo không cần kê đơn hoặc thuốc nhỏ mắt; chườm ấm lên mắt khi bị co giật mí mắt.

Tiêm botox đôi khi cũng được sử dụng để điều trị co giật mí mắt lành tính. Botox có thể làm giảm những cơn co giật mạnh trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, khi tác dụng của botox giảm đi, bạn sẽ cần phải tiêm bổ sung thêm.

Phẫu thuật loại bỏ một vài cơ và dây thần kinh ở mí mắt cũng có thể được áp dụng để điều trị các trường hợp co giật mí mắt nghiêm trọng hơn. Vật lý trị liệu cũng có thể hữu ích trong việc tập thư giãn cho các cơ mặt.

Nếu bị co giật mí mắt trong thời gian dài và có thêm các dấu hiệu dưới đây, cần đến gặp bác sĩ ngay: mắt sưng đỏ bất thường; mí mắt trên rủ xuống; mí mắt bị đóng sập, ảnh hưởng đến tầm nhìn; mí mắt bị co giật trong vài tuần; co giật mí mắt kèm theo các co giật các bộ phận khác trên mặt.

Nếu nhận thấy tình trạng co giật kéo dài trong thời gian dài cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ nhãn khoa để thăm khám và điều trị kịp thời

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Co giật mí mắt, cảnh báo các bệnh về mắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO