Cơ hội cho nông sản Việt

QUỐC ĐỊNH 05/08/2020 09:00

Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 đã mở ra cơ hội phát triển thương mại nhiều ngành giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam và EU. Riêng đối với lĩnh vực nông sản, việc tận dụng EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp ngành hàng này đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng sâu vào nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận kênh phân phối, xây dựng thương hiệu…

Để nông sản Việt hội nhập thành công cần có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.

Tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu (XK) hàng Việt vào thị trường châu Âu vừa diễn ra tại TP HCM, không ít đại biểu nước ngoài liên tục nhắc đến sản phẩm nước ép trái cây của một doanh nghiệp tại Hậu Giang như một thí dụ điển hình cho việc gia tăng giá trị nông sản Việt khi XK. Qua tìm hiểu, được biết hàng năm công ty này sản xuất hơn 6 triệu tấn trái cây từ nguồn nguyên liệu ở vùng ĐBSCL và Tây Nguyên. Doanh thu năm ngoái của công ty đạt khoảng 6,5 triệu USD.

Công ty đã XK khoảng 20 loại sản phẩm chủ lực của mình như nước ép chanh, chanh dây, ổi, dứa, sơ ri, cam… đi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là vào thị trường khó tính như EU. Điều đặc biệt là người sáng lập DN nêu trên lại là một người nước ngoài, ông Jean-Luc Voisin - vốn là một kỹ sư thực phẩm người Pháp, đã biết cách để áp dụng kỹ thuật và máy móc để sản xuất nước ép trái cây và các món thường dùng theo tiêu chuẩn phương Tây.

Điểm mấu chốt nằm ở cách công ty này nhìn ra thị trường tiềm năng nhằm khai phá. Nhất là việc chọn các khách sạn 5 sao để mời chào sản phẩm và 80% sản phẩm của công ty hiện được tiêu thụ tại nhà hàng, khách sạn và dịch vụ thực phẩm; 20% còn lại tiêu thụ qua các kênh bán lẻ hiện đại.

Ở một góc nhìn khác có thể thấy, đó còn là sự chọn lọc việc phát triển chuỗi cung ứng, nông trại sạch, xây dựng thương hiệu, khả năng bán hàng. Không những vậy, ông chủ Jean-Luc Voisin có mối quan hệ cực tốt với nông dân. Ông còn cung cấp smartphone cho nông dân ở ĐBSCL để sử dụng ứng dụng giúp tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Qua câu chuyện nêu trên, có thể thấy, trái cây ở ĐBSCL đã nâng giá trị với cách làm như vậy, được thị trường EU đánh giá cao, rất đáng để các DN XK nông sản vào EU học hỏi. Đặc biệt là vấn đề làm thế nào để nông sản Việt có thể gia tăng giá trị chuỗi cung ứng thông qua EVFTA?

TS. John Walsh, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc một trường đại học danh tiếng tại TP HCM nhận định, nhiều khả năng sẽ có những làn sóng XK hàng hóa mới từ các DN Việt sang thị trường EU. Ở chiều ngược lại, cũng sẽ có nhiều nhà đầu tư châu Âu chủ động tìm kiếm sản phẩm Việt phù hợp, có thể bán chạy ở châu Âu.

Do đó, theo chuyên gia này, quan trọng là Chính phủ Việt Nam cần hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, cũng như DN vừa và nhỏ trong nước, để giúp nâng cao tiêu chuẩn địa phương, điều chỉnh phương thức sản xuất trong nước và phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng mới có thể cạnh tranh trên trường quốc tế. Để đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho XK vào EU, nhà sản xuất Việt cần xem xét tất cả các khía cạnh của quá trình sản xuất. Điều hợp lý cần làm là hãy nhắm đến các tiêu chuẩn cao nhất nhằm đảm bảo sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường EU.

Cũng theo TS. John Walsh, trước những diễn biến mới như EVFTA hay Covid – 19, “tư duy và quản lý thông minh” có thể giúp các vùng miền ở Việt Nam làm mới bản thân với những sản phẩm nông sản cao cấp. Điều này có thể tham khảo cách làm của Nhật Bản với đảo Hokkaido là một ví dụ điển hình. Là vùng nông nghiệp, Hokkaido từng bị tụt hậu trong quá trình hiện đại hóa công nghiệp ở Nhật Bản. Để thúc đẩy kinh tế địa phương ở hòn đảo nêu trên, nền nông nghiệp cơ bản được bổ trợ bởi việc nghiên cứu những sản phẩm mới, trong đó có rượu vang, sô - cô -la, phô mai và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao khác, chưa từng thấy ở Nhật Bản. Cũng nhờ vậy mà du lịch ở Hokkaido đã khởi sắc.

Liên hệ lại thực tế ở Việt Nam, có thể thấy đã có một số dự án sản xuất địa phương đáng chú ý và có tiềm năng cạnh tranh quốc tế, như lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và trồng nhân sâm. “Các nhà sản xuất có thể vừa đổi mới sản phẩm, vừa thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường châu Âu, đồng thời tìm cách vượt qua những biến động của đại dịch. Hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương là rất quan trọng để hiện thực hóa điều này” - TS. John nêu.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam cũng có những cơ hội, đó là khả năng thích ứng của nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2018 đã đạt 40 tỷ USD. Nông sản Việt Nam đã có mặt tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, những điều kiện kinh tế bổ trợ của các khu vực khác cho nông nghiệp đang ngày một hoàn thiện tốt hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều DN trong nước đã trưởng thành, có khát vọng vươn lên, đã và đang liên kết chặt chẽ, hiệu quả với nông dân, hợp tác xã để sản xuất, đưa hàng nông sản Việt Nam hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội cho nông sản Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO