Cơ hội mua nhà ở xã hội dần biến mất?

Trần Thuỳ 03/11/2020 15:47

Tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành. Cơ hội tiếp cận với nhà ở xã hội đang dần biến mất?

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, nhu cầu NƠXH trên toàn quốc giai đoạn 2011-2030 là khoảng 440 nghìn căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được khoảng hơn 85.810 căn. Đáng lưu ý là chương trình phát triển NƠXH đã được nâng lên thành Luật, trong đó quy định rõ các cơ chế hỗ trợ, cũng như nguồn lực hỗ trợ hàng năm hoặc theo giai đoạn.

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, nước ta đang bước vào thời kỳ dân số vàng, trong đó có 70% dân số ở độ tuổi lao động, ngày càng thêm nhiều gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn… đã làm nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng cao hơn.

Năm 2020 có 40% dân số Việt Nam trên tổng số ở khu vực đô thị. Như vậy, theo tính toán của Bộ Xây dựng, thời điểm hiện nay, tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công dân có nhu cầu ổn định chỗ ở.

Lượng cầu về nhà ở xã hội ngày càng nhiều, trong khi đó lượng cung lại không đủ làm giá nhà ngày càng tăng cao, khiến người lao động rất khó khăn trong việc tìm nơi sinh sống.

Dự án nhà ở xã hội Rice City tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng: “Hiện giá nhà ở xã hội có khung giá từ 15-20 triệu đồng/m2. Giá cả trong lĩnh vực BĐS do thị trường quyết định, nhưng theo tôi cần tăng lượng cung cho nhà xã hội giá rẻ, có chính sách bảo đảm cung cho đại đa số người lao động”.

Theo kết quả kiểm toán chương trình NƠXH vừa được Kiểm toán nhà nước công bố, tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến có 15 dự án NƠXH được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành. Trong đó, 2/15 dự án chưa triển khai xây dựng; 7/15 dự án chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận dự án đầu tư; 1/15 dự án không có thông tin tình hình triển khai; 2/15 dự án dừng triển khai không thực hiện được NƠXH hoặc thu hồi; 3/15 dự án đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân khó khăn nhất trong quá trình triển khai các dự án NƠXH là do các nguồn vốn hỗ trợ cho người thu nhập thấp từ ngân sách còn hạn chế. Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về NƠXH đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện về cơ bản đã hình thành khung pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ để điều chỉnh việc phát triển NƠXH trong Luật Nhà ở được Quốc hội ban hành năm 2014, nhưng việc phát triển NƠXH cho công nhân các khu vực công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nhìn nhận về nguyên nhân khiến công tác phát triển NƠXH bị nghẽn ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, thì điểm nghẽn thứ 2 là công tác triển khai thực hiện dự án nhà ở tại địa phương đã gặp không ít bất cập. Điển hình như việc chọn địa điểm xây dựng NƠXH, có địa phương lựa chọn địa điểm không phù hợp, dẫn đến không phát triển được dự án hoặc có phát triển dự án, song không thu hút được nhiều người về ở.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề ra một số giải pháp, trong đó có việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường BĐS, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là NƠXH; khắc phục việc lệch pha cung – cầu, phát triển đa dạng hóa các loại hàng hóa bất động sản nhà ở, trong đó đẩy mạnh phá triển phân khúc NƠXH đô thị, nhà ở cho công nhân lao động, nhà ở cho thuê. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mô hình hợp lý để huy động các nguồn lực; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho NƠXH.

Đối với các doanh nghiệp, cần xem xét lại các quy định pháp luật khi thực hiện đầu tư dự án NƠXH. Rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, là các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng NƠXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội mua nhà ở xã hội dần biến mất?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO