Có nên 'nới' thời gian làm thêm?

Lê Bảo 18/01/2022 07:30

Trong Tờ trình mới đây gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về số giờ làm thêm trong một tháng và số giờ làm thêm trong một năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đề xuất “nới” thời gian làm thêm ở tất cả các ngành, lĩnh vực.  

Doanh nghiệp cần đầu tư máy móc để tăng năng suất lao động.

“Nới” giờ làm thêm

Cụ thể theo đề xuất của Bộ LĐTB&XH, nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ 40 giờ lên 72 giờ. Đồng thời, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại Bộ luật Lao động. Về thời gian áp dụng, Bộ LĐTB&XH đề xuất được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022 và báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.

Lý giải cho đề xuất trên tại Tờ trình số 138/TTr-LĐTBXH gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về số giờ làm thêm trong một tháng và số giờ làm thêm trong một năm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động, Bộ LĐTB&XH cho rằng, Việt Nam trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, trong đó đợt thứ nhất và thứ tư ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động. Điều 107, Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) chỉ được phép thỏa thuận với người lao động (NLĐ) làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời chỉ có một số ngành, nghề, công việc được làm thêm từ 200 giờ đến 300 giờ/năm.

Tuy nhiên, hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các DN cần có cơ chế chính sách để dồn lực cho sản xuất cũng như hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế cũng như nông sản, thủy hải sản. Do đó, việc nới đề xuất tăng giờ làm thêm với tất cả ngành, lĩnh vực là cần thiết.

Trước đó, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư 18, hướng dẫn thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng. Cụ thể, từ ngày 1/2/2022 tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong tuần của lao động thời vụ không quá 72 giờ. Nếu tính theo tháng, tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ, theo quy định cũ là 64 giờ và 32 giờ.

Linh hoạt trong thời gian nhất định

Đánh giá đề xuất trên của Bộ LĐTB&XH nhiều chuyên gia lĩnh vực này cho rằng, việc đề xuất “nới” giờ làm thêm ở tất cả ngành, lĩnh vực lúc này là cần thiết bởi việc làm thêm giờ như trên sẽ góp phần hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam.

Trước đề xuất của Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Công đoàn, quyền Trưởng phòng Sản xuất Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Showa Nguyễn Minh Sơn cho rằng, qua 2 năm ảnh hưởng bởi dịch và trước mắt sẽ còn rất nhiều khó khăn do đó cùng với chính sách hỗ trợ, cần có những quy định “mở” để giúp doanh nghiệp (DN) nhanh chóng phục hồi sản xuất. Trong đó, việc nới thời gian làm thêm rất quan trọng bởi, hiện rất khó để DN có thể đáp ứng được sản lượng sản xuất mà không bị chạm đến ngưỡng số giờ làm thêm đã được Chính phủ quy định trong luật. Nếu đề xuất “nới” thời gian làm thêm từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng được Chính phủ đồng ý sẽ là điều kiện giúp DN tận dụng thời cơ phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những ý kiến băn khoăn bởi hiện nay theo Bộ luật lao động 2019 quy định làm thêm từ 200 giờ lên 300 giờ/năm và không quá 40 giờ/tháng. Nếu hiện nay Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng thời gian làm thêm lên 72 giờ/tháng, đồng nghĩa bình quân mỗi ngày NLĐ làm thêm 2,76 giờ (1 tháng làm 26 ngày) với thời gian làm thêm như vậy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của NLĐ, không đảm bảo làm việc trong những ngày tiếp theo. Do vậy, để xuất này chỉ nên linh hoạt trong thời gian nhất định để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.

“Nếu người sử dụng lao động áp dụng làm thêm 72 giờ/tháng, liên tục trong mấy tháng đến khi đủ 300 giờ/năm, liệu NLĐ còn đủ sức để làm việc? Và ai sẽ chăm sóc, dạy dỗ con cái của NLĐ trong thời gian họ làm thêm giờ, hậu quả là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.Trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề các DN cần quan tâm là nghiên cứu ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động chứ không phải kéo dài thời gian lao động” - PGS.TS Dương Văn Sao – Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định.

Không tăng làm thêm 400 giờ/năm

Một số Hiệp hội DN như Hiệp hội DN Nhật Bản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam có ý kiến đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ từ 300 giờ lên 400 giờ trong một năm. Tuy nhiên Bộ LĐTB&XH khẳng định, không tăng làm thêm tới 400 giờ/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên 'nới' thời gian làm thêm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO