Có nguyên nhân từ thủy điện?

Nhóm phóng viên 20/11/2020 17:00

Không phải tới bây giờ, câu chuyện về sự phát triển thủy điện nhỏ ở nhiều tỉnh, thành miền Trung mới được đặt ra. Song quả thực, khi vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) làm 17 công nhân và 13 cán bộ, chiến sĩ thuộc đoàn cứu hộ bị vùi lấp mất tích, càng thổi bùng lên nghi ngại về những hệ lụy mà thủy điện mang lại.

Trước hết, đó là câu chuyện mỗi thủy điện khi được cấp phép xây dựng đều tác động đến môi trường. Tùy theo việc được phép xây dựng các hồ chứa bao nhiêu mà ảnh hưởng tới rừng tự nhiên bấy nhiêu, đó là chưa kể có những chủ dự án lợi dụng để khai thác rừng tự nhiên. Thứ hai, đó là việc xả lũ của các thủy điện, có làm gia tăng lũ lụt ở phía hạ du, gây cho người dân cảnh “màn trời chiếu đất”?

Không ai phủ nhận, thủy điện chính là một nguồn năng lượng sạch có vai trò rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, không phải ở đâu thủy điện cũng phát huy tác dụng. Theo các chuyên gia, cần nghiên cứu rất kỹ khi quyết định vị trí xây dựng thủy điện, vì mỗi vùng, mỗi khu vực lại có điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo khác nhau.

Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, khu vực miền Trung với điều kiện tự nhiên mưa lũ lớn, lại có địa hình lòng sông hẹp và độ dốc dọc lớn, qua nghiên cứu cho thấy việc xây dựng các hồ chứa để chống lũ lớn là rất khó khăn do phải xây dựng đập rất cao, không khả thi về kinh tế và tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội.

Trước những băn khoăn về vấn đề thủy điện, hôm 4/11, báo cáo trước Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay cả nước có tổng số 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các quy mô khác nhau. Với dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3 và đóng góp công suất khoảng 20.000MW, chiếm 37% công suất nền, công suất phát của đất nước.

Chính Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mới đây đã phải thừa nhận: “Thủy điện cũng có mặt tiêu cực, đặc biệt là tác động đến môi trường, đất, nước và khí hậu cũng như đời sống dân sinh”. Bộ trưởng cho biết, trong giai đoạn trước kia nhiều dự án thủy điện chiếm dụng đất rừng tự nhiên và gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ngay cả vấn đề vận hành của các đập thủy điện và an toàn của hồ, đập, mặc dù đã có hàng loạt các công cụ pháp lý cũng như đã có phân cấp và xác định rất rõ trách nhiệm cũng như các quy trình để đảm bảo yếu tố này, song theo ông Trần Tuấn Anh, “không tránh khỏi có những câu chuyện tại một số địa phương như việc thực thi không nghiêm”.

Nhấn mạnh nội dung mà dư luận, nhân dân và xã hội đang rất quan tâm là thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến lũ, ngập lụt cũng như những nguy cơ của sạt lở đất, người đứng đầu ngành công thương cho biết, qua khảo sát thực tế, nghe báo cáo của các địa phương và đánh giá của các nhà chuyên môn và của cơ quan chức năng thì việc sạt lở đất gây ra những tổn hại rất nghiêm trọng tại Quảng Trị, Huế và Quảng Nam vừa rồi gắn chặt với yếu tố có tính dị thường và cực đoan của thời tiết.

Còn Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cũng thừa nhận: Lỗi của phát triển thủy điện nhỏ nằm ở chỗ chưa tính toán được lợi ích, tính năng thiết kế, hiệu quả và công nghệ. Nếu chúng ta tính toán thiết kế được các công trình này hài hòa với tự nhiên thì vừa có thể duy trì nguồn điện năng và không làm biến đổi tự nhiên.

“Trở về từ miền Trung, tôi thấu hiểu tình cảm của đồng bào miền Trung nhưng thảm họa sẽ xảy ra bất cứ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S nếu chúng ta không thay đổi. Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép các dự án khởi công trong lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn được tiếp tục được hoạt động, thậm chí là cấp dự án phép mới. Chúng ta phải thay đổi cách làm, phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nguyên nhân từ thủy điện?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO